| Hotline: 0983.970.780

Bình Định dốc lực dập dịch rầy bảo vệ lúa đông xuân

Chủ Nhật 28/03/2021 , 17:49 (GMT+7)

Vụ lúa đông xuân 2020-2021 đang vào giai đoạn cuối, chuẩn bị cho thu hoạch, tuy nhiên nhiều diện tích đang bị rầy nâu và rầy lưng trắng tập trung gây hại.

Theo ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Định, hiện lúa đông xuân 2020-2021 trên chân cao sạ cưỡng ở Bình Định đã bắt đầu cho thu hoạch.

Lúa chân 3 vụ đang làm chắc xanh, vào chín; lúa chân 2 vụ đang trổ, ngậm sữa. Đây là giai đoạn quyết định năng suất, sản lượng của vụ lúa chính trong năm của nông dân Bình Định. Thế nhưng trong thời gian qua, lúa đông xuân 2020-2021 tại Bình Định đã bị nhiều loại sâu bệnh tập trung gây hại, nhất là nạn rầy khiến nông dân vô cùng lo lắng.

Lúa đông xuân giai đoạn chắc xanh nhiều nơi ở Bình Định bùng phát rầy khá nặng. Ảnh: Đình Thung

Lúa đông xuân giai đoạn chắc xanh nhiều nơi ở Bình Định bùng phát rầy khá nặng. Ảnh: Đình Thung

Từ đầu tháng 3 đến nay, rầy nâu và rầy lưng trắng phát sinh gây hại cục bộ trên lúa chân 2 vụ và chân 3 vụ đang trong giai đoạn trỗ, ngậm sữa, chắc xanh. Mật độ rầy bình quân từ 750 con đến1.500 con/m2, nhiều diện tích có mật độ rầy khá cao, từ 3.000 con đến 5.000 con/m2.

Tính đến nay, diện tích nhiễm rầy trên địa bàn đã có đến 211,5ha, tập trung tại các huyện các huyện: Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Ân, Tây Sơn, Vân Canh và 2 Thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn. Rầy phát dục tập trung ở tuổi 4-5 và trưởng thành.

Ngành chức năng đã phối hợp với các địa phương khoanh vùng diện tích lúa bị nhiễm rầy, hướng dẫn nông dân phun thuốc BVTV diệt trừ, khống chế dịch bệnh không để ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Địa phương có nhiều diện tích lúa đông xuân bị nhiễm rầy nhất tại Bình Định là huyện Tuy Phước. Theo ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, diện tích lúa vụ đông xuân 2020-2021 trên địa bàn huyện đang giai đoạn mút đòng, trổ đều, ngậm sữa, nhưng hiện đã có đến 100 ha lúa đang bị rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại. Mật độ nhiễm rầy từ 750-6.000 con/m2, cục bộ có nơi cao đến 8.000 con/m2.

"Diện tích lúa bị nhiễm rầy tập trung tại cánh đồng của các xã Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hòa, Phước Thành, Phước An. Trong đó, đáng ngại là trên các cánh đồng của 2 xã Phước Sơn và Phước Thuận đang xảy ra tình trạng cháy rầy cục bộ, nếu không phòng trừ kịp thời khả năng có thể lây lan rộng”, ông Xuân lo lắng.

Nông dân Bình Định đang tích cực áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ rầy bảo vệ lúa đông xuân. Ảnh: Đình Thung

Nông dân Bình Định đang tích cực áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ rầy bảo vệ lúa đông xuân. Ảnh: Đình Thung

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Định, lứa rầy hiện tại tiếp tục gây hại lúa đại trà giai đoạn ngậm sữa, chắc xanh, chín. Lứa rầy tiếp theo bắt đầu ra từ ngày 3/4/2021, rầy phát sinh rộ từ ngày 5 đến ngày15/4/2021 sẽ gây hại cục bộ lúa chân 2 vụ trà muộn giai đoạn trỗ, ngậm sữa.

Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Định đã hướng dẫn nông dân các giải pháp phòng trừ rầy để bảo vệ lúa đông xuân. Các giải pháp này được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện truyền tải xuống tận nông dân.

Nông dân Đinh Văn Chung, canh tác gần 20 sào lúa (500m2/sào) ở phường Bình Định (TX An Nhơn), cho biết, ông đã được ngành chức năng hướng dẫn khi phát hiện rầy có mật độ từ 1.500-6.000 con/m2 thì tiến hành phun thuốc trừ rầy với các loại thuốc có hiệu quả cao theo khuyến cáo của ngành BVTV ở địa phương.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo và hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh trên lúa, nhất là đối với rầy nâu và rầy lưng trắng để bảo vệ lúa đông xuân.

Đồng thời đề nghị các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh duy trì thông báo tình hình sinh vật hại cây trồng 7 ngày, cập nhật số liệu vào phần mềm PPDMS2.0 vào chiều thứ 3 hàng tuần theo yêu cầu của Cục Bảo vệ thực vật”.

(Ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Định).

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.