| Hotline: 0983.970.780

Cà phê Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc

Thứ Năm 18/11/2021 , 11:24 (GMT+7)

Nhập khẩu cà phê vào Trung Quốc tăng rất mạnh trong 9 tháng đầu năm nay và sẽ tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm. Đây là cơ hội cho cà phê Việt Nam.

Cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng rất mạnh trong năm nay. Ảnh: Thanh Sơn.

Cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng rất mạnh trong năm nay. Ảnh: Thanh Sơn.

Người Trung Quốc vốn có truyền thống uống trà, nhưng cà phê cũng đang dần trở thành thức uống quen thuộc ở thị trường này, nhất là với các cư dân đô thị và những người trẻ tuổi. Đặc biệt, cà phê hòa tan chiếm thị phần đáng kể ở thị trường cà phê Trung Quốc do sự tiện lợi và ảnh hưởng của lối sống phương Tây trong các gia đình trẻ và người tiêu dùng trung lưu

Chính vì vậy, nhập khẩu cà phê của Trung Quốc đã tăng trưởng liên tục trong những năm qua. Thông tin từ Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), cho biết, trong những năm gần đây, tiêu thụ cà phê của nước này tăng trưởng với tốc độ 15% mỗi năm.

Còn theo một nguồn tin quốc tế khác, thị trường cà phê Trung Quốc dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 10,15% trong giai đoạn 2021–2026.

Đáng chú ý là đại dịch Covid-19 trong 2 năm qua không làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc, bởi người dân nước này chuyển sang tiêu thụ tại nhà nhiều hơn.

Trung Quốc cũng có sản xuất cà phê nhưng sản lượng khá khiêm tốn, chỉ khoảng 1,8 triệu bao (tương đương với 108 nghìn tấn), thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Do đó, nhập khẩu cà phê vào Trung Quốc đang có xu hướng tăng trưởng rất mạnh.

Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu cà phê của nước này trong tháng 9/2021 đạt 53,84 triệu USD, tăng 62,4% so với tháng 9/2020. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cà phê của Trung Quốc đạt 387,76 triệu USD, tăng 75,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn cung cà phê cho Trung Quốc đa dạng, với khoảng 80 thị trường cung cấp. Trong đó, các thị trường cung cấp cà phê chính cho Trung Quốc gồm: Guatemala, Etiopia, Việt Nam, Malaysia, Brazil …

Việt Nam hiện đang là nguồn cung cấp cà phê đứng thứ 3 cho thị trường Trung Quốc. Trong 9 tháng đầu năm nay, cà phê Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc đạt 46,28 triệu USD, tăng 69,5% so với cùng kỳ năm 2020. Cà phê Việt Nam chiếm khoảng 12% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc.

Trung Quốc hiện đang là một trong 10 thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam. Thông tin từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc đạt 40 nghìn tấn, kim ngạch 90 triệu USD.

Với lượng và giá trị như trên, Trung Quốc đang là thị trường lớn thứ 10 về lượng và thứ 8 về kim ngạch của xuất khẩu cà phê Việt Nam. Đây là bước đột phá rất ấn tượng của xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc, bởi cách đây chưa lâu, nước này vẫn còn nằm ngoài Top 10 những thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam.

Một trang trại cà phê tại Đồng Nai. Ảnh: Thanh Sơn.

Một trang trại cà phê tại Đồng Nai. Ảnh: Thanh Sơn.

Đặc biệt, Trung Quốc là một trong những thị trường hàng đầu của cà phê chế biến Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê chế biến sang Trung Quốc đạt 44,6 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quôc đang là thị trường lớn thứ 2 của cà phê chế biến Việt Nam (thị trường lớn nhất là Philippines).

Nhu cầu nhập khẩu cà phê của Trung Quốc vẫn đang tăng lên trong những tháng cuối năm. Bằng chứng là trong tháng 10, lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng đáng kể so với tháng 9.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thị trường cà phê Trung Quốc có tính cạnh tranh cao. Do đó, để gia tăng thị phần tại Trung Quốc, ngành cà phê Việt Nam cần tích cực đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tập trung vào các nền tảng truyền thông xã hội và các kênh phân phối trực tuyến để quảng bá trực tuyến và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.