| Hotline: 0983.970.780

Cách nào vực dậy nghề thêu ở xã Thượng Lâm?

Thứ Tư 23/12/2020 , 08:29 (GMT+7)

Đã có một thời sản phẩm thêu tay truyền thống không chỉ xã Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) nổi danh mà còn xã Thượng Lâm (huyện Mỹ Đức) cũng không chịu kém cạnh.

Bởi sự tinh xảo, mềm mại trong từng đường nét của sản phẩm cứ như những bức tranh sống động. Thế nhưng hiện nay, nghề này đang đứng trước nguy cơ mai một. Vừa qua, Thượng Lâm đã tổ chức lễ công bố đạt xã chuẩn nông thôn mới (NTM) với cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm rất khang trang, sạch đẹp, đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của người dân được cải thiện không ngừng. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn luyến tiếc về thủa vàng son nghề thêu của cha ông.  

Ngày ấy, nhà nhà, người người làm thêu. Giai đoạn 1980 – 1990 chính là lúc hưng thịnh nhất của làng nghề khi cả trăm gia đình làm không bao giờ hết việc để đủ hàng xuất khẩu sang khối các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô và Đông Âu cũ. Sau năm 1990, những thị trường xuất khẩu này bị phá vỡ, người dân làm nghề thêu ở Thượng Lam quay lại chủ yếu chỉ phục vụ cho nhu cầu nội địa.

Cơ sở thêu của chị Oanh. Ảnh: Tư liệu.

Cơ sở thêu của chị Oanh. Ảnh: Tư liệu.

Nhờ sự khác biệt nên một số mặt hàng thêu của dân làng từ quần áo đến tranh, mành, trướng...của Thượng Lâm vẫn túc tắc tiêu thụ được. Tuy nhiên, phần lớn cơ sở đang gặp nhiều khó bởi sự ra đời của các mặt hàng thêu vi tính với giá rẻ chỉ bằng ½ thậm chí còn hơn và sự đa dạng về chủng loại đã cạnh tranh mạnh mẽ với các mặt hàng thêu tay truyền thống. Do đó, từ chỗ cả làng, cả xã làm thêu, hiện nay số gia đình còn duy trì nghề ở Thượng Lâm chỉ còn lác đác đến nỗi đếm chưa đủ số ngón của hai bàn tay và cũng chỉ hoạt động cầm chừng để “giữ lửa”.

Về làng giờ đây không còn thấy không khí lúc nào cũng như có hội rất nhộn nhịp khi xưa. Thợ thêu phải bỏ nghề để chuyển sang lĩnh vực khác kiếm sống mà phổ biến nhất là may công nghiệp phát triển với mức lương từ 5-6 triệu đồng/tháng mà lại ổn định. Càng tiếc hơn số nghệ nhân yêu nghề, bám nghề tuổi mỗi lúc một cao, sản phẩm họ làm ra mỗi lúc một khó bán thành ra thu nhập khá bấp bênh.

Cơ sở thêu của gia đình bà Lê Thị Oanh là một trong số ít hộ còn bám trụ với nghề. Bà cho biết thời kỳ những năm đông khách, chạy hàng, có lúc gia đình bà phải huy động tới hàng trăm thợ. Với hơn 40 năm kinh nghiệm, bà Oanh luôn dành trọn tâm huyết cho nghề thêu tay truyền thống. Mở xưởng từ năm 2000, đến nay, xưởng thêu của gia đình bà Oanh vẫn duy trì hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động với mức lương 150.000 đồng/ngày công.

Một tác phẩm của cơ sở Bình Minh. Ảnh: Tư liệu.

Một tác phẩm của cơ sở Bình Minh. Ảnh: Tư liệu.

Mặc dù hàng không bán chạy như trước nhưng nhờ làm ăn uy tín mà sản phẩm thêu của gia đình bà vẫn được nhiều đại lý, cửa hàng tranh ở Hà Nội và một số tỉnh thành khác như Hải Phòng, Hải Dương, Việt Trì, Thanh Hóa... đặt hàng. Theo bà Oanh, hiện nay nhu cầu của khách hàng chủ yếu tập trung ở các nhóm tranh chính: Phong cảnh, hoa lá, chim muông... Giá cả thì cũng tùy loại, tùy kích thước của tranh. Đối với bức hoa lá chim muông, gia đình thêu sẵn hàng trăm bộ vì mặt hàng này có thể bán túc tắc quanh năm. Còn những bức phong cảnh đòi hỏi kỹ thuật thêu tinh xảo, khổ lớn, giá bán cao dành cho những người kỹ tính, có điều kiện thì chỉ khi nào có khách đặt hàng mới nhận làm. 

Cận cảnh tác phẩm của cơ sở Bình Minh. Ảnh: Tư liệu.

Cận cảnh tác phẩm của cơ sở Bình Minh. Ảnh: Tư liệu.

Lớp thợ thêu cùng trang lứa với bà Oanh năm nay đều đã trên dưới 60 tuổi cả rồi dù vẫn còn yêu nghề nhưng vì lý do sức khỏe hoặc bận rộn công việc gia đình nên không thể làm được nữa. Còn lớp thanh niên trẻ có nhà thiết kế Lý Nguyễn-một người con của làng thêu Thượng Lâm. Ngay từ nhỏ, chị đã được học nghề từ các nghệ nhân.

Lớn lên, chị vào đại học Kiến Trúc Hà Nội sau đó là thạc sĩ Mỹ Thuật Công nghiệp. Một lần tình cờ có khách hàng đã đặt chị làm một tấm rèm thêu hoa sen nhưng phải sao hài hòa và mang tính truyền thống mà rèm thêu máy không thể có được. Vậy là chị nghĩ đến nghề thêu tay của người làng mình. Chị thiết kế bản vẽ, lên màu sắc cho các chi tiết rồi vẽ, săm, soạn chỉ…cuối cùng đưa cho các nghệ nhân Thượng Lâm và có được một bức tranh hoa sen ngay trên tấm rèm treo khiến cho khách phải nắc nỏm khen. Kể từ đó, Lý Nguyễn đi một con đường riêng là các sản phẩm rèm nghệ thuật, rèm vải thêu cao cấp mang tên Bình Minh được nhiều khách hàng đặt.

Từ câu chuyện của hai lớp người bám nghề, một già, một trẻ đã đặt ra bài toán cho Thượng Lâm phải giải trong quá trình xây dựng nông thôn mới phải làm sao có những chính sách quan tâm, tạo điều kiện cho khôi phục những giá trị từ nghề cổ truyền, tạo công ăn việc làm cho người dân.            

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.