Là doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm làm ăn tại thị trường Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sản xuất & Xuất nhập khẩu Việt Phúc nhận xét, thiên nhiên ưu đãi cho Việt Nam khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng khoai lang. Người dân Trung Quốc và nhiều quốc gia trong khu vực đánh giá cao và rất ưa chuộng nông sản này.
Khoai lang, trong đó có khoai lang tím, được bán với giá cao tại châu Âu, Australia và một số nước Đông Bắc Á. Tại siêu thị, 1 kilogram khoai có thể lên tới vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, người trồng khoai lang vẫn gặp bấp bênh. Nguyên nhân chính, theo bà Hương, là công tác bao tiêu đầu ra cũng như xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường xuất khẩu chưa được chú trọng.
Không đành để bà con "tâm tư" trên cánh đồng của chính mình, Công ty Việt Phúc đã nghiên cứu, khảo sát và được UBND tỉnh Vĩnh Long đồng ý phê duyệt Dự án Liên kết xây dựng mô hình chuỗi cung ứng khoai lang phục vụ nội tiêu và xuất khẩu giai đoạn 2021-2024.
Đến nay, công ty đã chọn tạo được những giống sạch bệnh bằng nuôi cấy mô, đạt năng suất khoảng 25 tấn/ha; hoàn thiện quy trình trồng, xây dựng nhà xưởng, liên kết cơ sở đóng gói và cả đối tác tiêu thụ tại Trung Quốc.
"Dự kiến tuần này, phía Trung Quốc sẽ kiểm tra trực tuyến vùng trồng và cơ sở đóng gói khoai lang. Hy vọng qua đó, nghị định thư giữa hai bên sẽ được ký, tạo cơ hội trở mình cho ngành hàng khoai lang còn nhiều tiềm năng, dư địa", bà Hương nói.
Khoai lang được trồng rộng rãi trên cả nước. Riêng huyện Bình Tân, tỉnh Bình Long - nơi được xem là thủ phủ khoai lang - trồng khoảng 13.000 ha, với năng suất ước đạt 300.000 tấn/năm. Chỉ cần bán cao hơn chi phí sản xuất 1 hoặc 2 giá, người dân đã có thể thu lời lớn.
Tuy nhiên, giá khoai lang vài năm trở lại đây trồi sụt, có lúc xuống đến vài trăm đồng/kg. Báo cáo của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho thấy, 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu khoai lang chỉ đạt 20,6 triệu USD, giảm 21,8% so với cùng kỳ 2021. Riêng lá khoai lang ước khoảng 515.000 USD, giảm 9,9%.
Những ngày này, bà Nguyễn Thị Lan Hương tất bật thực địa kỹ vùng trồng chuẩn bị cho đợt kiểm tra của phía Trung Quốc. Một vụ khoai mới, dự kiến bắt đầu vào đầu tháng 11, trùng với lịch này. Vì thế, người dân cần nắm vững kỹ thuật để có thể trao đổi với các cơ quan Trung Quốc trong trường hợp cần thiết.
Xen lẫn không khí xôn xao, phấn khởi tràn ngập khắp các hội quán tại Vĩnh Long, Đồng Tháp... là những bối rối nhất định về việc chăm bón theo phương pháp mới, từ giống, sản xuất theo mã vùng trồng, ghi chép nhật ký, cho đến độ hiệu quả khi sử dụng thuốc BVTV trong danh mục cho phép của nước bạn.
"Qua khảo sát, tôi nhận thấy bà con nông dân đã thay đổi được nhận thức, thể hiện rõ quyết tâm sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn để ứng dụng được công nghệ, nâng cao chất lượng, sản lượng. Đó là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp, cũng cách hiệu quả nhất để mở cửa thị trường mới và duy trì ổn định những bạn hàng đang có", bà Hương bày tỏ.
Rút kinh nghiệm từ những lần kiểm tra trực tuyến với một số hoa quả, nông sản thời gian vừa qua, Công ty Việt Phúc đã phối hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT, Chi cục Trồng trọt - BVTV địa phương để lên kế hoạch bao tiêu toàn bộ đầu ra cho người dân. Với những vùng mới trồng, doanh nghiệp hỗ trợ triển khai các kỹ thuật trồng xen canh, gối vụ giúp đảm bảo thu nhập cho bà con.
Thực tế đã kiểm nghiệm, khoai lang, trong đó có khoai lang tím, có nhiều ưu điểm vượt trội như trồng được ở nhiều địa hình canh tác, chất lượng củ khoai dẻo, thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao. Thậm chí, đây là một trong những loại cây trồng ưu việt cho vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn nhờ ưu thế rải vụ được quanh năm. Lợi nhuận, sau khi trừ hết mọi chi phí, trên mỗi hecta trồng khoai lên tới 25-30 triệu đồng.
Do khoai lang là cây ngắn ngày, một số nơi bà con thường tự ý "phá quy hoạch" khi gặp biến động thị trường. Nếu giá tăng, diện tích liên tục được mở rộng. Ngược lại, nếu giá giảm, người dân sẵn sàng nhổ bỏ để trồng lúa, hoặc một cây ngắn ngày khác. Câu chuyện "hỗ trợ tiêu thụ" khoai lang, vì thế, trở thành một nỗi khắc khoải, nhất là trong hai năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và Trung Quốc có thời điểm ngừng nhập khẩu tiểu ngạch mặt hàng này.
Tuân thủ chặt chẽ quy trình kiểm tra
Từ thời điểm xuất hiện thông tin về việc khoai lang sẽ là mặt hàng ưu tiên được Trung Quốc xem xét cho xuất khẩu chính ngạch, nhiều cuộc điện thoại gọi đến Văn phòng SPS Việt Nam. Phần đông muốn tìm hiểu, về yêu cầu kiểm dịch thực vật, giám sát mã số vùng trồng, cũng như quy trình phân tích rủi ro từ xa.
Phấn khởi khi người dân ngày càng quan tâm đến thông tin thị trường, TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam chia sẻ: “Việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc dự kiến tiến hành phân tích rủi ro và kiểm tra hệ thống quản lý đối với vùng trồng khoai lang và các cơ sơ đóng gói của doanh nghiệp xuất khẩu là cần thiết và theo thông lệ quốc tế”.
Theo ông Nam, phía Trung Quốc sẽ kết hợp kiểm tra trực tuyến và khảo sát thực địa. Do đó, các doanh nghiệp và HTX cần tham vấn từ cơ quan quản lý có thẩm quyền tại địa phương. Ngoài ra, người trồng khoai lang phải kiểm soát một cách đồng bộ, toàn diện với những đối tượng dịch hại, hồ sơ quản lý doanh nghiệp, hồ sơ lưu kho, công đoạn sơ chế, vận chuyển…
Cụ thể, về vấn đề kiểm soát dịch hại và đánh giá chất lượng các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, phía Trung Quốc dự kiến kiểm tra một số nội dung chính là: Sơ đồ mặt bằng của doanh nghiệp; Quy trình phòng ngừa và kiểm soát dịch hại trên đồng ruộng, gồm hồ sơ khảo sát dịch hại đồng ruộng, hệ thống khảo sát và các biện pháp phòng trừ dịch hại.
Bên cạnh đó, người sản xuất cần chuẩn bị tinh thần kiểm tra các khâu phòng trừ sâu bệnh và làm sạch đất trồng khoai lang; Thống kê cụ thể, chi tiết cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như tên thuốc, thời điểm bón, nồng độ, tần suất, diện tích bón. Cùng với đó, nhân viên kỹ thuật của doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cần phải được đào tạo chính thức và có hồ sơ lưu.
Về quy trình thu hoạch, chế biến, bảo quản và vận chuyển khoai lang, phía Trung Quốc dự kiến kiểm tra các nội dung như: Hồ sơ hiện trường thu hoạch khoai lang; Toàn bộ quy trình nhập khoai lang của doanh nghiệp, tính từ lúc nhập xưởng đến khi xuất xưởng, bao gồm cả video ghi lại quá trình nhập kho nguyên liệu, bảo quản, vệ sinh, đóng gói, xuất hàng và các liên kết vận chuyển, bảo quản, chế biến.
Do Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid”, nên phía bạn dự kiến kiểm tra cả những biện pháp phòng, chống dịch trong suốt quy trình sản xuất, chế biến khoai lang xuất khẩu. Trong đó, có việc quản lý sức khỏe nhân viên; các yêu cầu về ngăn ngừa và kiểm soát trong quá trình xếp dỡ, bảo quản và vận chuyển khoai lang; các yêu cầu về phòng ngừa và kiểm soát trong quá trình sản xuất và chế biến, ứng phó khẩn cấp, làm sạch và khử trùng môi trường…
"Nếu được phép xuất khẩu chính ngạch khoai lang sang Trung Quốc, đó sẽ là một tin rất vui với bà con nông dân và ngành nông nghiệp Việt Nam. Hy vọng tất cả chung tay, vì một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững, giúp người nông dân sống khỏe trên cánh đồng của chính mình, như những gì Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong mỏi”, ông Ngô Xuân Nam chia sẻ.