| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận: Gieo sạ 8kg giống/1.000m2

Thứ Sáu 17/03/2017 , 14:05 (GMT+7)

Lâu nay nông dân Bình Thuận gieo sạ lúa dày, với lượng giống từ 18 - 25kg/sào, không chỉ tốn nhiều lúa giống, phân bón, nước... mà còn tốn nhiều công chăm sóc.

Để giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, vụ ĐX 2016 - 2017, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bình Thuận triển khai mô hình “Thâm canh lúa theo phương pháp SRI”, với lượng giống chỉ 8kg/sào.
 

Hiệu quả bất ngờ

Mô hình dưới sự hỗ trợ của tổ chức SNV (Tổ chức Phát triển Hà Lan) được triển khai trên cánh đồng Mương Chang, thuộc HTXNN Long Hương (Tuy Phong) với diện tích diện tích 40ha, 61 hộ tham gia, sản xuất giống lúa ML48. Để giúp nông dân thấy được hiệu quả từng mô hình, Trung tâm đã thực hiện 4 phương pháp thử nghiệm gồm: Gieo với lượng giống 8kg/sào, 10 g/sào, 12kg/sào và 16kg/sào (đối chứng).

10-24-41_1
Mô hình thâm canh lúa theo SRI
 

Mục đích của mô hình nhằm giúp nông dân định lượng mật độ gieo sạ hợp lý và cách sử dụng nước tiết kiệm có hiệu quả trong canh tác lúa, tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất. Đồng thời, làm cơ sở khoa học để tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tập quán canh tác, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình, theo nông dân do lần đầu tiên thực hiện giảm lượng giống gieo sạ nên bà con cảm thấy rất lo lắng về tính khả thi của mô hình, bởi lẽ xưa nay nông dân Bình Thuận đã quen gieo với tập quán sạ dày, từ 18 - 25kg giống/sào (1 sào Nam Trung bộ 1.000m2). Còn bây giờ sạ theo khuyến cáo của nhà khoa học thì chỉ còn 8kg lúa giống/1.000m2, tỷ lệ quá thấp.

Tuy nhiên sau khi tham gia mô hình thấy lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt hơn hết là giảm được chi phí đầu vào như phân bón, thuốc BVTV, công chăm sóc, còn lợi nhuận thì tăng lên, nên đã thật sự chinh phục nông dân.

“Trước đây gia đình tôi gieo cấy với mật độ giống 18kg/sào. Với lượng giống này sẽ giúp tôi an tâm nếu không may nạn ốc bươu vàng, chuột cắn phá hư hại thì còn tỉa dặm chỗ dày để bù đắp lại nhưng nơi mất mát. Lâu ngày đã trở thành thói quen, sạ ít hơn là không yên tâm. Tuy nhiên năm nay dù rất lo lắng nhưng tôi vẫn mạnh dạn thử nghiệm với diện tích 8 sào và 1 sào chỉ gieo sạ 8kg giống. Không ngờ, lúa tốt bời bời, dự kiến năng suất lúa đạt khoảng 7,5 tấn/ha, tăng 0,5 tấn/ha so với mọi năm nên rất phấn khởi”, ông Nguyễn Văn Di ở đội 3, một nông dân tham gia mô hình chia sẻ.

Ông Di cũng khẳng định thực hiện canh tác theo SRI ngoài giúp nông dân tiết kiệm giống, phân bón, công chăm sóc thì còn giảm được 2 lần phun thuốc BVTV.

Còn bà Lương Thị Anh Đào, cán bộ phụ trách mô hình, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bình Thuận giải thích thêm, SRI là phương pháp canh tác lúa sinh thái và hiệu quả, tăng năng suất nhưng lại giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và nước tưới. Những nguyên tắc/kỹ thuật cơ bản của phương pháp này bao gồm: cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa, quản lý nước, làm cỏ sục bùn và bón phân hữu cơ.

“Kết quả cho thấy mật độ gieo sạ 8kg/sào có số nhánh hữu hiệu và đạt năng suất cao nhất. Ngược lại, gieo sạ 16kg/sào khả năng đẻ nhánh kém”, bà Đào cho công bố kết quả.
 

Cần nhân rộng

Sau khi nông dân được “mắt thấy tay sờ” ruộng lúa trên đồng, mới đây, Trung tâm còn tổ chức buổi hội thảo tổng kết mô hình để giúp nông dân tự đánh giá và nhận xét.

10-24-41_2
Nông dân tham gia mô hình bất ngờ hiệu quả mô hình mang lại

 

Tại buổi hội thảo, rất nhiều nông dân địa phương tham dự đã bày tỏ sự vui mừng với kết quả giảm mật độ gieo sạ mang lại và họ phấn khích với kỹ thuật canh tác mới này. Tuy nhiên, theo nông dân cho rằng tỷ lệ gieo 12kg/sào sẽ phù hợp và yên tâm hơn vì bà con chưa quen cách gieo 8kg/sào.

Thế nhưng, theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bình Thuận, các điểm triển khai mô hình cho thấy việc áp dụng SRI giảm được khoảng 40 - 50% lượng giống. Do đó nếu nông dân áp dụng SRI trên diện rộng với diện tích 110ha toàn cánh đồng Mương Chang, sản xuất 3 vụ (với lượng giống gieo 12kg/sào), thì nông dân ở HTX Long Hương có thể tiết kiệm được khoảng 19,8 - 42,9 tấn giống mỗi năm, tương đương 217 - 471 triệu đồng. Không những thế còn giảm lượng nước tưới từ 30 - 35% so với canh tác truyền thống; đồng thời giúp cây lúa sinh trưởng phát triển tốt bộ rễ, hạn chế tối đa hiện tượng đổ ngã khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi.

Ông Nguyễn Tám, GĐ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bình Thuận cho biết: Mô hình triển khai nhằm phát động chương trình giảm lượng hạt giống gieo sạ theo chủ trương của Bộ NN-PTNT. Với kết quả mô hình mang lại hiệu quả và thân thiện với môi trường, mong rằng các cấp, các ngành, địa phương và đoàn thể phổ biến để nông dân nắm bắt giảm mật độ gieo sộ. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, thay đổi nhận thức cho bà con...

+ Theo các nông dân tham gia mô hình, ban đầu họ rất lo lắng vì lúa mọc thưa ở ruộng mô hình lô gieo sạ 8kg/sào và 10kg/sào, nhưng sau một tháng chăm sóc, mật độ lúa phát triển đều dần, cây lúa càng thưa càng đẻ nhánh nhiều; bông lúa dài, nhiều hạt chắc; không phát hiện sâu bệnh; khi lúa chín gặp mưa, gió vẫn không đổ ngã.

+ Ông Nguyễn Trung Hoàng, GĐ HTXNN Long Hương cho biết: Toàn HTX có 263 xã viên, diện tích lúa hàng năm 330 ha, gieo trồng 3 vụ/năm. Với việc thực hiện thành công của mô hình “Thâm canh lúa theo phương pháp SRI”, HTX mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ của SNV để nhân rộng mô hình.

 

Xem thêm
Kon Tum ưu tiên thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao

Tỉnh Kon Tum chú trọng thu hút các dự án chăn nuôi công nghệ cao, quy trình khép kín từ khâu sản xuất, con giống đến chế biến, phân phối sản phẩm ra thị trường.

Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.