| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Chủ động tích nước, tưới phù hợp để đủ nước tưới cả năm 2021

Thứ Hai 14/12/2020 , 07:45 (GMT+7)

Hiện 165 hồ chứa ở Bình Định đã tích nước đạt 73% dung tích thiết kế, trong đó có 135 hồ đã tích đầy nước, chủ yếu là các hồ chứa vừa và nhỏ...

Trước đây, UBND tỉnh Bình Định giao nhiệm vụ cho Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý, khai thác, bảo vệ 15 hồ chứa nước lớn có tổng dung tích gần 458 triệu m3 nước cùng 24 đập dâng lớn trên sông Kôn, Hà Thanh, La Tinh, Lại Giang. Các địa phương quản lý 150 hồ chứa vừa và nhỏ.

Theo ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, việc quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng hồ chứa nước không chỉ quyết định cho sự an toàn của công trình mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở hạ du. Tuy vậy, công tác này đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là đối với các công trình do địa phương quản lý.

Số lượng hồ chứa do Công ty TNHH KTCTTL Bình Định được giao quản lý hiện tăng đến 66 hồ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Số lượng hồ chứa do Công ty TNHH KTCTTL Bình Định được giao quản lý hiện tăng đến 66 hồ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Để khắc phục, UBND tỉnh Bình Định đã phân cấp quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Công ty TNHH KTCTTL Bình Định được giao nhiệm vụ quản lý thêm 51 hồ chứa nước có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên, hoặc hồ chứa có chiều cao đập từ 15m, hồ chứa có đập dài 300m trở lên.

Hiện Công ty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý 66 hồ chứa, tổng dung tích 550 triệu m3 nước; các địa phương quản lý 99 hồ với tổng dung tích 40 triệu m3 nước. Đơn vị này đang bố trí nhân lực quản lý các hồ chứa mới tiếp nhận từ các địa phương; đồng thời rà soát thực tế khả năng tích nước, năng lực cấp nước tưới, dựa trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tích nước, điều tiết nước phục vụ sản xuất. Ngành chức năng cũng đề nghị các địa phương tính toán loại cơ cấu tổ chức quản lý hồ chứa, xác định nguồn nước hiện có, để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định (phải), theo dõi mực nước hồ Núi Một để chủ động tích nước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch Công ty TNHH KTCTTL Bình Định (phải), theo dõi mực nước hồ Núi Một để chủ động tích nước. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hiện 165 hồ chứa ở Bình Định đang tích hơn 430 triệu m3 nước, đạt 73% dung tích thiết kế, trong đó có 135 hồ đã tích đầy nước, chủ yếu là các hồ chứa vừa và nhỏ.

Theo các dự báo, thời tiết trong tháng 12 vẫn còn diễn biến phức tạp, do vậy ngành chức năng tỉnh này vừa điều tiết nước hợp lý nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và an toàn cho hạ du, vừa tích nước để đảm bảo cấp đủ nước tưới cho cây trồng vụ ĐX năm 2020 - 2021 và cả năm 2021.

Theo ông Hồ Đắc Chương, từ nay đến cuối năm 2020, trên đia bàn Bình Định sẽ còn bị ảnh hưởng khoảng 1-2 cơn áp thấp nhiệt đới nữa. Vì vậy, Sở NN-PTNT tỉnh này yêu cầu Công ty TNHH KTCTTL Bình Định tiếp tục duy trì phương án phòng chống thiên tai cho từng công trình theo phương châm 4 tại chỗ, thực hiện nghiêm quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa, thường xuyên cập nhật thông tin báo cáo cho Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh để chỉ đạo.

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các địa phương chủ động tưới tiết kiệm ngay từ vụ ĐX 2020-2021 để đủ nước tưới cả năm 2021. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các địa phương chủ động tưới tiết kiệm ngay từ vụ ĐX 2020-2021 để đủ nước tưới cả năm 2021. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đồng thời quản lý chặt chẽ lượng nước hiện có; ngay từ bây giờ xây dựng kế hoạch tưới, vùng tưới, lịch tưới thông báo cho địa phương và bà con nông dân biết để chủ động bố trí sản xuất vụ ĐX 2020-2021. Phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình tưới tiết kiệm ngay từ đầu vụ ĐX 2020-2021 để dành nước cho những vụ sản xuất sau.

Sở NN-PTNT cũng đã đề nghị chính quyền các địa phương quan tâm đến công tác quản lý, điều tiết nước từ các công trình thủy lợi, hạn chế tích nước đối với những hồ yếu kém về điều kiện kỹ thuật; rà soát, nắm chắc diện tích sản xuất đảm bảo được nước tưới và những vùng thường bị thiếu hụt nước tưới.

“Ngành chức năng Bình Định khuyến cáo các địa phương trong tỉnh linh hoạt trong trong bố trí mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là đối với những diện tích đất sản xuất thiếu nước tưới. Tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mùa mưa từ các ao, hồ, sông suối, kênh mương, để cung cấp nước cho vụ ĐX 2020 – 2021. Củng cố các tổ, đội thủy nông nội đồng để quản lý, điều tiết tưới hạn chế tranh chấp và chống lãng phí nước tròn quá trình sản xuất”, ông Hồ Đắc Chương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.