| Hotline: 0983.970.780

Buôn Ako D’hong và huyền thoại già làng Ama H’rin

Chủ Nhật 26/01/2020 , 13:01 (GMT+7)

Buôn Ako D’hong (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk), nơi từng là niềm tự hào của đồng bào Ê Đê bởi sự giàu có, bởi cái bản sắc văn hoá truyền thống luôn được gìn giữ, bảo vệ… đang đổi thay từng ngày.

Dù sự giàu sang thể hiện rõ trong mỗi nếp nhà, dù còn đó nét đẹp đến nao lòng, dù những ngôi nhà sàn đang ngày một nhiều hơn, nhưng hình như cái “hồn” xưa đã khác.

Những góc buôn Ako D’hong sạch bóng, bình yên và đẹp nao lòng.

Bất chợt thở dài tiếc nuối khi nhớ đến cố già làng Ama H’rin, thủ lĩnh đầu tiên của Ako D'hong.
 

Kiến trúc sư trưởng

Tôi đến Ako D’hong một buổi chiều cuối năm, ngôi làng chìm trong ánh nắng vàng nhuộm kín đại ngàn Tây Nguyên. Con đường chính vào làng đang được xới lên để trải nhựa, tung bụi mù mịt. Dọc 2 bên đường, thấp thoáng những ngôi nhà sàn ẩn mình trong khuôn viên tĩnh lặng.

Tìm gặp Y Pun Nie Bing, trưởng thôn Ako D’hong. Nghe tôi nói, Y Pun hào hứng, bảo: “già làng Ama H’Ben biết nhiều chuyện lắm”. Nói xong anh chỉ sang căn nhà kế bên: “Nhà Ama H’Ben đó, tôi đưa sang”.

Già làng Ama H’Ben năm nay 78 tuổi, là em rể kết nghĩa của già làng Ama H’Rin, người đầu tiên lập buôn Ako D’hong này, từng chứng kiến đầy đủ những bước thăng trầm của buôn.

11-23-01_nh_7
Già làng Ama H’ben (trái) và trưởng thôn Y Pun Niebing.

Theo lời kể của già làng Ama H’Ben, buôn Ako D’hong ra đời từ những năm đầu thập niên 1960 của thế kỷ 20. Đó là vào năm 1956, khi đó, chàng trai 27 tuổi Y Diêm Niê, ở cao nguyên M’Đrắc (tức Ama H’rin sau này. Người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, tên của người đàn ông sẽ thay đổi nhiều lần vào các giai đoạn lấy vợ, có con và có cháu), không khỏi trăn trở khi chứng kiến người thân sống trong cảnh nghèo đói, vì đất đai cằn cỗi, cỏ tranh và thú dữ nhiều hơn sông suối.

“Phải đi thôi, Tìm thần sông, thần suối thôi, nếu không thì không thể no cái bụng”. Và sau đó, Ama H’rin quả quyết đeo cung tên lên vai, tay cầm giáo, dắt vợ con đi tìm vùng đất mới.

Nhiều ngày ròng rã băng suối lội rừng, cuối cùng, khi vợ con đã gần kiệt sức, cũng là lúc đầu nguồn những con suối hiện ra. Và đó chính là khởi nguồn cho buôn Ako D’hong hôm nay. Mảnh đất ông chọn là đầu nguồn con suối lớn nhất Buôn Ma Thuột Ea Nuôl. Nơi đây còn có 5 con suối khác Ea Giang, Ea Dung, Ea Ding, Ea Pủi, và Thun M’nung.

“Sau này, ông ấy kể cho chúng tôi nghe rằng, tự nhiên đi đến vùng đất này, thần linh mách bảo dừng chân ở đó. Vẻ đẹp hoang sơ của vùng đất lạ đã níu chân Ama H’rin”, Ama H’Ben kể. Sau khi chọn được vùng đất hứa hẹn một cuộc sống sung túc sau này, Ama H’rin quay trở về vùng đất cũ kêu gọi người thân đi theo mình đến nơi ở mới.

Những ngày đầu mới đến vùng đất mới, Ama H’rin gặp rất nhiều khó khăn khi trong tay chỉ có cây cung, cây giáo. Điều may mắn là ngoài sức khoẻ cường tráng, lòng gan dạ, và lòng quyết tâm sắt đá, Ama H’rin còn là người có trí thông minh hơn người.

11-23-01_nh_3
Đây là nơi già làng Ama H’rin từng sống, nhưng trong căn nhà sàn đơn sơ, nay đã được các con ông làm lại.

Thời điểm gia đình Ama H’rin đến vùng đất Ako D’hong cũng là lúc người Pháp đang có mặt rất nhiều ở vùng Tây Nguyên, họ lập đồn điền, trồng cà phê, làm kinh tế rất giỏi. Ama H’rin nhìn người Pháp và nghĩ, họ làm được sao mình không làm được?

Thế là từ đó, ông tìm cách làm quen với người Pháp, học tiếng của họ và học kỹ thuật trồng cà phê. Ngược lại, người Pháp cũng nhờ Ama H'Rin phiên dịch và dạy lại các kỹ năng sống của người bản địa cho họ. Sau khi học được cách trồng cà phê, ông về bắt đầu trồng và dạy lại cho người trong buôn.

Dần dà, Ama H’rin đã tạo dựng được cơ ngơi rất lớn tại đây, đó là 6ha cà phê và liên tục khai hoang, mở rộng đất canh tác, đồng thời, tìm ra những giống cà phê tốt nhất cho vùng đất này. Ông vừa làm vừa giúp bà con cách làm kinh tế. Chẳng bao lâu sau, chàng trai trẻ Y Diêm Niê đã trở thành linh hồn của buôn Ako D’hong và được bầu làm già làng khi chưa đầy 30 tuổi.
 

Làm giỏi nghĩ hay, ai cũng nể

Đến năm 1975, sau khi đất nước giải phóng, thì Ama H’rin cùng bà con vào HTX, cùng nhau cnah tác hơn 40ha cà phê, phần lớn do ông tạo dựng.

Năm 1986, khi đất nước đổi mới, Ama H’Rin chia đều toàn bộ 40ha cà phê cho bà con, tiếp tục hướng dẫn họ kỹ thuật, nhằm tạo ra những hạt cà phê chất lượng. Sau đó ông lại lặn lội đi tìm khách hàng, ký hợp đồng bao tiêu thu mua cà phê cho bà con.

11-23-01_nh_8
Già làng Ama H’rin khi còn sống (ảnh tư liệu).

Nhờ vậy, việc sản xuất thuận lợi, đời sống trong buôn ngày càng nâng cao. Ngoài cà phê, Ama H'rin còn chỉ cho dân làng trồng các loại cây điều, bơ, tiêu, chăn nuôi gia súc, gia cầm cải thiện đời sống.

Không chỉ giúp đồng bào ngày càng giàu mạnh, Ama H’rin còn là người tiên phong học hỏi và tiếp thu lối sống văn minh của người Pháp rồi mang về áp dụng cho buôn làng.

“Đường làng lúc nào cũng sạch sẽ, gia súc có chỗ nuôi nhốt riêng, không thả rông, phóng uế. Ako D’hong là một trong những buôn sử dụng nước sạch sớm nhất, ai bệnh tật phải đi nhà thương, gặp bác sĩ, tối ngủ phải giăng mùng.

Nhờ vậy mà từ rất sớm, bệnh sốt rét, một trong những căn bệnh bao đời là nỗi sợ của người Tây Nguyên đã không còn ám ảnh người dân Ako D’hông. Dọc đường cây xanh, hoa cỏ được cắt tỉa gọn gàng. Cây cổ thụ trong buôn được bảo vệ nghiêm ngặt, ai chặt cây lớn sẽ bị phạt rất nặng”, già làng Ama H’ben nhớ lại.

Từ vai trò thủ lĩnh, Ama H’rin đã giúp cả buôn Ako D'hông gắn bó, yêu thương nhau như anh em một nhà, rất hiếm khi có sự bất hòa, to tiếng trong buôn. Nhiều giai đoạn kinh tế khó khăn đã xảy ra nhưng người Ako D’hông chưa bao giờ bị đói. Họ sẵn sàng chia sẻ cho nhau từ hạt muối đến bầu nước.
 

Mai này, Ako D’hong sẽ ra sao?

Ama H’rin về với trời đã 7 năm, Ako D’hong vẫn giàu lên, nhiều biệt thự mới mọc lên. Nhưng nhà mới xây dù to thế nào, sang trọng đến đâu, cũng phải “lùi về phía sau”, tức ở sau nhà dài chứ không được nằm ngang hàng hay nhô lên phía trước nhà dài. Cây phía sau trùm cái biệt thự lại, trong khi căn nhà sàn như mũi tàu hướng ra cổng. Đó là một chút tư tưởng Ama H’rin còn để lại cho con cháu.

11-23-01_nh_4
Nhà sàn kiểu mới của người Ê Đê.
11-23-01_nh_5
Bên cạnh nhà sàn, có thêm những ngôi nhà bê tông, nằm lùi về phía sau nhà sàn.

“Hồi đó, khi bà con đòi phá nhà dài làm nhà xây, già Ama H’rin không cho, nhất quyết phải họp dân. Già bảo, mất nhà dài là mất cồng chiêng, mất sử thi, mất ghế Kpan, mất cả Yàng, mất hết truyền thống tốt đẹp của người Ê Đê ta. Nên không được bỏ nhà dài, ai muốn xây nhà hiện đại thì phải xây phía sau nhà dài. Ai không nghe thì sẽ bị phạt theo luật tục. Nhờ sự kiên quyết này mà sau đó không ai dám phá nhà dài và xây nhà kiểu mới phía trước nhà dài”, trưởng thôn Y Pun nói.

Nhưng, cuộc sống văn minh cũng đã và đang ngày một len lỏi sâu vào Ako D’hong, nhất là từ sau khi Ama H’rin qua đời vào cuối năm 2012.

11-23-01_nh_10
Suối Ea Nuôl, nơi khởi nguồn Ako D’hong, nay đã được tận dụng làm khu du lịch sinh thái.
“Hơn nửa thế kỷ qua, Ama H’rin đã định hướng con đường phát triển cho Ako D’hong như thế. Giàu có, sung túc, nhưng vẫn giữ được cái hồn cốt riêng, sức mạnh riêng, vẻ đẹp riêng. Cái hay của Ama H’rin là chẳng áp đặt ai, chẳng bắt ai phải theo mình, nhưng ai cũng làm theo. Ấy là ông tiên phong làm trước mọi thứ, và chứng minh cho mọi người thấy đó là cách làm đúng nhất, hay nhất, không có cách làm nào hay hơn”, già làng Ama H’ben.

Nếu tình cờ đến Ako D’hong và không được giới thiệu trước, dễ lầm tưởng đây là một khu phố sầm uất ở đô thị lớn. Bởi ngoài những căn nhà sàn ra, chẳng còn gì để nhận biết đây là buôn của đồng bào Ê Đê.

Những căn biệt thự sang trọng, xe hơi đậu trước sân. Người lớn ra ngoài không mặc trang phục truyền thống, thanh niên nam nữ mặc quần jean, áo pull, đi xe máy, xe hơi, xài điện thoại di động đời mới.

Ama H’rin là một kiến trúc sư trưởng tài ba, ông đã tạo ra một không gian kiến trúc đặc trưng cho Ako D'hong. Di sản ông để lại khiến nơi đây trở thành buôn điển hình của tỉnh Đăk Lăk.

Cũng từ đây, nhiều doanh nghiệp du lịch đã nhảy vào “xâu xé”, nhiều khu du lịch, nhà hàng, khách sạn mọc lên... phá vỡ không gian yên bình mà Ama H’rin phải mất mấy chục năm mới tạo dựng nên và gìn giữ.

Sự can thiệp thiếu kiểm soát của những người làm du lịch khiến không gian văn hoá truyền thống của buôn làng bị xé toang.

“Ngày xưa, khi còn sống, Ama H’rin mong sớm khôi phục lại lễ hội Bến nước, một lễ hội truyền thống rất quan trọng trong đời sống tâm linh người Ê Đê, nhưng chưa kịp thực hiện. Nay thì điều đó càng khó hơn, vì người ta chiếm hết làm khu du lịch rồi, trong đó có khu vực đầu nguồn”, già làng Ama H’ben trầm ngâm.

Còn trưởng thôn Y Pun cũng trầm buồn, nói: “Ngày xưa ở đây chẳng ai làm hàng rào, cửa nhà không có ai cũng chẳng phải khoá. Tài sản để đâu cũng được, chẳng bao giờ mất. Còn bây giờ, anh đi một vòng quanh buôn thấy rõ rồi, nhà nào cũng tường rào cao, cổng có ổ khoá to”.

11-23-01_nh_6
Cũng từ lâu, người dân Ako D’hong khi làm nhà đã làm thêm cả hàng rào.

Không chỉ giúp dân làm giàu, Ama H’rin còn rất chú trọng đến việc học hành của con cháu.

Bản thân ông cũng là một tấm gương trong việc không ngừng học hỏi kiến thức văn minh. Khi có khách nước ngoài đến tham quan, già làng Ama H’rin có thể trò chuyện với họ bằng tiếng Pháp.

Ông nói với dân làng rằng “mọi thứ đều có thể nếu có chữ, và không thể làm gì nếu không biết chữ”.

Nhờ vậy, Ako D’hong hiện là buôn có tỷ lệ người học cao nhiều nhất các buôn làng Tây Nguyên, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, công chức nhà nước, có đủ.

Riêng 9 người con của Ama H’rin đều thành đạt. Trong đó, người con cả của Ama H’rin hiện đang là Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nguyên.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.