| Hotline: 0983.970.780

Săn đón thợ cấy

Thứ Ba 12/07/2022 , 08:35 (GMT+7)

HÀ NỘI Lao động nông nghiệp ngày càng khan hiếm nên vào vụ cấy, dù công thuê cấy hiện đã tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi, song để 'săn đón' được thợ cấy cũng không dễ.

Thợ cấy "có giá"

Những ngày này, khi các huyện ngoại thành Hà Nội bước vào gieo cấy lúa vụ mùa, cũng là lúc những người cấy thuê “hái ra tiền”. Những năm gần đây, khi vào mùa vụ, nhân công cấy thuê thường rất khan hiếm, vì vậy những người làm công việc này luôn được săn đón cùng mức thù lao khá cao. Vụ mùa năm nay, do lịch thời vụ gieo cấy khá gấp gáp nên nhu cầu lao động cấy thuê càng khan hiếm. Gia đình nào còn làm nông nghiệp cũng muốn cấy nhanh cho kịp thời vụ, khi mạ gieo đã đủ ngày.

Đa số các thợ cấy là phụ nữ đến từ các tỉnh lân cận Hà Nội, tranh thủ thời vụ đi cấy thuê để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Trịnh Hiệp.

Đa số các thợ cấy là phụ nữ đến từ các tỉnh lân cận Hà Nội, tranh thủ thời vụ đi cấy thuê để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Trịnh Hiệp.

Bà Lê Thị Tâm ở thôn Bầu, xã Kim Chung (huyện Đông Anh) cho biết, gia đình bà vừa phải đón 4 nhân công để cấy thuê cho đám ruộng 5 sào của gia đình. Với 5 sào, 4 nhân công cấy trong 2 ngày mới xong, tiền công mỗi thợ cấy là 700.000 đồng (tức 350.000 đồng/người/ngày). Ngoài tiền công, gia đình bà Tâm còn phục vụ mỗi ngày 1 bữa cơm trưa cho thợ cấy, cộng với nước uống…

Giống như bà Tâm, chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối (huyện Đông Anh) mới thuê 4 nhân công để cấy thửa ruộng 3 sào. Chị Lan cho hay, mạ đã gieo đủ ngày từ cách đây cả gần 1 tuần, nhưng do đón mãi không được thợ cấy. Chị phải đợi họ cấy xong cho nhà hàng xóm mới tới lượt đón được, nên mãi tới hôm mới đây mới cấy được xong thửa ruộng.

Chị Lan kể: “Bình thường ở khu vực quanh đây người dân vẫn thuê cấy theo công nhật, nghĩa là nuôi thợ cấy 1 bữa cơm trưa, cùng với mức tiền công trả trung bình khoảng 350.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, cũng có gia đình xông xênh trả công cấy tới 400.000 đồng người/ngày. Một hình thức thuê cấy khác nhưng không phổ biến nhiều, đó là thuê khoán, nghĩa là gia chủ khoán với giá khoảng 500.000 đồng/sào, bao gồm cả nhổ mạ và cấy.

Tại một số quận mới vừa lên đô thị chưa lâu như Nam - Bắc Từ Liêm, Long Biên…, tình trạng khan hiếm thợ cấy thuê khi mùa vụ tới cũng khá phổ biến. Ông Trần Tuấn Thái, năm nay 57 tuổi, nhà ở phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm) hiện còn làm tới 8 sào đất nông nghiệp chuyên cấy lúa cho biết, bình thường do 2 con đi làm công ty, ở nhà chỉ có 2 vợ chồng già nên việc cấy, gặt quanh năm đều phải thuê mướn người làm chứ sức 2 vợ chồng làm không nổi.

Nhiều năm, muốn có thợ cấy, ông Thái phải dặn những người chuyên làm công việc này để họ sắp xếp, bởi lịch cấy thuê của họ luôn kín mít khi mùa gieo cấy tới. Ngay như mùa cấy này, nhà ông Thái cũng phải dặn trước cả tuần rồi sau đó mới thuê được 6 người cấy trong 2 ngày mới xong diện tích 8 sào.

Nhân công cấy thuê khan hiếm và được “săn đón”, vậy nên những người làm công việc theo thời vụ này cũng vì thế mà… có giá! Bình thường như cách đây vài ba năm trở về trước, giá thuê thợ cấy trung bình chỉ từ 200.000 - 250.000 đồng/người/ngày thì bây giờ đã tăng lên hơn gấp rưỡi, thậm chí gần gấp đôi.

Công việc nhọc nhằn

Thực ra chẳng phải cánh thợ cấy tự “đẩy" được giá ngày công, mà bởi "cầu tăng" thì "cung" ắt khan hiếm. Những gia chủ thuê người cấy thuê, ai cũng muốn nhanh cấy xong nên nhiều nhà muốn đón được thợ cấy thuê nhanh chóng và sẵn sàng trả giá cao hơn, vì vậy "thị trường" nhân công cấy thuê cũng luôn cạnh tranh, lên giá từng ngày. Ngoài ra, năm nay xăng dầu tăng giá, cùng vô vàn các loại vật tư, hàng hoá, dịch vụ tăng cao như hiện nay thì việc ngày công cấy thuê của người lao động cao hơn so với trước đây cũng là điều dễ hiểu…

Cấy thuê dù giúp kiếm thêm thu nhập thời vụ nhưng cũng hết sức nhọc nhằn. Ảnh: Trịnh Hiệp.

Cấy thuê dù giúp kiếm thêm thu nhập thời vụ nhưng cũng hết sức nhọc nhằn. Ảnh: Trịnh Hiệp.

Hiện nay, nguồn cung lao động cấy thuê tại Hà Nội mỗi khi tới vụ cấy chủ yếu là phụ nữ từ các tỉnh khác như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình… Thường họ tranh thủ về Hà Nội cấy thuê trong khoảng vài ba tuần, lúc hết mùa cấy mới trở về nhà, và số tiền họ kiếm được cũng kha khá.

Chị Lưu Thị Dần, năm nay 39 tuổi, quê huyện Tam Nông (Phú Thọ), người đã làm công việc cấy thuê tại khu vực huyện Đông Anh từ mấy năm nay kể: Bình thường một mùa cấy, chị làm được khoảng 15 ngày. Với tiền công trung bình khoảng 350.000 đồng/ngày như vụ cấy năm nay, số tiền chị kiếm được cũng khoảng hơn 5 triệu đồng. Nếu cấy cho gia đình nào trả cao hơn, hoặc nhận cấy khoán…, số tiền kiếm được có thể nhiều hơn chút xíu. 

Chị Lê Thu Hạnh, 32 tuổi, quê huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) từng có “thâm niên” 7 năm, tương ứng với 14 vụ cấy thuê tại khu vực một số phường của quận Bắc Từ Liêm cho biết: Gia đình chị cũng làm ruộng, nhưng cứ hễ tới mùa cấy là chị lại để ruộng ở nhà cho mẹ chồng cùng người em làm, còn chị theo mấy chị bạn hàng xóm đi cấy thuê kiếm tiền.

"Đây là công việc thời vụ thôi, nhưng với thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/vụ từ việc cấy thuê cũng giúp gia đình nhiều thứ. Có năm tôi dùng tiền kiếm được mua cây giống để trồng, mua gà giống, lợn giống để nuôi. Cũng có năm số tiền ấy để dành đóng học phí, mua sách bút cho con…”, chị Hạnh tâm sự.

Kiếm được đồng tiền, nhưng đi cấy thuê không hề nhàn hạ khi phải lội bùn, cúi khom lưng suốt cả ngày dưới cái nắng hè như đổ lửa, hay có khi cả dưới mưa, thậm chí họ phải ăn cơm nghỉ qua loa ngay ngoài bờ ruộng, sau đó lại lao động tiếp. Bù lại, với mức thù lao dao động từ 350.000 - 400.000 đồng/ngày như hiện nay, cũng có thể xem là khá. Sự thoải mái nhất của những người làm công việc cấy thuê là họ được nuôi cơm, và cứ hết ngày là được lĩnh tiền, ít phải lo nghĩ gì cả!

Xem thêm
Tái đàn heo theo hướng tập trung và an toàn sinh học

ĐỒNG THÁP Huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đang tập trung phát triển ngành nuôi heo tập trung quy mô trang trại lớn, hướng an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Số người đến tiêm phòng dại tăng gần 1.000 lượt, Vĩnh Long báo động

Tỉnh Vĩnh Long ghi nhận, từ đầu năm đến nay có 8.280 lượt người bị chó, mèo cắn đến tiêm vacxin phòng bệnh dại, tăng 915 lượt so với cùng kỳ năm 2023 (7.365 lượt).

Ứng dụng công nghệ, gọi tôm cá về đồng ruộng

QUẢNG BÌNH Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ giúp giảm chi phí, lợi nhuận tăng cao mà môi trường sinh thái đồng ruộng được phục hồi.