Phát huy sản phẩm thế mạnh
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp của tỉnh Cà Mau đã có những bước tiến quan trọng, nhiều mô hình tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, tạo ra lượng sản phẩm hàng hoá lớn, chất lượng cao.
Huyện Thới Bình đã trở thành huyện trọng điểm của mô hình tôm - lúa của tỉnh Cà Mau với sản phẩm lúa hữu cơ, lúa sạch, tôm hữu cơ theo hướng thuận thiên. Để thích ứng chung với nhu cầu phát triển kinh tế của nhân dân, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) đã được hình thành và phát triển không ngừng từ hiệu quả đến quy mô sản xuất.
Cụ thể như HTX dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực là một trong những điểm nhấn cho mô hình phát triển HTX của địa phương. Hiện nay, hơn 900 ha nuôi tôm đã được liên kết chuỗi với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú từ đầu vào cho đến tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, cây lúa cũng được liên kết sản xuất với Công ty Tấn Vương được hơn 200 ha theo hướng sản xuất lúa hữu cơ.
Theo ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Trí Lực, thì Công ty Tấn Vương đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm toàn bộ 200 ha lúa hữu cơ của HTX với giá 8.500 đồng/kg nếu đạt chuẩn, năm thứ 2 giá sẽ là 9.000 đồng/kg. Ngoài ra, đối với 600 ha lúa an toàn của HTX, Công ty cũng đã đặt hàng mua hết cho bà con. “Ðây là một trong những chuỗi liên kết tạo nên thế mạnh của HTX Trí Lực thời gian qua. Hiện tại trà lúa hữu cơ và lúa an toàn của HTX đang phát triển rất tốt, hứa hẹn một vụ mùa thành công”, ông Mưa vui mừng cho biết.
Không chỉ đã hình thành được chuỗi liên kết giá trị theo từng sản phẩm thế mạnh của mình, sản phẩm gạo ST24 của HTX Trí Lực đã làm nên thương hiệu Hoàng Yến được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Ông Nguyễn Đức Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH DVNN Lộc Trời cho biết, Công ty đã kết hợp các doanh nghiệp như Minh Phú để đẩy mạnh trồng lúa trên đất nuôi tôm và cả đất lúa 2 vụ. Hiện tại Lộc Trời có 2 sản phẩm OCOP, và đều được đưa vào thử nghiệm gieo trồng. Đáng chú ý là Lộc Trời cam kết thu mua nông, thủy sản cho nông dân Cà Mau ngay từ đầu vụ, bằng hình thức bao lợi nhuận.
Tại xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, HTX Tân Hưng được thành lập năm 2016, với hơn 36 thành viên. Khi có vùng sản xuất lớn với hơn 45 ao nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao HTX Tân Hưng đã làm đầu mối liên kết với công ty cung ứng vật tư, thuốc thuỷ sản, con giống và thu mua sản phẩm cho xã viên.
Ông Huỳnh Xuân Diện, Chủ tịch HÐQT, kiêm Giám đốc HTX Tân Hưng, cho biết: HTX còn liên kết với doanh nghiệp khoa học công nghệ, một số nhà khoa học để không chỉ tăng năng suất tôm nuôi mà còn nâng cao chất lượng, sản phẩm theo hướng không kháng sinh, hoá chất. Nhờ tổ chức sản xuất khoa học, bài bản với nhiều chuỗi liên kết mà thu nhập của các thành viên không ngừng nâng cao. Thu nhập bình quân của các thành viên HTX là 420 triệu đồng/năm và người lao động của HTX cũng có thu nhập từ 72 triệu đồng/năm.
Theo ông Diện, hướng tới HTX Tân Hưng là củng cố vị trí hàng đầu trong tỉnh trên lĩnh vực nuôi thuỷ sản xuất khẩu và cung cấp các sản phẩm đầu vào từ con giống, vi sinh, công nghệ nuôi…, nâng cao sản lượng đi đôi với chất lượng sản phẩm thông qua các dự án đầu tư xây dựng khu nuôi tập trung.
Ðó là những mô hình sản xuất tiêu biểu làm ăn hiệu quả nhờ tổ chức và xây dựng được vùng nguyên liệu lớn tạo điều kiện liên kết các chuỗi giá trị. Liên kết chuỗi giá trị là nhân tố quyết định, là nền tảng để nhiều địa phương triển khai và thực hiện thành công quy hoạch, phát triển vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Nhờ chủ động thích ứng, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Cà Mau đã chuyển dần sang kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ theo chuỗi liên kết bền vững.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đánh giá: Tình hình sản xuất trên các lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Dù nền sản xuất đã có nhiều bước tiến quan trọng, thế nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức phía trước. Cụ thể, qua tính toán sơ bộ, từ đầu năm đến nay, giá trị của ngành nông nghiệp giảm gần 2.000 tỷ đồng, trong đó giảm mạnh nhất là lĩnh vực thuỷ sản.
Theo kế hoạch, giá trị ngành nông nghiệp trong năm 2021 là hơn 13.800 tỷ đồng. Ông Sử cho rằng, về sản lượng có thể đạt được nhưng giá trị thì khó. Hiện nay, ngành đã phối hợp với các sở, ngành để tìm giải pháp nâng cao sản lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh để bù đắp lại giá trị dự kiến thiếu hụt, phấn đấu quyết liệt để đạt thấp nhất 98% so với kế hoạch.
Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, cho biết thêm: Những năm gần đây, huyện Thới Bình đã phát triển nhân rộng diện tích trồng lúa sạch với 15.000 ha, sản phẩm gạo sạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận là sản phẩm đạt chất lượng.
Về lâu dài huyện Thới Bình vẫn phát triển mô hình tôm lúa. Mô hình tôm - lúa vừa có thu nhập vừa cải tạo môi trường đất. Huyện đã lựa chọn những vùng phù hợp để phát triển trồng lúa hữu cơ với diện tích hơn 800 ha. Mô hình tôm - lúa được xem là bền vững và phù hợp với địa bàn của huyện Thới Bình.