Tăng tối đa cấy máy, hạn chế gieo thẳng
Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hưng Yên cho biết, vụ mùa năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy hơn 26,3 nghìn ha lúa, năng suất bình quân trên 58 tạ/ha. Trong đó, cơ cấu lúa mùa sớm chiếm 5 - 10% diện tích, lúa mùa trung chiếm 90 - 95% diện tích gieo cấy, bố trí gieo cấy lúa chất lượng cao từ 18,5 nghìn đến 19 nghìn ha.
Do lúa xuân năm nay thu hoạch muộn hơn so với cùng kỳ năm trước 5 - 10 ngày, áp lực về thời vụ càng trở nên gấp gáp hơn. Khắc phục điều này, đồng thời để bảo đảm kế hoạch về diện tích, lịch thời vụ, cơ cấu giống, trước khi bước vào vụ sản xuất, ngành nông nghiệp và các địa phương đã chỉ đạo nông dân thu hoạch lúa đến đâu tập trung phương tiện làm đất ngay đến đó.
Để bảo đảm kế hoạch về diện tích, thời vụ gieo cấy lúa mùa, tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các địa phương huy động tối đa các phương tiện để làm đất thật nhanh, linh hoạt điều chuyển máy làm đất giữa các địa phương. Sử dụng các loại chế phẩm sinh học, nấm đối kháng, vôi bột… để rắc cho gốc rạ nhanh phân hủy, bảo đảm chất lượng đất phục vụ gieo cấy, hạn chế sâu bệnh lưu chuyển từ vụ xuân sang mùa, làm đất kỹ... Mở rộng tối đa diện tích cấy bằng máy, giảm diện tích lúa gieo thẳng để hạn chế rủi ro do thời tiết gây ra.
Vụ mùa năm nay, huyện Tiên Lữ phấn đấu gieo cấy 3.500ha lúa, cơ cấu nhóm lúa chất lượng cao chiếm 75% diện tích, gồm các giống như: Nếp thơm Hưng Yên, Hà Phát 3, Đài thơm 8, nếp các loại... Vụ này, huyện quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung ứng dụng công nghệ cấy máy mạ khay với diện tích trên 10ha tại xã Dị Chế. Cùng đó, quy hoạch phát triển vùng chuyên canh sản xuất lúa giống VNR20 tại xã Minh Phượng với diện tích 10ha; quy hoạch phát triển vùng sản xuất lúa giống liên kết bao tiêu sản phẩm với ThaiBinh Seed tại xã Nhật Tân và xã Hưng Đạo.
Ông Trần Văn Hạnh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tiên Lữ cho biết, do tính chất khẩn trương của vụ mùa nên huyện đã chỉ đạo các địa phương thu hoạch lúa xuân xong đến đâu tiến hành cày bừa ngay đến đó, vệ sinh đồng ruộng bảo đảm gốc rạ phân hủy. Để không có tình trạng đẩy giá dịch vụ làm đất tăng cao, huyện yêu cầu UBND các xã thống nhất các hộ dân có máy làm đất về đơn giá, phân vùng diện tích cụ thể cho từng chủ máy, tránh tình trạng các chủ máy nhận phần đất gây ảnh hưởng thời vụ.
Bên cạnh đó, tuyên truyền đến các địa phương phát động chiến dịch bắt diệt chuột ngay từ khi làm đất bằng các hình thức thủ công, sử dụng thuốc sinh học. Tăng cường công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo sớm các đối tượng sâu, bệnh có khả năng gây hại từ diện tích gieo mạ trước khi gieo cấy. Chủ động gieo 5 - 10% diện tích mạ ở trà cuối hoặc chuẩn bị thóc giống ngắn ngày để dự phòng khi thời tiết bất thuận gây úng ngập làm chết mạ, chết lúa.
Không chủ quan bệnh lùn sọc đen
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hưng Yên cho biết, qua kiểm tra đồng ruộng cho thấy, trên mạ vụ mùa, rầy nâu, rầy lưng trắng di trú tiếp tục xuất hiện và gây hại cục bộ trên mạ dược (đây là rầy di trú di chuyển từ lúa sang mạ mùa và có khả năng mang virus gây bệnh lùn sọc đen phương nam).
Mặc dù hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện bệnh lùn sọc đen phương nam hại lúa, nhưng nếu không kịp thời phòng trừ sẽ khiến cho rầy sinh sôi, phát triển mạnh và là môi giới truyền bệnh.
Ông Nguyễn Văn Tuấn khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ bệnh lùn sọc đen, ông dân cần vệ sinh đồng ruộng, thu gom, tiêu hủy triệt để cây bệnh, rơm rạ, lúa chét và cỏ dại. Làm đất kỹ, làm ải đối với ruộng cao, làm dầm đối với ruộng trũng. Sử dụng vôi bột để rắc xung quanh bờ ruộng và toàn bộ ruộng cấy (20 - 25 kg/sào). Sử dụng giống lúa có chất lượng tốt, những giống nhiễm rầy phải tuân thủ theo quy trình thâm canh, quản lý rầy nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, cần gieo cấy tập trung, đúng lịch thời vụ theo hướng dẫn. Áp dụng các biện pháp thâm canh tổng hợp, bón phân cân đối, không bón thừa đạm nhằm tạo cho cây lúa khỏe, tăng sức đề kháng và chống chịu, hạn chế sự phát sinh gây hại của các đối tượng sâu, bệnh, trong đó có bệnh lùn sọc đen. Đối với vùng đã có mầm bệnh từ trước, cần chủ động xử lý trước khi gieo cấy bằng thuốc đặc hiệu Victory 585EC, Penalty 40WP, Bassa 50EC… để trừ rầy ngay từ giai đoạn đầu của cây lúa.
Trong giai đoạn lúa từ phân hóa đòng trở đi, cần thường xuyên quan sát kỹ ruộng bị bệnh lùn sọc đen để phát hiện rầy lưng trắng, khi phát hiện có rầy lưng trắng tiến hành phun thuốc trừ rầy ở ruộng đó và các ruộng xung quanh, sử dụng loại thuốc theo thời kỳ sinh trưởng của cây lúa.
Giai đoạn lúa phân hóa đòng - trỗ, dùng thuốc trừ rầy nội hấp hoặc thuốc trừ rầy tiếp xúc, hoặc kết hợp. Việc tiêu hủy cả ruộng lúa bị bệnh chỉ thực hiện khi ruộng lúa không còn khả năng cho năng suất (nhiễm nặng, khó phục hồi). Trước khi tiêu hủy, phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc tiếp xúc. Tiêu hủy và tiến hành cấy, gieo thẳng lại nếu còn trong khung thời vụ.