| Hotline: 0983.970.780

Biện pháp sinh học quản lý sâu đầu đen hại dừa

Thứ Sáu 09/08/2024 , 21:04 (GMT+7)

TIỀN GIANG Bên cạnh giải pháp phun trừ trước mắt để dập dịch, Tiền Giang sẽ triển khai biện pháp sinh học, phóng thích ong ký sinh nhằm quản lý hiệu quả sâu đầu đen hại dừa.

Hiện nay, sâu đầu đen đã tấn công vườn dừa của tỉnh Tiền Giang. Đây là loài sâu nguy hiểm phá hại nặng nề dẫn đến chết cây, mức độ lây lan cao, trong khi đó các giải pháp phòng trừ loài sâu này rất khó khăn, tốn kém.

Ông Trần Quốc Tuấn, nhà vườn trồng 4 công (4.000m2) dừa tại ấp Tân Thuận, xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo) kể, cách đây khoảng 4 tháng, trong một chuyến thăm vườn ông phát hiện một số cây dừa bị sâu đầu đen tấn công, khiến lá khô xơ xác. Đã 4 lần ông Tuấn tìm đến các cửa hàng thuốc BVTV để mua thuốc phun trừ sâu đầu đen cứu vườn dừa khỏi nguy cơ trụi lá.

“Tôi thấy sâu cũng chết, đạt được mấy chục phần trăm rồi. Bây giờ sâu đang tấn công mạnh, dân lo lắm, vì ở đây đa số sống nhờ vườn dừa”, ông Tuấn vừa nói vừa kéo máy phun thuốc vào vườn tiếp tục việc bảo vệ dừa khỏi hàm răng sắc bén của lũ sâu bé tí nhưng háo ăn.

Sâu đầu đen hại dừa đang bùng phát tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo. Ảnh: Minh Đảm.

Sâu đầu đen hại dừa đang bùng phát tại xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo. Ảnh: Minh Đảm.

Cách đây hơn một năm, vườn dừa ở xã Xuân Đông bị nhiễm sâu đầu đen nhưng đã được khống chế kịp thời, tuy nhiên vài tháng nay loài sâu này bùng phát mạnh trở lại. Theo thống kê của UBND xã, trong số 668ha dừa toàn xã, có khoảng 191ha của 442 hộ bị sâu đầu đen gây hại, cá biệt một số ít diện tích chậm phòng trị đã bị thiệt hại 100%.

Để ứng phó với sâu đầu đen, các nhà vườn địa phương dùng bình phun thuốc hóa học vào ngọn dừa, lá dừa. Song do nhiều vườn dừa hơn chục năm tuổi, có cây cao hơn chục mét nên việc phun thuốc rất khó khăn, ngoài ra nhiều nhà vườn còn chăn nuôi heo, gà dưới tán vườn dừa nên ngại phun thuốc hóa học.

Bà Đồng Thị Xuân (68 tuổi) ở xã Xuân Đông chia sẻ, cách đây không lâu bà phát hiện nhiều trái dừa rụng bất thường với nhiều vết tích bị sâu phá hại, ngoài ra nhiều tàu dừa bị sâu ăn cháy khô nên bà đã thuê người phun xịt 2 lần. Chi phí mỗi lần xịt thuốc trừ sâu là 12.000 đồng/cây (người xịt tự mua thuốc), cả khu vườn 100 cây tiêu tốn của bà hết 2,4 triệu đồng. Bà Xuân rất lo cho vườn dừa nên sáng nào cũng ra vườn xem tàu dừa đã xanh trở lại chưa.

“Mình sống nhờ vườn dừa, mỗi tháng được vài triệu đồng, hai tháng nay sâu ăn rụng hết, không bán được trái nào. Bây giờ chỉ mong nhà nước hỗ trợ tiền thuốc phun xịt, mình đã xịt nhiều lần mà không hết, giờ không có tiền phun xịt nữa”, bà Xuân nói.

Sau khi sâu đầu đen hại dừa với diện tích lớn, chính quyền xã Xuân Đông đã phối hợp với UBND huyện, ngành NN-PTNT huyện Chợ Gạo và tỉnh Tiền Giang hướng dẫn người dân ngăn chặn dịch hại. Mỗi ấp đã thành lập 1 tổ vận động người dân phun xịt thuốc đồng loạt.

Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông cho biết, xã có hơn 95% hộ dân kinh tế phụ thuộc vào cây dừa nên việc phòng chống dịch hại bảo vệ vườn dừa đang rất cấp thiết. Xã đã xây dựng kế hoạch, thành lập mỗi ấp một tổ để xuống vận động người dân cũng như nắm tình hình, điều tra chính xác diện tích bị thiệt hại, hướng dẫn người dân tổ chức thực hiện phun xịt. Riêng những hộ gia đình đơn chiếc xã sẽ nghiên cứu điều động lực lượng xung kích đến hỗ trợ.

Người dân địa phương phun thuốc trừ sâu đầu đen. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân địa phương phun thuốc trừ sâu đầu đen. Ảnh: Minh Đảm.

Mới đây, UBND xã Xuân Đông đã tham mưu UBND huyện Chợ Gạo mời các nhà khoa học của Trung tâm BVTV phía Nam (Cục BVTV), Sở NN-PTNT Tiền Giang đến khảo sát, tìm giải pháp phòng trừ sâu đầu đen hại dừa. Hiện UBND huyện Chợ Gạo đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Xuân Đông điều tra, nắm chắc tình hình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Theo báo cáo đến ngày 2/8 của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Gạo, Trung tâm phối hợp với UBND xã Xuân Đông đã tiến hành điều tra diện tích dừa nhiễm sâu đầu đen mới, theo đó diện tích bị gây hại hơn 198ha, với 434 hộ bị nhiễm, tỷ lệ hại là 5 - 10%. Toàn huyện có 216,8ha dừa bị sâu đầu đen gây hại, tỷ lệ 5 - 10%, trong đó xã Xuân Đông hơn 198ha, xã Hòa Định gần 17ha, xã An Thạnh Thủy hơn 1,5ha.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Tiền Giang đã phối hợp với các địa phương tăng cường thông tin về sâu đầu đen hại dừa, đồng thời vận động người dân chủ động phun xịt đồng loạt trên các vườn bị nhiễm sâu đầu đen để tránh lây lan trên diện rộng, đốn bỏ và tiêu hủy những vườn dừa già cỗi bị sâu đầu đen gây hại nặng, không có khả năng phục hồi. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nhà vườn cần áp dụng biện pháp hóa học để phòng trừ kịp thời rồi mới tiếp tục áp dụng các biện pháp sinh học như ong ký sinh.

Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, hiện tình trạng sâu đầu đen hại dừa mặc dù có biểu hiện tăng nhanh nhưng chưa đến mức phải công bố dịch, bởi các giải pháp ứng phó mà ngành chức năng đưa ra vẫn hiệu quả. Tuy nhiên, Sở NN-PTNT Tiền Giang cũng đang xây dựng kế hoạch cụ thể, có các giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho bà con trồng dừa vượt qua nỗi lo sâu đầu đen.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ, điều tra, phát hiện kịp thời những diện tích nhiễm sâu đầu đen và hướng dẫn nông dân biện pháp xử lý kịp thời để tránh lây lan trên diện rộng. Đồng thời, tổ chức lớp ToT cho cấp huyện, cấp xã ở địa phương có trồng dừa về nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh trên sâu đầu đen hại dừa nhằm quản lý hiệu quả sâu đầu đen bằng biện pháp sinh học bền vững và an toàn.

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).