| Hotline: 0983.970.780

Bò giống cấp cho dân nghèo bị chết: Lỗi do ai?

Thứ Ba 31/12/2019 , 09:36 (GMT+7)

Đã có không ít con bò giống sau khi cấp cho các hộ dân nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị đổ bệnh hoặc chết. Trong khi chính quyền thì đổ lỗi cho người dân không biết cách chăm sóc.

Bò giống bị chết, chính quyền đổ lỗi cho người dân

Nhiều năm qua, tỉnh Gia Lai thực hiện chương trình hỗ trợ cấp bò giống cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số, qua đó giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Theo đó, UBND tỉnh giao cho Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư và Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển miền núi Gia Lai là đơn vị cung ứng, cấp phát bò.

13-22-24_hinh_bo_1
Con bò giống cấp cho dân bị bệnh lở loét khắp cơ thể.

Tại xã Ayun (huyện Chư Sê) nơi được xem là nghèo nhất tỉnh, người dân đã được cấp 70 con bò giống trong năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi cấp thì 23 con bò bị chết.

Tương tự tại xã Dun cũng được Công ty Miền núi Gia Lai đưa về 16 con bò cấp cho dân trong năm 2017 và 2018 theo chương trình giảm nghèo bền vững. Cũng chỉ sau 1 tháng 5 con bò bị chết.

Bức xúc về việc bò giống vừa cấp đã chết, anh Đinh Klốt, làng Tung Ke 1, xã Ayun cho biết, gia đình anh và 5 hộ dân khác được cấp mỗi hộ 1 con bò. Nhưng không hiểu vì sao, chỉ vài tháng sau khi cấp thì các con bò đều bỏ ăn rồi lăn ra chết. Điều đáng nói, bò chết nhưng cán bộ xã lại dặn các hộ dân nếu có người ở trên tỉnh xuống hỏi thì nói bò vẫn còn sống, đang đi thả cho ăn cỏ.

Đề cập đến nguyên nhân bò giống bị chết hàng loạt, ông Phạm Ngọc Thanh, chủ tịch UBND xã Ayun cho biết, do người dân chăm sóc không kỹ, mùa khô thì không có thức ăn và một phần do bò được thả rông.

Trong khi đó, ông Võ Văn Quá, Chủ tịch UBND xã Dun cho biết, nguyên nhân bò chết là do một số con sau khi cấp không thích nghi được với đồng cỏ, thời tiết tại địa phương, một số con khác thì quá nhỏ gây khó khăn trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng.

13-22-24_hinh_bo_2
Con bò giống cấp cho gia đình ông Siu Glak không đi nổi, phải dùng xe công nông đưa về.

Không đồng tình với cách giải thích của UBND xã, anh Đinh Klốt cho biết: “Chính quyền cứ đổ lỗi do người dân không biết chăm sóc nhưng thực tế nhiều năm trước khi chưa được cấp bò giống, người dân vẫn chăm sóc như vậy mà bò có bị chết đâu”.
 

Ông Dương Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị chưa nắm được thông tin bò giống cấp cho người dân bị chết hàng loạt.
Theo ông Thanh, đối với bò giống hỗ trợ cho các hộ nghèo, dân tộc thiểu số vùng khó khăn phải thực hiện đầy đủ các quy định như: Bò phải có nguồn gốc rõ ràng, ngoài tỉnh thì phải có chứng nhận kiểm dịch. Ngoài ra, bò phải được tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng, nuôi cách ly ít nhất 21 ngày trước khi cấp phát cho dân. Trong thời gian nuôi phải có cán bộ thú y theo dõi.

Ai chịu trách nhiệm khi cấp bò bệnh cho dân?

Năm 2019, nguồn kinh phí cấp phát bò cái sinh sản cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Gia Lai là gần 39,2 tỷ đồng. Tính đến ngày 12/12, Công ty Miền núi Gia Lai đã cấp được 1.538 con bò giống với giá trị gần 17,5 tỷ đồng.

Được biết, tiêu chí cấp bò giống cho người dân phải từ 12 đến 24 tháng tuổi, trọng lượng từ 125-135kg/con , bò khoẻ mạnh bình thường, được tiêm phòng.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhiều trường hợp bò cấp gầy trơ xương, thậm chí còn bị bệnh khi được cấp cho người dân.

Cụ thể, tại xã Kông Hotk, huyện Chư Sê đã có 20 con bò được cấp cho dân, mỗi con trị giá 16,4 triệu đồng. Kỳ lạ ở chỗ, sau khi người dân nhận bò dắt khỏi trụ sở UBND xã chừng 100m thì bò không đi nổi.

Trong đó, con bò số tai 00619 cấp cho gia đình ông Siu Glak nằm vật xuống đường và phải dùng xe công nông đưa về.

Con bò số tai 00674 được cấp cho gia đình ông Rchâm Ky, làng Ia Châm, xã Kông Htok có ngoại hình còi cọc, gầy trơ xương.

“Bò gầy quá, không biết về nuôi có bị chết không”, ông Ky tỏ vẻ thất vọng nhưng vẫn đành dắt con bò về nhà.

Còn chị Đinh H’Nhơn, làng Tung Ke 1, xã Ayun được cấp 1 con bò giống cách đây khoảng 1 tháng nhưng khi đưa về nhà bị lở loét nhiều nơi trên cơ thể.

Chị chị Đinh H’Nhơn không đồng ý và báo lên UBND xã xuống xử lý. “Cán bộ xã tư vấn cứ bôi thuốc là khỏi nhưng đã một tuần nay bò vẫn không khỏi”, chị Đinh H’Nhơn bức xúc nói.

Mang tiếng cấp bò giống nhưng thực chất là con bê.

Theo giải thích của Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, bò quen sống thành đàn và chưa bao giờ cột dây, đến khi tách đàn và buộc dâykhiến bò nhút nhát. Ngoài ra, khi vận chuyển bằng xe tải nhiều con bò sợ hãi và bỏ chạy khi xuống xe. Nếu bò bị buộc lại thì nằm vạ một thời gian, đó là đặc tính của bò sống theo bầy đàn.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.