Để đảm bảo công bằng trong chi trả dịch vụ môi trường rừng, phân bổ nguồn lực hiệu quả, quản lý tài nguyên bền vững, hỗ trợ chính sách bảo vệ rừng và khuyến khích việc bảo vệ rừng tốt hơn, cần phải xây dựng hệ số K cho từng lô rừng để điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo đúng quy định tại Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ.
Tuy nhiên, để xác định được hệ số K cho từng lô rừng là một việc làm không hề đơn giản, đòi hỏi quá trình rà soát, tính toán hết sức chi tiết và mất nhiều thời gian. Trước thực trạng đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Viện sinh thái rừng và Môi trường (Đại học Lâm nghiệp), Công ty Cổ phần thương mại công nghệ Xuân Mai Green xây dựng công cụ cho phép khai thác, cập nhật bản đồ hệ số K trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận cho biết, cơ sở dữ liệu được cập nhật lên nền tảng Web để xây dựng công cụ cho phép khai thác, cập nhật bản đồ hệ số K gồm đầy đủ các chức năng: quản lý bản đồ hệ số K; cập nhật bản đồ hệ số K; thống kê diện tích chi trả theo hệ số K; khai thác bản đồ hệ số K và trợ giúp nhưng vấn đề liên quan khác.
Trên các kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu và tính toán hệ số K thành phần cũng như xác định hệ số K quy đổi diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng, đơn vị đã phát triển thành công công cụ trực tuyến dựa trên nền tảng Web GIS, cho phép khai thác, truy vấn và cập nhật dữ liệu hệ số K theo thời gian thực.
Công cụ này hỗ trợ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Bình Thuận và các chủ rừng đủ điều kiện được chi trả dịch vụ môi trường rừng dễ dàng quản lý, cập nhật, truy cập vào cơ sở dữ liệu hệ số K của từng lô rừng. Công cụ trực tuyến có giao diện thân thiện với người dùng, cho phép tra cứu thông tin về diện tích chi trả theo hệ số K, thống kê dữ liệu và hỗ trợ trong việc lập kế hoạch và ra quyết định thu, chi.
“Với việc xây dựng và sử dụng thành công công cụ cho phép khai thác, cập nhật bản đồ hệ số K trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện tốt nhất chính sách chi trả dịch vụ môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực và chất lượng chi trả dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”, ông Sơn bày tỏ.