| Hotline: 0983.970.780

Bóng ma nạn đói chưa hề mất đi

Thứ Sáu 22/03/2019 , 09:01 (GMT+7)

Thế giới đang trong giai đoạn đói kém nhất kể từ sau Thế Chiến II do nhiều nguyên nhân như xung đột, bất ổn chính trị.

06-20-44_1
Người dân Yemen nhận viện trợ nhân đạo từ WFP tại tỉnh phía bắc Hajjah hồi tháng 9/2018 (Ảnh: AFP)

Resad Trbonja lớn lên tại Sarajevo, Bosnia và Herzegovina, nơi tổ chức Thế vận hội mùa đông trước đó vài năm. Ngày 5/4/1992, thành phố bị quân đội người Serb ở Bosnia, một thực thể chính trị tự phong bao vây. Trbonja, khi đó 19 tuổi, cùng với khoảng gần 400.000 người kẹt lại bắt đầu trải qua một cơn ác mộng. Ngoài súng và pháo, người dân Sarajevo còn đối mặt nạn đói.

“Thực phẩm gần như cạn kiệt ngay lập tức”, Trbonja, hiện là giáo viên dạy về chiến tranh Bosnia, kể với BBC. “Chút thực phẩm tại các cửa hàng nhanh chóng biến mất, nhiều nơi bị hôi của”.

Khi cuộc bao vây kết thúc vào tháng 1/1996, hơn 11.500 người ở Sarajevo đã chết, trong đó chắc chắn có người thiệt mạng vì lạnh và đói.

Khi cộng đồng quốc tế còn chưa rõ nên can thiệp cuộc chiến tại Bosnia thế nào, binh sĩ Canada thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã mở cửa được sân bay tại Sarajevo. Đây là diễn biến quan trọng, giúp thành phố đón nhận hơn 12.000 chuyến bay nhân đạo của Liên hợp quốc chuyển 160.000 tấn thức ăn, thuốc và các mặt hàng khác.

“Không có hàng cứu trợ nhân đạo, Sarajevo không thể tồn tại”, Trbonja nói. “90% dân số sống nhờ thực phẩm từ Liên hợp quốc. Những người cực giàu có thể đổi đá quý, tranh vẽ hay bất cứ thứ gì giá trị lấy thêm đồ ăn trên chợ đen”.

Với những người không còn gì, họ cần tìm cách khác để kiếm thêm đồ ăn. Trbonja, giống như nhiều thanh niên khác, cầm súng để bảo vệ gia đình, hiến máu tại bệnh viện thành phố để đổi lấy một hộp thịt bò.

“Chúng tôi đọc sách để xem loại cây nào ăn được để làm salad từ hoa của chúng. Có những ngày chúng tôi chỉ có một miếng bánh mỳ và trà, có những ngày không gì cả”, Trnbonja nói. Đây là những điều khó có thể tin là đã xảy ra tại trung tâm châu Âu trong chưa đầy 30 năm trước.
 

Sự tàn phá của cơn đói

“Trong ngắn hạn, đói sẽ khiến cơ thể sút cân vì bạn sẽ sử dụng đến mỡ”, Bradley Elliot, nhà sinh lý học tại Đại học Westminster. Ông nghiên cứu ảnh hưởng từ cơn đói dựa trên một người đàn ông nhịn ăn 50 ngày.

Cơ thể con người có thể chịu được nhiều mức độ sụt cân khác nhau. Cơ thế mất 20% cân nặng sẽ tiêu thụ năng lượng ít hơn 50%. Nhiệt độ cơ thể giảm, trạng thái lười biếng xuất hiện, các cơ quan nội tạng chết dần để bảo vệ não bộ.

“Các vấn đề về gan và thận xuất hiện. Lưu thông máu suy yếu, đồng nghĩa có thể bị ngất bất cứ lúc nào”, theo Elliot. Thiếu khoáng chất và vitamin dẫn đến bệnh hoại huyết và nấm. Trẻ em có nguy cơ tổn thương hơn người lớn, dễ nhiễm bệnh truyền nhiễm. Những người sống sót có thể mang các di chứng dài hạn.

Đói kém kéo dài ảnh hưởng tới chiều cao con người, cơ thể yếu hơn, học vấn thấp hơn và tỷ lệ sảy thai tăng.
 

Nguy cơ nạn đói tái diễn

Do xung đột, bất ổn chính trị và hạn hán, thế giới đang trong giai đoạn đói kém nhất kể từ sau Thế chiến II. Theo Hệ thống cảnh báo sớm đói kém, một tổ chức dự báo tình trạng nhân đạo khẩn cấp của Mỹ, 85 triệu người tại 46 quốc gia trên thế giới sẽ cần cứu trợ thực phẩm trong năm 2019. Con số này tương đương dân số Anh, Hy Lạp và Bồ Đào Nha cộng lại.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Liên hợp quốc ước tính 124 triệu người đối mặt khủng hoảng lương thực. Số người nguy cơ đói khát tăng 80% kể từ năm 2015 với Nam Sudan, Yemen, tây bắc Nigeria và Afghanistan là những nơi tệ nhất.

Những cuộc khủng hoảng này đang xảy ra thầm lặng và thế giới như không hề phát hiện. Một phần lý do là thế giới dường như tự tin nạn đói kém không thể xảy ra nữa. Tuy nhiên, Alex de Waal, giám đốc điều hành Quỹ Hòa bình Thế giới tại Đại học Tufts, bang Massachusetts, Mỹ, cho biết có 1 triệu người chết mỗi năm vì đói kém trong suốt 100 năm tính đến thập niên 80.

“Sau đó, tỷ lệ tử vong giảm còn 5 - 10%”, de Waal nói. “Chúng ta không còn đói kém trên quy mô lớn. Thị trường toàn cầu phát triển, hạ tầng và hệ thống nhân đạo tốt hơn đã đẩy lùi nguy cơ này, cho đến cách đây vài năm”.

Đói kém đang tái xuất hiện với nguyên nhân là chiến tranh và chính trị, như những gì đang xảy ra ở Syria, Nam Sudan và Yemen. Ngay tại những nước phát triển, nguy cơ đói kém cũng không quá xa xôi và không cần đến một thảm họa như chiến tranh hay hạn hán để “châm ngòi”. Tại Venezuela, quốc gia giàu dầu mỏ, một cuộc khủng hoảng chính trị cùng lạm phát phi mã đã khiến thực phẩm khan hiếm, nhiều gia đình buộc phải ăn thực phẩm ôi thiu hoặc rời bỏ đất nước. Cuộc khủng hoảng từng khiến kinh tế Hy Lạp tới bờ vực sụp đổ cũng tạo ra tình trạng thiếu thực phẩm ở nước này.

Bệnh dịch, thời tiết khắc nghiệt và giá cả tăng lại dẫn đến khan hiếm một số mặt hàng. Giá gạo tăng từng khiến Philippines cùng nhiều nước châu Á tăng cường mua vào hồi năm 2008, tạo ra khủng hoảng nguồn cung. Thời tiết xấu trong năm 2017 đẩy giá nhiều loại rau ở châu Âu tăng mạnh. Biểu tình liên quan năng lượng tại Anh năm 2000, người dân phong tỏa các điểm lọc dầu và kho dầu, khiến các siêu thị khan hàng.

An ninh lương thực đang ngày càng trở thành vấn đề quan trọng. Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) ước tính có gần 821 triệu người thiếu dinh dưỡng trên thế giới. Tại Mỹ, một trong những nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới, gần 12% số hộ gia đình được xếp loại không đảm bảo thực phẩm và khoảng 6,5 triệu trẻ em không được ăn uống đầy đủ.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.