| Hotline: 0983.970.780

Bộ GD-ĐT không chấm lại bài thi tốt nghiệp THPT: Có phải vì quyền lợi học sinh?

Thứ Hai 27/06/2011 , 10:04 (GMT+7)

Việc cuối tuần qua lãnh đạo Bộ GD-ĐT “gút” lại rằng: giữ nguyên kết quả bài thi tốt nghiệp THPT của 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và chỉ xử lý lỗi của người chấm để đảm bảo quyền lợi cho học sinh khiến dư luận thở phào nhẹ nhõm.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn và đặt câu hỏi: Ngành giáo dục đứng ở đâu khi đây là năm thứ hai liên tiếp (năm 2010 có 4 tỉnh bị yêu cầu thanh tra chấm lại - PV) các địa phương vùng này có “vấn đề” trong việc chấm thi?

Bộ vô can?

Nếu như năm 2010, ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) kết luận, quy trình chấm thi của 4 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo đúng qui chế. Song chỉ có vướng trong việc vận dụng hướng dẫn chấm của giám khảo một số địa phương có phần cứng nhắc (!?). Đến năm 2011, đại diện cho Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã gửi cho lãnh đạo 11 tỉnh vùng ĐBSCL vì có liên quan đến vụ “bắt tay nới lỏng chấm thi tốt nghiệp THPT” với khẳng định: Bộ chỉ đồng ý cho các tỉnh ĐBSCL họp để trao đổi cách hiểu và vận dụng hướng dẫn chấm thi. Việc “nới điểm” này trái với quy chế thi, không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.

 Bộ khẳng định: Đây là việc làm sai của một số lãnh đạo và cán bộ chấm thi của các hội đồng chấm thi trong vùng nên cần phải xử lý. Mức độ như thế nào phải báo cáo về Bộ trước ngày 31/7. Và cả hai lần xử lý sai phạm này, Bộ vẫn yêu cầu giữ nguyên kết quả bài thi để đảm bảo quyền lợi cho các em học sinh, để các em yên tâm cho kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới.

Cũng trong công văn này, Thứ trưởng Hiển coi việc lãnh đạo các hội đồng chấm thi An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long tham gia cuộc họp đã xây dựng văn bản thống nhất hướng dẫn chấm thi các môn tự luận, khác với văn bản hướng dẫn chấm thi của Bộ và cho lưu hành văn bản này ở một số hội đồng chấm thi trong vùng là điều đáng tiếc. Còn với những người suy luận Bộ giữ nguyên kết quả để giữ nguyên tỷ lệ đỗ cho “đẹp”, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: đó là những người không có thiện chí với học sinh, với Bộ GD-ĐT và cả ngành giáo dục.

Học sinh thở phào, nhẹ nhõm. Nhưng người tâm huyết với giáo dục thì bức xúc vì nếu Bộ GD-ĐT không bật đèn xanh bằng những văn bản hợp lệ thì các tỉnh có dám làm không? Và, chưa lần nào thấy Bộ xử lý chính người liên đới đến các văn bản “bật đèn xanh” cho địa phương làm sai.

Quá ôm đồm nhiều việc

Trao đổi với NNVN, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), thầy Văn Như Cương còn nhớ năm 2007, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã phát động cuộc vận động Hai không (nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử). Nhiều người đã mừng vì nó như luồng gió mới làm thay đổi tình trạng trì trệ của giáo dục nước nhà thời gian đó. Thầy bảo, năm đó tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2007 thấp thảm hại (dưới 66,72%) nhưng nhiều người vẫn mừng vì đó là chất lượng thật. Có như vậy cả thầy trò, học sinh mới cùng tiến bộ.

Năm 2008, tỉ lệ tốt nghiệp nhích lên 75,96%, năm 2009 là hơn 83,8%. Đến năm 2010, tỉ lệ tốt nghiệp là 92,57% và năm 2011 thì khá cao (95,72%). Theo thầy Cương, đây có thể là sự cố gắng thật sự của nhiều địa phương. Và, kết quả thi cũng phụ thuộc vào việc coi thi và chấm thi chứ không chỉ do bài thi dễ hay khó. Thầy Cương e ngại cuộc vận động “hai không” sẽ phá sản trong một vài năm tới nếu như ngành giáo dục không sớm rút kinh nghiệm và có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

Bộ GD-ĐT đã có văn bản chính thức báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong văn bản này, Bộ GD-ĐT nhìn nhận việc 11 hội đồng chấm thi các tỉnh thành ĐBSCL soạn thảo và cho lưu hành hướng dẫn chấm thi các môn tự luận khác với hướng dẫn chấm thi như nêu trên là một khuyết điểm.

Bộ cũng chính thức công bố kết quả tốt nghiệp THPT năm 2011 với tỉ lệ tốt nghiệp toàn quốc là 95,72% (tăng 3,15% so với năm 2010). Tỉ lệ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên là 85,47% (tăng 18,76% so với năm 2010). Tám tỉnh đồng bằng Bắc bộ tiếp tục có tỉ lệ tốt nghiệp bình quân 99,52% cao nhất nước. Thấp nhất cả nước năm nay vẫn là các tỉnh Đông Nam bộ với 90,73% và ĐBSCL với 90,81%.

Còn với GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng Quốc hội, thì sự việc trên chính là kết quả của việc Bộ GD-ĐT quá ôm đồm nhiều việc vào mình. Đây là nhận định rất nhiều lần của GS Thuyết kể từ khi Bộ GD-ĐT thực hiện chiến dịch "hai không". Theo ông, từ năm 2007 đến nay có thể thấy kết quả thi ở các tỉnh rất thất thường và không theo quy luật nào. Có tỉnh năm nay thấp, năm sau cao vọt. Nhất là năm nay, xảy ra tình trạng các tỉnh hội ý với nhau để ra một cách chấm riêng nhằm "vớt" thí sinh.

“Những điều này cho phép chúng ta nghi ngờ về chất lượng thực sự của kỳ thi. Và những giải pháp mà Bộ đề ra như chấm chéo, coi thi chéo, cử thanh tra uỷ quyền, chấm thẩm định lại bài thi đều bị vô hiệu hoá” - GS Thuyết nói.

Cũng theo GS Thuyết, thi tốt nghiệp THPT nên được tổ chức để đánh giá lại quá trình học tập của học sinh, cũng là đánh giá quá trình đào tạo của ngành giáo dục nên được tổ chức gọn nhẹ, đơn giản và giao hết cho các Sở GD-ĐT tổ chức. Bộ chỉ là người đứng trên cao giám sát chứ đừng ôm đồm nhiều như hiện nay.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.