Theo ngành nông nghiệp Bình Định, tính đến ngày 24/9, tỉnh này đã xử lý, tiêu hủy 25.187 con heo bị nhiễm DTLCP trên địa bàn 10/11 huyện, thị xã, thành phố (ngoại trừ huyện Vĩnh Thạnh). Nhiều biện pháp phòng chống dịch cũng được triển khai, đã góp phần hạn chế thiệt hại do loại dịch bệnh nguy hiểm này gây ra. Hiện DTLCP không còn diễn biến phức tạp như trước, nhiệt độ giảm cũng đã hạn chế vi rút gây bệnh phát triển.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định (giữa) kiểm tra các chốt kiểm dịch. |
Tuy nhiên, nguy cơ DTLCP bùng phát trở lại là rất cao, bởi tại một số địa phương xuất hiện nhiều ổ dịch mới. Thêm vào đó, một bộ phận người chăn nuôi chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh; các địa phương cũng chưa thực hiện chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người bị thiệt hại đã ít nhiều ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Vì vậy, cần phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp để bảo vệ đàn heo.
Tại cuộc họp, các địa phương cũng đã kiến nghị UBND tỉnh, ngành chức năng kịp thời hỗ trợ kinh phí, thuốc thú ý, vôi bột để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do DTLCP và cho lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng, chỉ đao: “Các Sở, ngành của tỉnh phân công lực lượng tiếp tục túc trực tại các trạm kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ để kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển heo ra vào tỉnh; tăng cường kiểm soát giết mổ động vật trên địa bàn; tiến hành quan trắc môi trường tại các điểm đã tiêu hủy, chôn lấp heo; tư vấn hướng dẫn các địa phương về giải pháp đầu tư tái đàn heo. Bên cạnh đó hướng dẫn người dân áp dụng nghiêm các biện pháp phòng chống dịch”.