| Hotline: 0983.970.780

Bình Định sẽ không còn diện tích nào sản xuất 3 vụ lúa/năm

Thứ Tư 08/04/2020 , 14:08 (GMT+7)

Mặc dù đã qua 10 năm chuyển đổi, thế nhưng Bình Định vẫn còn 10.000ha SX 3 vụ lúa/năm. Bất cập hiện hữu, vài năm tới Bình Định quyết tâm sẽ chuyển tất.

Sản xuất 2 vụ lúa/năm sử dụng giống dài ngày cho năng suất cao. Ảnh: Lê Khánh.

Sản xuất 2 vụ lúa/năm sử dụng giống dài ngày cho năng suất cao. Ảnh: Lê Khánh.

Quyết liệt từ trên xuống dưới

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, từ rất sớm, ngành chức năng tỉnh này đã nhận ra những bất cập trong cơ cấu sản xuất 3 vụ lúa/năm, thế nên 10 năm trước đây Bình Định đã bắt đầu công cuộc chuyển đổi mùa vụ.

“Thời gian đầu phát động chuyển đổi, chúng tôi gặp không ít khó khăn do người dân không hợp tác. Lý do là vì từ trước giờ họ đã quen với canh tác 3 vụ lúa/năm, giờ thay đổi thói quen là cả vấn đề.

Thêm nữa, hầu hết những hộ làm ruộng đều có nuôi bò để kiếm thêm thu nhập, giờ cắt bớt 1 vụ lúa đồng nghĩa họ mất đứt 1 vụ rơm rạ làm thức ăn cho bò, nên họ càng bất hợp tác. Khi ấy chúng tôi phải nỗ lực xây dựng mô hình, khi nông dân thấy rõ việc chuyển đổi mang lại nhiều lợi ích, mới dần nghe theo”, ông Hổ chia sẻ.

Trước đây, trên địa bàn Bình Định có đến 20.000ha diện tích sản xuất 3 vụ lúa/năm, thế nhưng sau 10 năm nỗ lực chuyển đổi, đến nay Bình Định chỉ còn khoảng 10.000ha, trong đó có 5.000ha diện tích chân cao sạ cưỡng.

Hai địa phương đã “xóa sổ” SX 3 vụ lúa/năm là TX An Nhơn và huyện Tuy Phước, chỉ còn các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân là còn nhiều diện tích sản xuất 3 vụ lúa/năm.

“Định hướng đến năm 2022 Bình Định sẽ chuyển đổi hết 10.000ha còn lại, trong đó có khoảng 5.000ha vẫn còn làm lúa nhưng chỉ còn làm 2 vụ/năm, riêng 5.000ha chân cao sạ cưỡng dần dần cũng sẽ chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn”, ông Hổ cho hay.

Phù Cát là huyện còn khá nhiều diện tích còn đang sản xuất 3 vụ lúa/năm với 1.767ha, tập trung tại các xã: Cát Tài, Cát Minh, Cát Hanh, Cát Thành, Cát Khánh, Cát Trinh, Cát Hải, Cát Lâm và thị trấn Ngô Mây.

Theo ông Võ Đình Trí, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, chính quyền huyện này đang vận động nông dân chuyển hết những diện tích còn sản xuất 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ/năm.

Riêng trong năm 2020 này, xã Cát Tài đã lên kế hoạch chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa 3 vụ gồm 333ha, nhưng do hạn hán kéo dài nên trong vụ thu 2020 chỉ thực hiện được có 100ha. Xã Cát Minh cũng có quyết tâm tương tự, nhưng cũng chỉ chuyển được có 12ha.

“Sang năm 2021, chắc chắn 2 xã nói trên sẽ chuyển từ 3 sang 2 vụ lúa/năm toàn bộ những diện tích còn lại”, ông Trí nói chắc.

Ngày công lao động trong SX lúa của nông dân chỉ 129.000đ/công, trong khi công thợ hồ hiện nay là gần 300.000đ. Ảnh: Lê Khánh.

Ngày công lao động trong SX lúa của nông dân chỉ 129.000đ/công, trong khi công thợ hồ hiện nay là gần 300.000đ. Ảnh: Lê Khánh.

Cũng theo ông Trí, những hộ nông dân ở xã Cát Minh và Cát Tài đã nhận ra lợi ích của việc chuyển đổi.

 “Tính qua tính lại, nông dân nhận thấy làm 3 vụ sản lượng lúa thu vào chẳng cao hơn làm 2 vụ là mấy, trong khi đó các chi phí vật tư nông nghiệp như: Giống, phân bón, thuốc BVTV, chi phí máy cày làm đất, công lao động… tăng thêm nên không thấy lời lãi gì hơn.

Sản xuất 2 vụ lúa/năm nông dân có thời gian nông nhàn nhiều hơn, xong công việc đồng ruộng họ có thể làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập. Do đó, hầu hết nông dân đang sản xuất 3 vụ lúa/năm hiện đã đồng thuận chuyển sang làm 2 vụ”, ông Võ Đình Trí cho hay.

Lợi tứ bề

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, đã có những tính toán chi li lợi ích giữa sản xuất 3 vụ và 2 vụ lúa/năm của nông dân trong tỉnh. Khi chuyển đổi sản xuất từ 3 vụ sang còn làm 2 vụ, sản lượng lúa sẽ giảm 37 tạ/ha/năm, tổng thu giảm 22,2 triệu đồng/ha.

Thế nhưng khi bỏ canh tác 1 vụ lúa, chi phí sản xuất lại được giảm khoảng 25,829 triệu đồng. Do đó, nông dân sản xuất 2 vụ lúa/năm có lợi nhuận hơn 3,629 triệu đồng/ha so với sản xuất 3 vụ lúa/năm.

Làm 2 vụ lúa/năm, nông dân thư thả thu hoạch bởi hơn 1 tháng sau mới bước vào sản xuất vụ thu. Ảnh: Đăng Lâm.

Làm 2 vụ lúa/năm, nông dân thư thả thu hoạch bởi hơn 1 tháng sau mới bước vào sản xuất vụ thu. Ảnh: Đăng Lâm.

“Tính từ vụ thu năm 2018 đến nay Bình Định đã thực hiện chuyển đổi diện tích đất sản xuất 3 vụ lúa trên địa bàn được 3.308ha. Hiệu quả sau khi chuyển đổi cho thấy: Khoản chi phí đầu tư được giảm 85.442 triệu đồng, trong khi đó mức tổng thu giảm 74.438 triệu đồng, vị chi nông dân có khoản lợi nhuận được tăng thêm là 12.005 triệu đồng”, ông Hổ tính.

Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, công cuộc chuyển đổi ở Bình Định còn mang lại hiệu quả về mặt xã hội. Khi chuyển sản 3 vụ sang còn làm 2 vụ, nông dân sẽ có nhiều thời gian hơn. Khi ấy, lao động nông thôn chuyển dịch sang làm ngành nghề khác có thu nhập cao hơn so với trồng lúa.

Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, phân tích: Để canh tác 1ha lúa phải cần đến 180 công lao động, sau khi thu hoạch, mức tổng thu đạt bình quân 37,2 triệu đồng.

Trừ tất tần tật các khoản chi phí giống, phân bón, thuốc BVTV là 14 triệu đồng, số tiền lãi nông dân được hưởng là 23,2 triệu đồng/ha. Như vậy, thu nhập bình quân ngày công của nông dân chỉ có 129.000 đồng, mức thu nhập này là rất thấp so với công lao động trong các ngành nghề khác.

Đó là chưa kể các vùng nông thôn hiện nay rất vắng lao động trẻ, chỉ còn những người trung niên và người già mất sức lao động, nên việc chăm lo ruộng đồng không được chu đáo. Do không được chăm sóc tốt nên đồng lúa mất năng suất.

Nông dân Đinh Văn Chung, người đang làm 15 sào lúa (500m2/sào), ở phường Bình Định (TX An Nhơn, Bình Định), chia sẻ những lợi ích sau khi thực hiện chuyển đổi: “Khi còn SX 3 vụ lúa/năm, hầu như vợ chồng tôi gắn đời vào mấy thửa ruộng không có một ngày thảnh thơi.

Mấy năm nay tôi chuyển đổi chỉ còn làm 2 vụ lúa/năm, những lúc rảnh rỗi đi làm thêm nghề bốc vác cho một nhà phân phối phân bón.

Ngày nào ít hàng tôi cũng kiếm được vài ba trăm ngàn, ngày mùa hàng đến và đi nhiều, tôi kiếm cả bạc triệu. Nhờ đó tôi nuôi được 2 đứa con học đại học ngành y, 1 đứa nữa đã học cuối cấp III chuẩn bị bước vào đại học”.

“Ngoài làm ruộng, gia đình tôi còn thường xuyên nuôi 5 – 7 con bò để kiếm thêm thu nhập. Lúc chuyển từ làm 3 vụ lúa sang còn làm 2 vụ tôi tiếc lắm vì mất vả 1 vụ rơm rạ làm thức ăn cho bò.

Thế nhưng từ khi làm 2 vụ lúa/năm thời gian nông nhàn của tôi nhiều hơn, từ đó đến nay tôi đi làm thợ hồ thu nhập mỗi ngày công gần 300.000đ, chỉ đến mùa thu hoạch và bước vào sản xuất vụ mới tôi mới nghỉ ở nhà mấy ngày để làm ruộng, thu nhập gia đình tăng cao.

Lấy tiền công đi làm thợ hồ tôi mua rơm cho bò ăn, rơm bây giờ cũng rất rẻ, 1 ngày công thợ hồ có thể mua được mấy sào rơm, khỏe re”, nông dân Đỗ Xuân Cường ở phường Bình Định (TX An Nhơn), chia sẻ.

Xem thêm
VRG đã bán được mủ cao su thích ứng EUDR

VRG vừa tổ chức Lễ công bố thích ứng quy định EUDR của Liên minh Châu Âu và ký kết bán mủ cao su thích ứng EUDR của một số đơn vị thành viên.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Greenfeed được vinh danh nhờ chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp

Greenfeed được gọi tên trong tốp 100 doanh nghiệp bền vững năm thứ ba liên tiếp, nhờ các thực hành nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng trong mọi hoạt động sản xuất.