| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Cúc Tết trúng to

Thứ Hai 09/01/2023 , 17:31 (GMT+7)

Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi với hoa cúc, nên hầu hết cúc trồng bán Tết ở Bình Định đều kịp hoa, mới giữa tháng Chạp đã tiêu thụ hết với giá rất cao…

Những nụ cười hoa cúc

Dạo quanh những làng cúc Vĩnh Liêm, Liêm Trực ở phường Bình Định (Thị xã An Nhơn, Bình Định) những ngày giữa tháng Chạp, trời âm u, đầy gió. Những chậu cúc trồng để phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 chúm chím hoa. Trên gương mặt những chủ nhà vườn trồng cúc năm nay tươi rói những nụ cười rạng rỡ.

Chiếc xe tải “3 chân” đang chờ chở những chậu cúc cỡ lớn của anh Trần Hữu Văn đi miền Nam cung ứng cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ảnh: V.Đ.T.

Chiếc xe tải “3 chân” đang chờ chở những chậu cúc cỡ lớn của ông Trần Hữu Văn đi miền Nam tiêu thụ dịp Tết Quý Mão 2023. Ảnh: V.Đ.T.

Trên con đường bê tông nằm trong nội thị bên cạnh Cụm công nghiệp phường Bình Định, chúng tôi thấy chiếc xe tải “3 chân” đang đứng chờ “ăn” những chậu cúc to đùng. Chiếc xe này của thương lái miền Nam thuê chở những chậu cúc to cỡ đường kính 90cm mua của ông Trần Hữu Văn (sinh năm 1961) ở phường Bình Định về TP.HCM cung ứng cho thị trường Tết.

Ông Trần Hữu Văn, chủ nhân của gần 2.000 chậu cúc đủ mọi kích cỡ nằm trên khoảnh đất trống bên cạnh Cụm công nghiệp phường Bình Định đang cùng nhân công hì hục đẩy những chậu cúc to đùng lên xe tải. Mệt bở hơi tai, nhưng khi nghe chúng tôi hỏi thăm chuyện làm cúc năm nay, anh Văn liền cười “tươi như hoa cúc”, nghỉ tay trò chuyện trong hơi thở hổn hển.

Anh Trần Hữu Văn (đứng dưới bìa phải) đang cùng nhân công đẩy những chậu cúc to đùng lên xe tải. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trần Hữu Văn (đứng dưới bìa phải) đang cùng nhân công đẩy những chậu cúc to đùng lên xe tải. Ảnh: V.Đ.T.

Theo anh Văn, năm 2021, do còn ngại dịch Covid-19 nên anh chỉ trồng hơn 800 chậu. Không ngờ năm ngoái cúc Tết bán “đắt như tôm tươi”, giá lại cao nên năm nay anh mạnh dạn trồng 1.200 chậu cúc đại đóa và khoảng 700 - 800 chậu cúc lá kim nhiều màu trong chậu loại nhỏ. Cúc đại đóa anh Văn trồng đủ kích cỡ chậu, chậu có đường kính nhỏ nhất cũng 40cm, những chậu lớn hơn từ 50 - 90cm, có những đường kính to nhất là 1,2m, chiếm nhiều nhất là loại chậu có kích cỡ 60 - 70cm.

Giá cúc năm nay cũng tăng cao bất ngờ. Cúc trồng trong chậu 1,2m anh Văn bán tại bãi 4 triệu đồng/chậu; chậu có đường kính 90cm bán giá 3 triệu đồng/chậu; chậu có đường kính 80cm bán giá 2,5 triệu đồng/chậu; chậu có đường kính 70cm bán giá 1,8 triệu đồng và cúc trồng trong chậu có đường kính 60cm bán giá 800.000đ/chậu.

Anh Trần Hữu Văn đứng bên chậu cúc có đường kính 1,2m búp hoa đã hé hứa hẹn kịp Tết. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Trần Hữu Văn bên chậu cúc có đường kính 1,2m búp hoa đã hé, hứa hẹn kịp nở đúng dịp Tết. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo anh Văn, nhờ năm nay anh canh thời tiết chuẩn xác nên cúc của anh phát triển đều, hoa dày và nở đúng dịp Tết, nhờ đó giá bán cao hơn những năm trước khoảng 200.000đ/chậu. Năm nay chi phí đầu vào tăng cao, nhưng nhờ giá bán tăng nên người trồng còn lãi khá. Sức mua năm nay cũng rất mạnh. Mấy năm trước cúc Tết ở An Nhơn chủ yếu bán lên Tây Nguyên, Phú Yên, Đà Nẵng và thị trường nội tỉnh Bình Định. Năm nay, thương lái ở miền Nam và miền Tây ra mua rất nhiều, nhờ đó cúc Tết tiêu thụ mạnh.

“Hiện nay, toàn bộ cúc tôi trồng thương lái đã mua hết. Những chậu cúc của tôi đang đưa lên xe tải kia là của thương lái miền Nam ra mua. Thương lái miền Nam và miền Tây chỉ mua cúc chậu lớn, bởi người dân trong ấy kinh tế khá giả, đủ điều kiện mua chậu cúc đắt tiền về chơi Tết. Cúc trồng trong chậu có đường kính 1,2m tôi bán tại bãi 4 triệu đồng/chậu, nhưng khi đến tay người tiêu dùng có thể lên đến 6 - 7 triệu đồng/chậu.

Những chậu cúc thương lái trong tỉnh đã mua còn gửi lại bãi, gần Tết họ chở sau. 700 - 800 chậu loại cúc nhiều màu trồng trong chậu nhỏ có giá 100.000đ/chậu tôi bán để bù đắp chi phí nhân công, vật tư đầu vào, còn tiền lãi của 1.200 chậu cúc đại đóa là lãi ròng của vụ cúc năm nay”, anh Trần Hữu Văn chia sẻ.

Thời tiết ủng hộ người trồng cúc

Ghé qua vùng cúc thuộc khu phố Vĩnh Liêm, phường Bình Định, chúng tôi thấy những chậu cúc bày trên lề đường xanh đều tăm tắp, hoa dày đang hé nụ. Chị Lê Thị Thanh Hà ở khu phố Vĩnh Liêm đang ngồi cắm cúi cột lá chân cho gọn gàng để chậu cúc thêm đẹp.

Chị Lê Thị Thanh Hà đang cột lá chân để các chậu cúc gọn gàng, đẹp hơn. Ảnh: V.Đ.T.

Chị Lê Thị Thanh Hà đang cột lá chân để các chậu cúc gọn gàng, đẹp hơn. Ảnh: V.Đ.T.

Vừa làm, chị Hà vừa chia sẻ: "Năm nay vợ chồng chị chỉ làm có 200 chậu, chủ yếu trồng trong chậu có đường kính 40 - 60cm. Năm nay, chúng tôi dự báo người dân sẽ làm ăn khấm khá hơn năm ngoái nên cúc Tết sẽ có giá và bán chạy, nhưng do không có chỗ để chậu nên cố gắng lắm vợ chồng tôi cũng chỉ làm được 200 chậu".

Cũng theo chị Hà, cúc sau khi trồng 1 tháng là ngắt ngọn lần đầu, khi ấy phải giãn chậu thưa ra để cây cúc phát triển. Đến khi ngắt điện, những chậu cúc cần phải giãn ra rộng hơn để cúc đỡ sinh bệnh. Năm nay, vợ chồng chị chỉ trồng được 200 chậu, giờ này đã được thương lái mua hết. Một số bán cho thương lái ở huyện Phù Cát (Bình Định), một số bán cho thương lái ở Phú Yên, một số được thương lái mua chở đi TP.HCM bán sau rằm tháng Chạp (ngày 6/1/2023) sẽ chở đi, cúc bán nội tỉnh thì sau 20 tháng Chạp họ sẽ chở hết. Cúc trồng trong chậu 50cm mấy năm giá cao nhất cũng chỉ 300.000đ/chậu, năm nay bán được 400.000đ/chậu, chậu 60cm bán được 700.000 - 800.000đ/chậu...

Hầu hết những chậu cúc của anh Trần Hữu Văn đều cho hoa kịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Ảnh: V.Đ.T.

Hầu hết những chậu cúc của bà con đều cho hoa kịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023. Ảnh: V.Đ.T.

Năm nay, thời tiết rất ủng hộ người trồng cúc. Theo dõi dự báo thời tiết, người trồng cúc biết năm nay mùa mưa sẽ kéo dài, sợ mưa lạnh làm cúc ra hoa muộn không kịp Tết nên chủ nhà vườn canh thời điểm xuống giống để hoa ra sớm hơn mọi năm. Không ngờ đến mùa mưa mà trời không lạnh, thời tiết lại ấm, nên hầu hết đều cho búp sớm. Nếu đầu tháng Chạp không có đợt lạnh kéo dài cả hơn nửa tháng hãm lại thì nay cúc đã nở hoa vàng rực, đồng nghĩa nhà vườn thất thu vì còn nửa tháng nữa mới đến Tết.

Hòa cùng niềm vui chung của làng cúc Vĩnh Liêm, ông Huỳnh Minh Thái cũng đang rạo rực chờ Tết với gần 400 chậu cúc đại đóa và 150 chậu cúc mâm xôi. Thời điểm này, các thương lái đã đến tận nhà vườn ông Thái bỏ cọc đặt mua toàn bộ số cúc của ông.

Dù cực nhọc, nhưng năm nay cúc Tết có giá lại tiêu thụ mạnh nên các chủ nhà vườn đều phấn khởi. Ảnh: V.Đ.T.

Dù cực nhọc, nhưng năm nay cúc Tết có giá, lại tiêu thụ mạnh nên các chủ nhà vườn đều phấn khởi. Ảnh: V.Đ.T.

Không trồng hoa cúc đại đóa chậu lớn như các hộ khác, gia đình bà Trần Thị Hiếu cũng ở Vĩnh Liêm chỉ chuyên trồng cúc pha lê chậu nhỏ và cúc pha lê giống lùn để bán Tết. Bà Hiếu chia sẻ: “Năm nay gia đình tôi trồng khoảng 300 chậu cúc pha lê giống lùn, cúc mâm xôi và 1.000 chậu cúc pha lê trong chậu có kích cỡ 20cm.

Nghề trồng hoa cúc cần tỉ mỉ, phải theo dõi thời tiết hằng ngày để có biện pháp chăm sóc hoa phù hợp. Trời se lạnh thì chong điện sưởi ấm để thúc cây phát triển. Còn khi trời hửng nắng, nóng thì phải dùng đủ biện pháp để hãm sự phát triển, giúp hoa nở đúng dịp Tết”.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch UBND phường Bình Định, hiện trên địa bàn phường có trên 70 hộ dân chuyên trồng hoa cúc bán Tết, ai cũng có thâm niên từ 10 - 15 năm trồng cúc, tập trung tại 2 khu phố Vĩnh Liêm và Liêm Trực. Hàng năm, những hộ trồng cúc trên địa bàn trồng khoảng 20.000 chậu cúc các loại, nhiều nhất là cúc đại đóa và cúc pha lê, bình quân mỗi hộ trồng từ 400 - 500 chậu/vụ. Năm nay, cúc Tết vừa có giá vừa tiêu thụ mạnh, chắc chắn những hộ trồng cúc trên địa bàn sẽ có một cái Tết ấm với khoản thu nhập từ những chậu cúc.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm