| Hotline: 0983.970.780

Báo động nạn phá rừng tự nhiên tại Con Cuông

Thứ Tư 08/05/2024 , 13:30 (GMT+7)

Sau Quỳ Châu, Quỳ Hợp, gần đây Con Cuông nổi lên là điểm nóng mới về phá rừng tại Nghệ An, đáng chú ý có những vụ việc vượt khung xử phạt hành chính.

Những năm qua tại huyện Con Cuông rộ lên nạn phá rừng tự nhiên để lấy đất trồng keo. Ảnh: Khôi An.

Những năm qua tại huyện Con Cuông rộ lên nạn phá rừng tự nhiên để lấy đất trồng keo. Ảnh: Khôi An.

Phá rừng tự nhiên có tổ chức

Vài năm gần đây trên địa huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) xảy ra hàng loạt vụ phá rừng để lấy đất trồng keo. Các đối tượng vi phạm thường lựa chọn phương thức tỉa thưa, từng bước cơi nới hòng qua mặt cơ quan chức năng. Ngược lại có những trường hợp ngang nhiên tác động trên phạm vi lớn trong thời gian ngắn, một trong số đó là phi vụ do đối tượng Nguyễn Trọng Niệm cầm đầu.

Ngày 19/3/2024 Hạt Kiểm lâm Con Cuông đã chủ trì, phối hợp với các thành phần trong Đoàn Kiểm tra và Ủy ban nhân dân xã Cam Lâm tiến hành kiểm tra, xác minh vụ phá rừng trái pháp luật gây rúng động dư luận nói trên.

Vị trí phá rừng thuộc lô 24, khoảnh 7, tiểu khu 739, thửa đất số 29 và lô 21, khoảnh 7, tiểu khu 739, thửa đất số 30. Cả 2 đều thuộc tờ bản đồ số 2, thuộc địa phận bản Cam, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông.

Điển hình là vụ việc của ông Nguyễn Trọng Niệm. Ảnh: Khôi An.

Điển hình là vụ việc của ông Nguyễn Trọng Niệm. Ảnh: Khôi An.

Ghi nhận, đo đạc tại hiện trường cho thấy các đối tượng đã tiến hành chặt phá, đốt trái phép trên quy mô 5,6ha. Đáng nói, diện tích này được quy hoạch rừng sản xuất nhưng hiện trạng là rừng tự nhiên, chiếu theo Chỉ thị số 13/CT-TW nghiễm nhiên không được phép động đến.   

Trên giấy tờ thửa đất số 29 giao cho ông Hồ Văn Việt, thửa đất số 30 giao cho ông Vi Văn Công (đều trú tại bản Cam, xã Cam Lâm) quản lý theo Nghị định 163/NĐ-CP.

Dù vậy thực chất các lô thửa này đã được “trao tay” nhiều lần. Qua điều tra xác định ông Việt, ông Công đã chuyển nhượng lại cho ông Nguyễn Trọng Sơn (thường trú tại tổ 12, Thùy Dương, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế). Người này tiếp tục bán lại cho ông Nguyễn Trọng Niệm (SN 1972, trú bản Cam, xã Cam Lâm), người sở hữu bạt ngàn diện tích rừng trồng.

Có rừng trong tay, đối tượng này đã rắp tâm toan tính, từng bước biến những cánh rừng tự nhiên thành rừng trồng để tiến tới trồng keo. Theo thông tin có được, giữa tháng 2/2024 ông Niệm đã thuê một nhóm người gồm Khay (Khay Ò), Thảm, Thơ, Dương… đến chặt phá nứa, gỗ ròng rã xuyên suốt 4 ngày. Cuối tháng 2 tiếp tục thuê nhóm người ở bản Cam và huyện Kỳ Sơn hòng cưa đổ các cây lớn mà trước đó chưa đốn hạ được. Mặt khác đốt, thiêu rụi toàn bộ khu vực trên.

Sau khi chặt phá sẽ tiến hành phát đốt, mục đích biến rừng tự nhiên thành rừng trồng. Ảnh: Khôi An.

Sau khi chặt phá sẽ tiến hành phát đốt, mục đích biến rừng tự nhiên thành rừng trồng. Ảnh: Khôi An.

Với lý do phá rừng trồng keo để cải thiện sinh kế, diễn biến an ninh rừng trên địa bàn Con Cuông đang có dấu hiệu nóng ran. Việc này không chỉ làm suy giảm chức năng phòng chống thiên tai mà còn gia tăng bất ổn an ninh trật tự, làm xáo trộn đến đời sống, sinh hoạt thường nhật của người dân địa phương và những vùng lân cận.

Trong vai một khách hàng có nhu cầu “mua rừng”, chúng tôi lân la, tiếp cận với bà Lộc Thị Thủy, Trưởng bản Quẻ, xã Bình Chuẩn, nơi giáp ranh với xã Cam Lâm. Nữ cán bộ trẻ tuổi nhanh nhảu đáp thẳng thừng: “Bà con bản Quẻ chấp hành nghiêm theo Chỉ thị 13, kiên quyết giữ đất, giữ rừng, không ai có nhu cầu chuyển nhượng, mua bán rừng nguyên sinh đâu, kể cả rừng trồng keo cũng không có chủ trương bán. Bán rừng cho người ngoài sẽ thành nô lệ của họ, phải đi làm thuê trên chính mảnh đất của mình, bản sắc văn hóa dần mai một đi”.

Bản Quẻ phải làm chốt 'đóng' đường dân sinh để hạn chế xe chở keo từ xã Cam Lâm ra vào. Ảnh: Khôi An. 

Bản Quẻ phải làm chốt "đóng" đường dân sinh để hạn chế xe chở keo từ xã Cam Lâm ra vào. Ảnh: Khôi An. 

Quan điểm trên hoàn toàn đúng đắn, nhất là với những gì đang diễn ra. Trên thực tế, bản thân ông Niệm và nhiều chủ rừng khác đang trồng keo trên đất Cam Lâm vẫn phải “mượn” đường dân sinh của bản Quẻ để dễ bề vận chuyển thành phẩm ra ngoài. 

Thực tế đó cho thấy hành vi phá rừng của đối tượng Nguyễn Trọng Niệm có tính tổ chức, được bàn bạc kỹ lưỡng trước đó. Đặc biệt, đối chiếu Điều 20 Nghị định 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ (về sau được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP) đã vượt quá mức khung xử phạt vi phạm hành chính.   

Liên quan đến vụ việc phá rừng nghiêm trọng này, Hạt Kiểm lâm Con Cuông đã chuyển toàn bộ hồ sơ đến Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Con Cuông để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Tầng tầng lớp lớp vẫn bị xuyên thủng

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND xã Cam Lâm thông tin, qua đánh giá hiện trạng, rừng Cam Lâm có trữ lượng hơn hẳn mặt bằng chung, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

“Đội tuần tra bảo vệ rừng của thôn, bản gồm Bí thư, Trưởng bản, Công an viên, thôn đội trưởng, trưởng các đoàn thể, cán bộ lâm nghiệp, ngoài ra còn có phối lực lượng kiểm lâm, công an địa bàn thường xuyên quán xuyến, túc trực, đặc biệt là các ngày lễ tết”, ông Thắng nhấn mạnh.

Dù cắt cử nhiều bộ phận quán xuyến, túc trực nhưng rừng Cam Lâm vẫn chảy máu. Ảnh: Khôi An.

Dù cắt cử nhiều bộ phận quán xuyến, túc trực nhưng rừng Cam Lâm vẫn chảy máu. Ảnh: Khôi An.

- “Lực lượng bảo vệ được tổ chức, bố trí dày đặc sao "máu" rừng vẫn chảy”? PV băn khoăn đặt câu hỏi.

- “Toàn xã có đến 6 điểm giáp ranh, gồm 1 điểm ngoài địa bàn huyện Con Cuông. Rừng trải rộng lại nhiều đường lắm hướng, 1 đường từ huyện Quỳ Hợp sang, 1 đường từ bản Cam, 1 đường từ Bình Chuẩn vào, 1 đường tiểu ngạch từ Xiêng My (Tương Dương) xuống, nhìn chung rất khó để quán xuyên hết”, ông Thắng giãi bày.

Những lời phân trần của Chủ tịch UBND xã Cam Lâm chỉ đúng một phần, đành rằng áp lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng là có nhưng vụ việc này các bên chưa làm tròn trách nhiệm, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng quản lý.

Trước tiên, hành vi của các đối tượng manh nha từ giữa tháng 2, chia thành 2 đợt với nhiều đối tượng tham gia nhưng quá trình phát giác, ngăn chặn từ cơ sở thiếu kịp thời. Chưa hết, mãi đến ngày 14/3, tức sau thời điểm xắn tay phá rừng khoảng 1 tháng Hạt Kiểm lâm mới chính thức nhận được báo cáo nhanh của UBND xã Cam Lâm(?!).

Lãnh đạo xã Cam Lâm xác nhận vụ việc diễn ra vào thời điểm giáp Tết Nguyên Đán 2024. Nhằm đối phó với tai mắt xung quanh, ngay từ ban đầu các đối tượng đã chủ động dựng sẵn 2 lán trong rừng. Bình quân có từ 25 - 30 người làm, lúc cao điểm phải đến 50 người, chủ yếu là người ở vùng khác.

“Người dân được thuê khoán chặt phá trong thời gian nhanh nhất có thể. Họ di chuyển bằng đường tiểu ngạch, đồng thời chủ động dự trữ sẵn đồ ăn, thức uống đủ dùng cho cả tháng. Họ chuyên làm về đêm, chỉ cần dùng đèn pin chiếu sáng rồi dùng dao phay đốn hạ. Đây là lần đầu tiên Cam Lâm xảy ra một vụ phá rừng dạng này”, ông Thắng khẳng định.

Bảo vệ tài nguyên rừng và đảm bảo lợi ích kinh tế đang là bài toán hóc búa của huyện Con Cuông. Ảnh: Khôi An.

Bảo vệ tài nguyên rừng và đảm bảo lợi ích kinh tế đang là bài toán hóc búa của huyện Con Cuông. Ảnh: Khôi An.

Nhận thấy tình trạng vi phạm pháp luật về tài nguyên rừng có xu hướng gia tăng, UBND huyện Con Cuông đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ, Vườn Quốc gia Pù Mát, UBND xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng, khai thác, canh tác đất rừng của người dân. Áp dụng nghiêm các biện pháp khắc phục hậu quả, không để các đối tượng sau khi vi phạm (bị xử lý hành chính, hoặc xử lý hình sự) lại tiếp tục trồng keo trên diện tích rừng bị huỷ hoại.

Nếu phát hiện đơn vị, địa phương nào thiếu trách nhiệm, không làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về rừng, cũng như có biểu hiện buông lỏng quản lý, lãnh đạo UBND huyện sẽ làm rõ trách nhiệm và có hình thức chấn chỉnh, xử lý nghiêm.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.