| Hotline: 0983.970.780

Bức tranh thêu 'ế' 7 năm vẫn bán với giá 250 triệu đồng

Thứ Tư 16/08/2023 , 05:44 (GMT+7)

Bước vào phòng tranh của bà Phạm Thị Hòa tôi như được phiêu du với những tích truyện đông, tây kim cổ, được thưởng lãm những cảnh đẹp tuyệt sắc của thế gian.

Bà Phạm Thị Hòa đang tước chỉ để thêu tranh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Phạm Thị Hòa đang tước chỉ để thêu tranh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sự xuất hiện của ông khách người Trung Quốc

Nào Tôn Ngộ Không, nào Hồng Lâu Mộng, nào Vạn Lý Trường Thành, nào Vịnh Hạ Long, nào nàng tiên cá, nào chúa sơn lâm, nào bầy thiên nga đang nô đùa trên hồ nước… Từng đường chỉ thêu tỉ mỉ và có hồn tới mức họa người hiền thật hiền, họa thú dữ thật dữ, họa cây nổi rõ từng đường vân kẽ lá, họa chim cá mà như có gió, có sóng ở dưới cánh, dưới vây. Tất cả đều do bàn tay họa sĩ làng Phạm Thị Hòa - một nông dân ở làng Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) làm nên.

“Tính đến con tôi là nhà đã 4 đời làm nghề thêu rồi nhưng nghề thêu của làng Xuân Nẻo này còn có từ nhiều đời trước đó nữa. Ngay từ nhỏ, lúc 7, 8 tuổi chúng tôi đã được bố mẹ dạy cho”, bà Hòa rủ rỉ. Những năm 80 của thế kỷ 20, Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu thêu với Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa, chỉ việc gia công ăn sản phẩm nên nhà nào trong làng hầu như cũng tham gia.

Từ năm 1990 thị trường xuất khẩu sụp đổ, cánh thợ thêu của làng Xuân Nẻo lâm vào cảnh trôi nổi tựa như những cánh bèo trên sóng nước, hàng tồn kho đành phải đem đi cho. Khó khăn chồng chất, nhiều người đã phải bỏ nghề. Chẳng còn ai mua tranh nữa nên bà Hòa phải thêu những đôi bồ câu, những chữ song hỉ, những tên cô dâu chú rể trên cặp gối cưới với tiền công chỉ đổi ngang một, hai bơ gạo đặng sống qua ngày.

Bức hội bàn đào được phát giá 100 triệu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bức hội bàn đào được phát giá 100 triệu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó bà vẫn không ngừng sáng tác rồi cọc cạch đạp xe khắp tỉnh Hải Dương mang mẫu tranh theo để chào hàng ở các nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch. Còn ở Hà Nội hay ở nước ngoài, xa quá không thể đạp tới được thì gặp người nào thích tranh bà gửi nhờ để chào hàng hộ.   

Năm 2005 có một ông khách Trung Quốc sau khi đi khắp Bắc, Trung, Nam, hễ nghe nói chỗ nào có nghề thêu là đến, cuối cùng cũng tới làng Xuân Nẻo: “Tôi đã đi nhiều làng nghề thêu nhưng khi về đây, nhìn thấy mặt hàng của bà là biết bà làm được, muốn được ký kết hợp đồng”. Ông khách nói. Bà Hòa hỏi: “Người Trung Quốc thêu cũng rất giỏi, tại sao ông không đặt làm ở trong nước mà phải sang Việt Nam?”.

Ông khách trả lời: “Nói thật với bà, giá thêu ở Việt Nam rẻ chứ thêu ở Trung Quốc đắt lắm, chúng tôi bán hàng sẽ chẳng có lãi mấy. Không chỉ bán ở thị trường nội địa mà chúng tôi còn bán cho Nhật, cho Ấn Độ nữa”. Đang lang thang đi tìm thị trường bỗng nhiên có được bạn hàng lớn đến tận nhà đặt, bà Hòa mừng rỡ liền đồng ý ngay.

Tỉ mỉ trong từng đường chỉ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tỉ mỉ trong từng đường chỉ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vị khách đó đặt rất nhiều hàng khiến bà phải xây dựng tới 4 cơ sở với 200 thợ thêu mà nhiều lúc còn làm không xuể. Mẫu tranh thì đối tác mang sang với nhiều tích về Phật giáo, về Tôn Ngộ Không, về Hồng Lâu Mộng, về Vạn Lý Trường Thành. Gam màu của bà thiên về trầm chứ không nổi như một số dòng tranh thêu tại Việt Nam nên được khách nước ngoài rất ưa chuộng, đặc biệt là khách Nhật.

Phần lớn các bức tranh đều là hàng kỹ. Sợi chỉ đã bé rồi nhưng khi làm bà phải tước ra làm 6, làm 8, làm 10, thậm chí tới 16 mảnh rồi lấy 1 mảnh trong đó để thêu những chi tiết nhỏ li ti. Nếu là thêu truyền thần những chi tiết như mắt, mũi, mồm cần phải giống như thật, mà khó nhất là mắt sao cho vừa sáng vừa có hồn. Nếu thêu các con vật thì mắt, mỏ, miệng, chân cũng vậy. Khoảng cách giữa các mũi kim phải thật ngắn, bé còn hơn cả con kiến. Mỗi xen ti mét tranh chứa cả trăm mũi kim thêu mà hoàn toàn phải dùng mắt thật để nhìn chứ không dùng đến kính lúp.

Lột tả rõ từng chi tiết của cái lá cây, cọng lông chim. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lột tả rõ từng chi tiết của cái lá cây, cọng lông chim. Ảnh: Dương Đình Tường.

Việc làm ăn với Trung Quốc thuận lợi đến năm 2012 thì bị dừng đột ngột vì đối tác lâm vào cảnh nợ nần. Một loạt tranh hàng kỹ, hàng siêu kỹ của bà Hòa bị tồn trong đó đỉnh cao nhất là bức thêu về tích Phật. Nó dài 3m, rộng 80cm với cả ngàn nhân vật, trong đó có 3 người quan trọng với kích cỡ to ngồi ở giữa, xung quanh là những người ít quan trọng với kích cỡ bé hơn. Lắm người chỉ to bằng hạt ngô, hạt đậu nhưng vẫn phải đủ mắt mũi, chân tay.

Từng cụm nhân vật thể hiện một nội dung hoàn chỉnh trong một tích của đạo Phật. Bà ước tính, bức tranh đó cả công với nguyên liệu tốn 300 triệu đồng vì 12 thợ thêu phải làm ròng rã trong gần 1 năm mới xong. Lắm người mê mẩn bức tranh đó nhưng bởi giá cao quá mà nhiều năm liền nó bị ế.

Bầy thiên nga. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bầy thiên nga. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gãy cả hai tay vẫn dùng sợi chỉ bó bột để tập thêu

Năm 2020, tình cờ có một giám đốc công ty may đi qua, biết tiếng bà Hòa liền ghé vào chơi, nhìn thấy bức tranh về tích Phật kia mới hỏi giá. Bà nói thật, bức đó giá 300 triệu đồng nhưng 7 năm rồi không bán được vì không ai có đủ tiền để mua, bây giờ nếu anh lấy sẽ để lại cho 250 triệu đồng. Anh giám đốc kia liền bảo: “Cô để cháu ngay, kể cả 300 triệu đồng cháu cũng mua”. Nhưng do đã nói 250 triệu đồng rồi nên bà giữ lời. Sau đó bức tranh được anh giám đốc mang đi Nhật để giới thiệu về tinh hoa làng nghề Việt. Ngoài ra anh còn lấy thêm 20 bức tranh nhỏ, ít tiền hơn.

Bức nhiều tiền thứ nhì của bà Hòa thêu Vạn Lý Trường Thành bán được 100 triệu đồng cách đây 10 năm cho một người Nhật - ngang với giá một thửa đất ở rìa làng; Bức nhiều tiền thứ ba của bà thêu hội bàn đào tả cảnh một bữa tiệc vui vẻ với đàn sáo dìu dặt, người hát kẻ múa lả lơi, gia nhân dập dìu bưng bê đồ ăn thức uống và hầu quạt. Bức đó 4 thợ thêu ròng trong 4 tháng, hiện đang treo trong nhà bà, phát giá 100 triệu đồng. Còn những tích, cảnh của Việt Nam thường đơn sơ hơn của Trung Quốc nên tranh chỉ có giá từ vài triệu đến vài chục triệu.

Bức tranh ế nhiều năm được bán với giá 250 triệu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bức tranh ế nhiều năm được bán với giá 250 triệu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhà có tới 7 chị em gái và 3 anh em trai đều là thợ thêu, đều từ lò của bố dạy cho nhưng chỉ có mỗi bà Hòa là duy trì được xưởng. Ông Nguyễn Văn Nhượng chồng bà Hòa trầm ngâm, mấy năm rồi bắt mối làm ăn với Nhật, lượng hàng ít hơn hẳn Trung Quốc thời trước nên từ 200 công nhân giờ còn 10 mà có lúc cũng không đủ việc cho họ làm nhưng máu nghề vẫn chảy trong người của vợ mình. Nhà còn rất nhiều tranh ế treo trên tường, cất ở trong kho chưa căng lên khung mà bà vẫn miệt mài làm vì nhớ nghề, nhớ mình là một nghệ nhân ưu tú.

Năm 2020 tác phẩm thêu bình hoa ly của bà đã đoạt giải nhì trong cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam do Bộ NN-PTNT tổ chức. Năm 2022 một tai nạn gẫy cả hai tay, bà nghĩ thế là thôi, đành phải bỏ nghề. Nhưng những khi rảnh rỗi, bà lại mân mê, vuốt ve sợi chỉ từ hai cái tay bó bột trắng toát, suy nghĩ về cái nghề thêu của mình mà ứa cả nước mắt. Bà dối mình đó là sợi chỉ thêu, còn cái tay bó bột kia đang cầm cây kim thêu. Khi được tháo bột, bà kiên trì tập luyện từng ngón tay sao cho mềm dẻo. Phải đến 1 tháng sau chúng mới trở lại bình thường, có thể tiếp tục thêu tranh.

Những bức tranh rất có hồn của bà Hòa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những bức tranh rất có hồn của bà Hòa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm nay bà Hòa 69 tuổi và vẫn đêm đêm ngồi vẽ, sáng tác mẫu. Có những đêm đang ngủ nhưng nghĩ đến việc khó chưa giải quyết được, bà bật dật tư duy, làm cho xong để mai còn hướng dẫn cho thợ, không kẻo lại quên mất: “Nghệ thuật phải có hồn, mà hồn thì bắt nguồn từ con tim. Những lúc cảm thấy chán nản là tôi không sáng tác nữa. Hôm nào tư tưởng thoải mái, vui vẻ thì mới làm. Có những bức tranh tôi sáng tác lúc buồn mà vẫn có hồn bởi nỗi buồn cần cho độ sâu lắng của nội dung tranh đó, như bức người cá dưới biển chẳng hạn. Thoạt nhìn thì nó chưa đẹp đâu nhưng ngắm lâu mới thấy. Nếu sau này nhắm mắt xuôi tay, đến phút cuối tôi vẫn nhớ về những lúc thăng trầm của nghề thêu, những vui buồn gắn với từng bức tranh thêu của mình".

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.