Theo Sở NN&PTNT Bình Dương, toàn tỉnh có trên 6.700 ha cây ăn quả, sản lượng ước đạt trên 33.000 tấn. Bên cạnh lợi thế về điều kiện tự nhiên, tác động tích cực từ chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh Bình Dương đã khuyến khích, hỗ trợ, giúp người nông dân phát triển vùng cây ăn quả.
Đơn cử như huyện Dầu Tiếng đã thực hiện dự án đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây măng cụt 150 ha tại xã Thanh Tuyền. Theo dự án, nông dân sẽ được hỗ trợ 100% chi phí mua và vận chuyển cây giống, hỗ trợ 50% chi phí khai hoang và 30% vật tư; đồng thời được hỗ trợ chuyển giao tiến bộ KHKT qua 2 lớp tập huấn và hội thảo đầu bờ…

Măng cụt Dầu Tiếng được trao nhãn hiệu tập thể. Ảnh: Hội nông dân Thanh Tuyền.
Từ dự án, cây măng cụt đã được nâng tầm, nhiều gia đình trong xã vươn lên khá giả, có thể kể đến như các gia đình ông Nguyễn Văn Tỵ, Trần Văn Sáu, Lê Văn Mé, Nguyễn Văn Trí, Nguyễn Văn Can...
Tương tự, huyện Bắc Tân Uyên cũng được quy hoạch khu vực các xã Hiếu Liêm, Tân Định, Tân Mỹ, Thường Tân thành vùng chuyên canh cây ăn trái theo mô hình nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Tổng diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện là 2.439 ha, trong đó diện tích cây ăn trái có múi là 2.301 ha, trong đó có hơn 100 ha sản xuất theo hướng VietGAP và hơn 60 ha đã được chứng nhận VietGAP. Nhiều nông dân gắn bó với cây có múi tại huyện này đã vươn lên thành tỷ phú như các ông Lâm Thành Thắng, Lê Văn Xê, Trần Kết Luận, Lương Văn Phụng, Lê Minh Sang...

Bưởi lá cam tại xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương. Ảnh: Trần Trung.
Đặc biệc, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công nhận “Nhãn hiệu tập thể măng cụt Dầu Tiếng” và “Nhãn hiệu tập thể quýt Bắc Tân Uyên”, tạo nên một bước tiến mới trong việc hình thành và quảng bá thương hiệu cây ăn trái tại tỉnh Bình Dương.