| Hotline: 0983.970.780

Bộ NN-PTNT cùng tỉnh Đắk Lắk tháo gỡ rào cản lớn nhất để phát triển

Thứ Bảy 05/03/2022 , 15:39 (GMT+7)

Tỉnh Đắk Lắk có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành tỉnh trọng điểm nông nghiệp nhưng đang có nhiều rào cản, vướng mắc, đặc biệt là vấn đề đất đai.

Vướng mắc lớn về đất đai

Ngày 4/3, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung chủ trì buổi làm việc về về vấn đề tháo gỡ các vướng mắc và giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Đắk Lắk.

Nội dung buổi làm việc liên quan đến một số cơ chế, chính sách về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đề xuất xem xét đầu tư một số công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, đề xuất xem xét thu hút, kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, chế biến...

Tháo gỡ các vướng mắc và giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tùng Đinh.

Tháo gỡ các vướng mắc và giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, với điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu, địa hình thì nông nghiệp là một trong ba lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên, là nền tảng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Nếu phát huy được lợi thế và các chính sách phù hợp Đắk Lắk sẽ trở thành tỉnh trọng điểm nông nghiệp hàng đầu cả nước.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ NN-PTNT một số cơ chế, chính sách về lĩnh vực, đặc biệt là một số cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ những vướng mắc về lĩnh vực lâm nghiệp.

UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ NN- PTNT kiến nghị, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định quy định cấp kinh phí bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ Ngân sách Trung ương với mức tối thiểu 1,3 triệu đồng/ha/năm, để bảo đảm và nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng của các công ty TNHH MTV, HTV lâm nghiệp và các đơn vị quản lý bảo vệ rừng tự nhiên khác. Xem xét, nâng mức chi cho UBND cấp xã từ 100.000 đồng/ha/năm lên 500.000 đồng/ha/năm đối với diện tích rừng tự nhiên do UBND cấp xã quản lý.

Ban hành các chính sách đầu tư trong lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 24 lưu vực nhà máy thủy điện với 24 đơn giá chi trả khác nhau. Đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, có văn bản hướng dẫn cụ thể ngân sách được cấp bù phần chênh lệch đối với diện tích rừng có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng thấp hơn mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo định sách.

Về việc cải tạo rừng khộp sản xuất nghèo, nghèo kiệt UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ NN-PTNT quy định hướng dẫn cụ thể về cải tạo rừng khộp nghèo kiệt để thực hiện nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ và phát triển rừng đối với đất rừng khộp, giải quyết các khó khăn, bức xúc hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo, Đắk Lắk có khoảng 186.559 ha rừng khộp, trong đó hơn 71.000 ha là rừng sản xuất nghèo kiệt thuộc các công ty lâm nghiệp, các doanh nghiệp thuê đất thực hiện các dự án và một phần UBND các xã quản lý. Chất lượng rừng thấp, về mặt kinh tế không hiệu quả, đã và đang bị lấn chiếm, xâm hại, chính vì vậy UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ NN-PTNT quy định, hướng dẫn cụ thể để cải tạo diện tích rừng nói trên nhằm phát triển kinh tế.

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng, những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là do có sự chồng chéo giữa Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai, đề nghị Bộ NN-PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ, Quốc hội đề xuất sửa đổi, bổ sung, thống nhất giữa hai luật này.  

Thứ hai là một số kiến nghị liên quan đến thủy lợi, phòng chống thiên tai, đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025 từ nguồn đầu tư của Bộ, chương trình, dự án phòng chống thiên tai, các dự án ODA và các nguồn đầu tư khác. Chỉ đạo thiết kế hoàn chỉnh hệ thống tưới từ đầu mối đến mặt ruộng đảm bảo hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp...

Thứ ba là kiến nghị một số vấn đề về lĩnh vực trồng trọt, ban hành Tiêu chuẩn quốc gia về cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng đối với cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm thuộc danh mục cây trồng chính để phục vụ cho việc xây dựng nguồn giống chất lượng cao và là cơ sở để kiểm tra, giám sát. Thành lập các Trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV tại Đắk Lắk để phục vụ các tỉnh Tây Nguyên.

Thứ tư, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm hướng dẫn, giới thiệu các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Đắk Lắk.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị chia sẻ, Đắk Lắk xác định tập trung khai thác tiềm năng, đặc biệt là đất đai để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên vấn đề đất đai có những vướng mắc, thực tế có những diện tích đất lâm nghiệp không còn rừng, muốn chuyển đổi sang mục đích khác nhưng không được phép. Đây là vấn đề khó khăn nhất hiện nay, nói là tiềm năng, lợi thế nhưng không phát huy được hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk  Nguyễn Đình Trung. Ảnh: Tùng Đinh.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk  Nguyễn Đình Trung. Ảnh: Tùng Đinh.

Vấn đề này Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk  Nguyễn Đình Trung kiến nghị Bộ NN-PTNT đây là vấn đề vướng mắc từ mấy chục năm nay, hướng xử lý chưa có lối đi rõ ràng. Vấn đề đất đai không chỉ cản trở phát huy nguồn lực, khơi thông tiềm năng lợi thế mà còn tiềm ẩn những vấn đề an ninh nông thôn, an ninh chính trị, an toàn xã hội ở địa phương... Nếu giải quyết được vấn đề này ở Đắk Lắk sẽ giải quyết chung được cả khu vực Tây Nguyên và nhiều vùng kinh tế khác trong cả nước.

Bộ NN-PNT sẽ không còn trả lời kiểu "căn cứ quy định pháp luật mà làm"

Trước những kiến nghị của tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng với cùng với đại diện các đơn vị trực thuộc như Tổng cục Lâm nghiệp, Tổng cục Thủy lợi, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản... đã giải đáp cặn kẽ, chia sẻ để cùng tìm các giải pháp tháo gỡ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, mới đây Bộ NN-PTNT đã có những lưu ý các cơ quan trực thuộc với một tinh thần từ nay Bộ NN-PTNT sẽ không còn dùng những từ ngữ chung chung như “căn cứ quy định pháp luật mà làm” để trả lời các địa phương.

“Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nói rằng pháp luật của chúng ta có những độ trễ nhất định, đôi khi ban hành khi chưa lường hết, chưa khảo sát hết thực tiễn. Chính vì vậy phải tập trung tháo gỡ thể chế để khơi thông nguồn lực. Trách nhiệm của Bộ NN-PTNT là cùng với các địa phương tháo gỡ thể chế, khơi thông nguồn lực, thu hút đầu tư. Phải nhất quán như thế chứ không lấp lửng. Bộ NN-PTNT cộng tác với các địa phương để cùng kiến tạo không gian phát triển không chỉ của riêng địa phương đó mà còn là cả vùng kinh tế, cả quốc gia”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Về vấn đề vướng mắc lớn nhất là đất lâm nghiệp và một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng, Bộ trưởng cho biết hiện Bộ NN-PTNT đang xây dựng Nghị định của Chính phủ về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì tham mưu sửa đổi Luật Đất đai, Bộ NN-PTNT đã có ý kiến về đề xuất sửa đổi, bổ sung để đảm bảo đồng bộ, thống nhất.

Chia sẻ với Đắk Lắk nói riêng và các địa phương có diện tích đất lâm nghiệp lớn nói chung, đặc biệt là công tác bảo vệ và phát triển rừng, Bộ trưởng khẳng định Bộ NN- PTNT đang giao cho các cơ quan trực thuộc tổng hợp, báo cáo để trình Thủ tướng Chính phủ có chính sách tháo gỡ trong thời gian tới.

Về chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào Đắk Lắk, Bộ NN-PTNT đã có văn bản thống nhất và giao nhiệm vụ các đơn vị về việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Hạn hán ở Gia Lai gây thiệt hại gần 10 tỷ đồng

Bên cạnh 380ha cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, tỉnh Gia Lai còn ghi nhận hàng trăm ha cây trồng khác đang thiếu nước và chưa thể thống kê đủ mức độ thiệt hại.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm