Theo UBND tỉnh Bình Dương, với vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế cùng với kết cấu hạ tầng, đô thị và phát triển công nghiệp, Bình Dương phát triển công nghiệp vượt trội và được mệnh danh là “thủ phủ” công nghiệp của khu vực miền Nam, đặc biệt là thành tựu về phát triển các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, tỷ lệ lấp đầy đạt trên 93,77%.

Một KCN đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: Tường Tú.
Đặc biệt, Bình Dương cũng đã xây dựng và phát triển mô hình KCN riêng, đặc trưng, được Chính phủ chọn là một trong các mô hình phát triển KCN của Việt Nam. Hiện tại, 100% KCN có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải và có hệ thống quan trắc tự động.
Tính đến cuối năm 2024, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút tới 3.190 dự án, trong đó, 2.509 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 30 tỷ USD, 689 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 95.000 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, với tốc độ phát triển nhanh, mạnh mẽ các KCN trên địa bàn tỉnh, bên cạnh các kết quả đạt được cũng tồn tại một số vấn đề như thu hút ngành nghề không thuộc danh mục ngành nghề đăng ký, một số doanh nghiệp trong KCN chưa thực hiện đúng cam kết với chủ đầu tư hạ tầng hay đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Để khắc phục các vấn đề này thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý các KCN Bình Dương và các chủ đầu tư hạ tầng KCN.
Mới đây, tại Hội nghị ký kết Quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý các KCN Bình Dương và các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, ông Bùi Minh Trí - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - đề nghị, ngoài việc đảm bảo các doanh nghiệp phát triển đúng theo định hướng tăng trưởng xanh của tỉnh và tiếp cận các chuẩn quốc tế, các đơn vị cũng cần đồng hành trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phối hợp và đồng hành trong chuyển đổi loại hình KCN, đặc biệt là chuyển đổi sang KCN sinh thái.