Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai vừa có báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư công năm 2025. Theo đó, rất nhiều dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn vật liệu xây dựng, đất san lấp và vốn ngân sách tỉnh chưa cấp đủ theo kế hoạch.
Vướng mắc ở những dự án trọng điểm
Nổi bật nhất là dự án đường hành lang kinh tế phía Đông có tổng mức đầu tư 1.320 tỷ đồng, dài hơn 15km, đi qua TP. Pleiku, huyện Đăk Đoa và Chư Păh. Dù được khởi công từ cuối năm 2022, nhưng đến nay khối lượng xây lắp mới chỉ đạt 46%, giải ngân gần 740 tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ là do trên địa bàn tỉnh thiếu nguồn vật liệu đất lắp, chậm giải phóng mặt bằng và vốn ngân sách chưa cấp đủ theo kế hoạch.

Dự án đường tránh Đông chậm tiến độ do thiếu vật liệu đất lắp và chậm giải phóng mặt bằng. Ảnh: Tuấn Anh.
Tương tự, dự án xây dựng các hồ chứa nước và hoàn thiện hệ thống kênh mương thủy lợi với tổng mức đầu tư 485 tỷ đồng có thời gian thực hiện từ năm 2023-2026 và được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt vào tháng 12/2024. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn đang chờ giao kế hoạch vốn nên chưa thể triển khai xây dựng.
Ở góc độ địa phương, huyện Chư Păh đã triển khai 18 công trình với tổng mức đầu tư hơn 262 tỷ đồng giai đoạn 2024-2025. Trong số đó, có 11 công trình xây mới trong năm 2025, 2 công trình đã hoàn thành năm 2024 và 5 công trình chuyển tiếp năm 2024.
Ông Đặng Thái Huy, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Păh, cho biết, hầu hết các công trình đang triển khai chủ yếu được chuyển tiếp từ năm 2024, còn các công trình khởi công mới bị chậm do quá trình phê duyệt, lựa chọn nhà thầu. Chính vì chậm tiến độ nên các dự án giải ngân khoảng 3 tỷ đồng, chiếm 5,2% so với kế hoạch vốn giao.

Dự án hồ chứa nước tại huyện Chư Păh. Ảnh: Tuấn Anh.
“Do việc sáp nhập và một số thay đổi trong tổ chức, có một số công trình phải tạm dừng khiến việc giải ngân chậm. Tuy nhiên, từ tháng 5 tới, đơn vị đã chốt khối lượng của các nhà thầu và đẩy mạnh thanh toán để nâng tỷ lệ giải ngân”, ông Huy cho biết.
Ông Phạm Xuân Điệp, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai, cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh Gia Lai thì năm nay thì phải giải ngân tối thiểu đạt 95%. Từ mục tiêu đó, đơn vị cũng có những chỉ đạo cụ thể với từng dự án cụ thể, nhất là đối với các công trình trọng điểm nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu giải ngân trong năm. Về cơ bản những khó khăn, vướng mắc tại các công trình cũng đã được tháo gỡ.
Quyết liệt tháo gỡ
Năm 2025, tỉnh Gia Lai được giao tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển là hơn 4.500 tỷ đồng (gồm nguồn vốn năm 2025 và phần vốn chuyển sang từ năm 2024). Trong đó, ngân sách địa phương chiếm hơn 2.600 tỷ đồng, còn lại gần 1.900 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, đến nay vẫn còn 12 huyện, thị xã chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công được giao và chưa đảm bảo đúng quy định. Tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh hiện chỉ đạt khoảng 10,2% kế hoạch, tương đương 435 tỷ đồng.
Nguyên nhân chậm giải ngân do chủ trương tinh gọn bộ máy mất nhiều thời gian, làm gián đoạn tiến độ thi công. Mặt khác, một số công trình phải điều chỉnh kế hoạch, cắt giảm quy mô, công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, thiếu nguồn vật liệu xây dựng, chậm trễ trong phê duyệt bồi thường và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương...

Dự án đường liên xã tại huyện Đăk Đoa. Ảnh: Tuấn Anh.
Trước những vướng mắc trên, trong văn bản chỉ đạo mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đã yêu cầu các địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, không để tiếp tục chậm trễ. Nếu trong quý I năm 2025 mà không hoàn thành sẽ phân bổ nguồn vốn cho các dự án khác.
“Việc phân bổ kế hoạch vốn phải đảm bảo trọng tâm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân và đúng quy định pháp luật về đầu tư công”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, các địa phương và chủ đầu tư phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết dự án theo từng tháng và phân công cụ thể lãnh đạo theo dõi. Phải cam kết giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về số liệu cam kết.
Mới đây, tỉnh Gia Lai đã thành lập 4 tổ công tác đặc biệt do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các dự án trọng điểm. Đồng thời, yêu cầu các địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt tại TP. Pleiku, huyện Đăk Đoa và Chư Păh, hoàn tất bàn giao trong quý II/2025.