Nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL Yên Bái - nhà thơ Ngọc Bái kỳ vọng rất nhiều về người con trai mang tên ngọn núi Ngọc Linh. Ông không thể ngờ về người con trai được ăn học tử tế với tương lai rạng ngời đã bị nàng A phiền đánh gục, buộc phải đưa vào TP.Hồ Chí Minh tách khỏi lũ bạn hư hỏng.
Sau 7 năm Ngọc Linh trở về Yên Bái thành lập công ty máy tính. Từ một giám đốc lên xe xuống xe anh bỏ thành phố về lập trang trại gà, chỉ huy “đạo quân” lông vũ ò ó o cả ngàn con…
Tôi là bạn của nhà thơ Ngọc Bái từ hồi anh về Quân khu II đóng tại Yên Bình sau cuộc chiến tranh biên giới 17/2/1979, nhất là khi anh trúng chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Hoàng Liên Sơn tháng 5/1988 sau này là Hội Văn nghệ Yên Bái khi đang là Chủ nhiệm nhà Văn hóa quân khu.
Dùng dằng mấy tháng người ta mới làm xong thủ tục cho anh ra quân về đảm nhiệm chức Chủ tịch hội. Nhà anh ở xã Âu Lâu, cách cơ quan hơn chục cây số phải đi phà qua sông Hồng, vợ anh làm chủ nhiệm HTX mua bán nuôi 3 đứa con nhỏ, Ngọc Linh là con út, một cậu con trai hiền lành khi ba bốn tuổi mẹ để tóc dài trông như con gái. Tôi khen: Con bé này xinh và giống bố quá…
Chị Nga, vợ Ngọc Bái cười rũ rượi rồi tụt quần “cô bé” để hở cái “mầm giềng” bằng ngón tay út bảo tôi: Chú nhìn này, giống của anh Bái cũng khá đấy chứ?
Hàng ngày Ngọc Bái đi chiếc xe máy Simson cà tàng sang cơ quan làm việc, có lần xe chết máy phải đẩy bộ mấy cây số giữa trời mưa rét cực không tả nổi. Hồi ấy Hội Văn nghệ lùng nhùng kình chiến nhau kịch liệt, Ngọc Bái giống như một vị thuyền trưởng chèo chống con thuyền văn nghệ rách nát giữa một bên là những tác giả lừng danh: Lò Ngân Sủn, Mã A Lềnh, Pờ Sảo Mìn… một bên đứng đầu là một nhà thơ có mái tóc kỳ vĩ mà ông tự nhận là Xuân Diệu của Yên Bái. Ông ta là mẫu người tâm địa độc ác mà tôi đã viết trong truyện ngắn "Ngôi nhà có ma", in trong tập truyện ngắn cùng tên do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc năm 1991.
Đàn gà lai Đông Tảo
Sống trong cái cơ quan “võ” nhiều hơn “văn”, nên Ngọc Bái phải đưa vợ và Ngọc Linh sang ở cơ quan cho tiện trong căn phòng rộng chừng 16m2 cuối tuần mới về nhà. Khi đó Ngọc Linh mới học lớp 5 hay lớp 6 gì đó, tôi thường vật Ngọc Linh ra giường để kiểm tra cái “mầm giềng” đen trũi.
Ít lâu sau Ngọc Bái mua nhà rồi chuyển cả gia đình sang TP.Yên Bái ở, năm 1993 tôi dính cái nạn văn chương vì dám thách thức quyền lực của vị Chủ tịch tỉnh trước tình trạng mua bán giấy phép và khai thác pơ mu ồ ạt buộc phải xuống làm bảo vệ cơ quan rồi chuyển lên làm phóng viên Báo Lào Cai. Từ đó tôi không mấy khi gặp Ngọc Linh.
Thỉnh thoảng hỏi thăm Ngọc Bái về cậu con trai út, mới hay tin Ngọc Linh đã là sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Có lần anh bảo: Khi nào cháu ra trường mình nhờ Thái Sinh giúp nhé… Tôi nghĩ anh nói cho vui, với cương vị Giám đốc Sở Văn hóa, Chủ tịch Hội Văn nghệ lại có mối quan hệ bạn bè với nhiều lãnh đạo báo chí thì đâu đến lượt tôi giúp con anh?
Một lần nghe loáng thoáng Ngọc Linh dính vào nàng A phiền, mặc dù đã cuối năm học thứ tư, chỉ chờ lĩnh bằng tốt nghiệp vợ chồng anh buộc phải đưa Ngọc Linh vào miền Nam ở với chị gái đang làm ăn trong đó để tách xa đám bạn bè hút hít hư hỏng. Anh buồn lắm, chẳng muốn nhắc chuyện Ngọc Linh khi tôi hỏi thăm.
Rồi một hôm tôi nghe tin Linh về Yên Bái lập Công ty máy tính Yên Hà đóng tại gia ở phường Hồng Hà. Thỉnh thoảng tôi ra nhà Ngọc Bái chơi, thấy Linh bận suốt ngày gọi điện thì bảo: Cháu đang ở Hà Nội xem lô hàng máy tính chuẩn bị nhập về công ty… Sau liên danh với mấy sếp ở Sở Giáo dục-Đào tạo và Sở Tài chính cung cấp máy tính vào nhiều trường học, cơ quan. Linh mua xe riêng tự lái đi làm, giao dịch giày đen bóng nhoáng ra dáng một ông chủ lắm. Thế là mừng cho cậu bé đã thoát khỏi sự cảm dỗ của nàng A phiền để đứng lên làm lại cuộc đời.
Trang trại nuôi gà mới đang xây dựng
Một hôm tôi nghe chị Nga thở dài cay đắng: Thằng bé bị lừa, vỡ nợ đến nơi rồi, bán xe ô tô để trả nợ vẫn chưa đủ chú ạ… Tôi chỉ chiếc biển công ty gắn trước nhà: Biển công ty còn đây, sao gọi là vỡ nợ được? Chị Nga lắc đầu: Đang làm thủ tục phá sản, nếu không còn bị truy thu thuế ốm…
Tôi không dám hỏi thêm, gặp Linh vẫn chào giám đốc, Linh chỉ cười trừ không nói năng gì. Cho đến một hôm tôi nghe tin Linh về xã Giới Phiên mua đất lập trang trại nuôi gà Đông Tảo. Thật không thể hiểu nổi, nhiều thanh niên thoát khỏi làng quê vào thành phố dựng nghiệp thì Linh lại tìm đường về làng quê lập nghiệp.
Hôm rồi tôi ra nhà Ngọc Bái chơi, hỏi Ngọc Linh ông chủ trại gà Đông Tảo dạo này làm ăn thế nào. Vợ chồng anh hứng khởi kể về cậu con trai nuôi gà của mình. Tôi thấy chưa bao giờ vợ chồng anh lại tự hào khoe cậu con trai của mình như thế, kể cả khi Linh làm giám đốc: Cháu mới mua thêm một trang trại hơn một héc ta để mở rộng sản xuất, cơ sở cũ hẹp quá…
Tôi quyết định rủ Nguyễn Ngọc Huy, lái xe Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Yên Bái từng là đệ tử của nàng A phiền cùng nhóm với Linh đến thăm trang trại gà Đông Tảo để xem Linh làm ăn ra sao.
Linh đón tôi ở khu trang trại mới mua đang xây dựng, mọi thứ còn ngổn ngang cho hay: Cháu mua khu đất này 300 triệu hồi trước Tết, thuê san ủi hết 100 triệu, xây chuồng trại nuôi gà hết 100 triệu nữa. Sơ sơ đã hết 500 triệu, tới đây còn phải xây nhà ở và các công trình phụ trợ khác cũng phải hết từng ấy nữa. Tất cả đều phải vay ngân hàng, cháu đang rao bán cơ sở chăn nuôi cũ để đầu tư vào đây…
Linh dẫn tôi đi xem khu trang trại đang xây dựng, với dự định: Phía trên đồi trồng cam Canh, hiện đã thuê người đào hố, tiếp theo khu nuôi gà sẽ là khu chăn nuôi lợn siêu nạc thương phẩm: Đấy là khi cháu đã mạnh lên, còn bây giờ thì tập trung vào đàn gà chú ạ. Linh thành thật.
Tôi theo Linh về cơ sở chăn nuôi hiện tại mà vợ chồng Linh đang ở. Linh cho hay: Khi công ty Yên Hà vỡ nợ, vợ chồng cháu khủng hoảng lo lắng lắm, không biết làm gì để sinh sống, nên quyết định về nông thôn tìm đất chăn nuôi. Thôi đành bới đất lật cỏ sống thôi.
Vườn chanh đào của gia đình Ngọc Linh
Năm 2014 sau bao nhiêu ngày mới tìm được mảnh đất này của một gia đình sắp vỡ nợ với giá 300 triệu, đầu tư tiếp gần 100 triệu nữa. Mới đầu chưa nghĩ tới nuôi gà Đông Tảo, mà chỉ dám nuôi 30 con vì sợ không ai mua. Cháu đến nhiều nhà hàng mời họ mua, ai cũng bảo hôm nào sẽ đến xem gà. Nhưng chẳng ai đến cả. Thế là cháu quyết định “ôm” gà đi tiếp thị. Thấy thịt gà của cháu thơm ngon họ mới đặt mua.
Tháng 5/2015, cháu quyết định về thôn Đông Tỉnh, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên mua 20 con giống gà F1 Đông Tảo và 1.000 con Đông Tảo lai. Không ngờ Tết vừa rồi lại bán chạy chú ạ. Nhiều người đến mua gà Đông Tảo để làm quà, họ buộc dây đánh dấu, đặt tiền trước cả tháng trời. Giá gà Đông Tảo 400.000đ/kg, Đông Tảo lai 140.000đ/kg không đủ gà để bán.
Nhà hàng dặn cháu không được bán cho ai, chỉ bán cho họ vì gà của cháu thơm ngon. Bởi cháu cho ăn cám ngô ủ chua lên men, thóc ngâm nảy mầm chứ không nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Chính thế, một số nhà hàng ở Lào Cai đã tìm đến mua gà của cháu với số lượng không hạn chế. Vì thế cháu phải mở rộng cơ sở chăn nuôi…
Linh dẫn tôi vào xem chuồng gà, một bên nuôi toàn gà trống, một bên nuôi gà mái, tôi hỏi sao lại thế. Linh cười hai hàm răng trắng nhởn: Mới đầu cháu không có kinh nghiệm, thỉnh thoảng lại thấy vài con gà mái lăn ra chết, giãy đành đạch. Tưởng gà dịch, hóa ra bị các tướng gà trống thi nhau đạp, khiến các nàng mái đó không chịu nổi …
Trong bữa rượu, Nguyễn Ngọc Huy chỉ vào Linh hùng hồn: Tụi cháu có 7 thằng bị nàng A phiền bắt làm nô lệ, 2 thằng đã đi hầu Diêm Vương, còn 5 thằng thì đứng dậy được, cháu là thằng bét nhất còn tất cả đều khá rồi… Tôi hỏi Linh từ một giám đốc công ty nay về làm chủ trang trại gà cảm giác thế nào? Linh cười hiền lành: Một thời phù phiếm, bây giờ cháu mới thật là cháu…