| Hotline: 0983.970.780

CẢI CÁCH & PHÁT TRIỂN

Cải cách thủ tục hành chính: Không để 'trì trệ, chậm trễ'

Thứ Tư 13/09/2023 , 09:45 (GMT+7)

Ngày 12/9, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai kết quả Phiên họp thứ nhất Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ. 

Nâng cao hiệu quả quản lý nhờ cắt giảm thủ tục hành chính

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 932/QĐ-TTg ngày 6/8/2023 thành lập Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), với 15 thành viên là lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, NN-PTNT, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội và Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng.  

Tại Phiên họp thứ nhất ngày 8/9 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ gồm sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, TTHC, giấy tờ công dân, phân cấp TTHC đã được phê duyệt; tăng cường hiệu quả phản ứng chính sách của bộ, ngành, địa phương; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị triển khai kết quả Phiên họp thứ nhất Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/9. Ảnh: Linh Linh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị triển khai kết quả Phiên họp thứ nhất Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/9. Ảnh: Linh Linh.

Chủ trì Hội nghị triển khai kết quả Phiên họp thứ nhất, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết có 7 nhóm nhiệm vụ chung trong triển khai cải cách TTHC. Qua quá trình thực thi cho thấy việc cắt giảm TTHC, việc thực hiện đồng bộ CCHC là yếu tố rất quan trọng để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội. 

Để thực hiện đồng bộ và hiệu quả công tác này, Thứ trưởng đề nghị Văn phòng Bộ nghiên cứu phương án thành lập các tổ, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, giữa các Bộ và giữa các Cục.  Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, việc cắt giảm TTHC sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý. Với thực hiện cải cách TTHC một cửa, Thứ trưởng nhấn mạnh sự phối hợp giữa bộ phận một cửa và các đầu mối văn phòng trên quan điểm xuyên suốt "không để trì trệ, chậm trễ", đảm bảo sự hài lòng của xã hội. 

Nhận thức công tác cải cách TTHC gắn liền với chuyển đổi số và cổng thông tin điện tử, ông Nguyễn Quốc Toản Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp thông tin, Trung tâm là đầu mối để vận hành hệ thống kỹ thuật, hệ thống một cửa Quốc gia và dịch vụ công. Ông Toản cho biết, cổng thông tin điện tử của Bộ sẽ được nâng cấp để sử dụng trong thời gian sớm nhất với kỳ vọng tích hợp kỹ thuật tiên tiến nhằm cung cấp dịch vụ và sự kết nối thông tin tốt nhất đến với người dân và doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết cải cách TTHC có mối liên hệ gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số. Ảnh: Linh Linh. 

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết cải cách TTHC có mối liên hệ gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số. Ảnh: Linh Linh. 

Tại hội nghị, ông Lê Văn Thành, Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT thông tin về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Phiên họp thứ nhất vừa qua. Trong đó, nêu một số tồn tại, hạn chế cản trở cải cách và cắt giảm TTHC như một số cơ quan, đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chặt chẽ, kịp thời; còn tình trạng níu kéo, lợi ích cục bộ của ngành, lĩnh vực, thiếu phân cấp, phân quyền.

Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải thay đổi tư duy, cách làm và phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung cải cách quy trình, thủ tục hành chính nội bộ để khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Cắt giảm thực chất các thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, đáp ứng hai yêu cầu về công tác quản lý và tạo sự thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp. Phân cấp mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục hành chính từ trung ương cho địa phương và trong nội bộ từng bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương. Bộ, ngành cần tập trung vào khâu hoạch định chính sách, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, tập trung triển khai quyết liệt, có kết quả, sản phẩm cụ thể đối với các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 ban hành kèm theo Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 6/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên tinh thần tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng tại Phiên họp, Thứ trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh với trưởng đơn vị, các Cục, Vụ, công tác cải cách TTHC, chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0 phải chính xác. Việc cải cách, cắt giảm cần tinh gọn, chuẩn chỉnh song vẫn phải đảm bảo duy trì được sự phát triển.

Hoàn thành đơn giản hóa ít nhất 50% TTHC nội bộ

Bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên cần tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch và yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, có thời hạn cụ thể trong 4 tháng cuối năm, để làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ cuối năm.

Thực hiện nghiêm các quy định về số hóa hồ sơ, tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ TTHC theo quy định. Ảnh: TL.

Thực hiện nghiêm các quy định về số hóa hồ sơ, tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ TTHC theo quy định. Ảnh: TL.

Thứ nhất, Bộ sẽ rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, để cắt giảm các thông tin phải khai báo khi thực hiện Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với các phương án vượt quá thẩm quyền; bảo đảm cắt giảm ít nhất 20% thông tin phải khai báo thời hạn trong tháng 9 năm 2023.

Thứ hai, thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, phân cấp TTHC. Thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 102 quy định tại 17 văn bản quy phạm pháp luật tại các Cục Thủy sản, Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt. Xây dựng phương án phân cấp giải quyết 6 TTHC, nhóm TTHC tại 6 văn bản quy phậm pháp luật tại các Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường.

Thứ ba, tiến hành rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đơn giản hóa 1 nhóm quy định, TTHC liên quan đến khảo nghiệm, sản xuất kinh doanh phân bón. Trong đó, yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật thực hiện rà soát và hoàn thành trong tháng 9.

Thứ tư, Bộ sẽ rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ theo Quyết định 1085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành ít nhất 50% TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý, đề xuất phương án đơn giản hóa tối thiểu 20% TTHC, cắt giảm 20% chi phí tuân thủ TTHC thời hạn tháng 12/2023.

Thứ năm, tiếp tục xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên hiệu quả, Văn phòng Bộ đề nghị các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách TTHC đảm bảo quy định đầy đủ các TTHC cần thiết cho hoạt động quản lý, đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp của cá nhân, tổ chức, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ trong quá trình góp ý, thẩm định, kiểm soát việc quy định TTHC trong dự án, dự thảo.

Thực hiện nghiêm các quy định về số hóa hồ sơ, tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả hồ sơ TTHC theo quy định, đảm bảo việc tiếp nhận, xử lý và công khai kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Văn phòng Bộ cũng kiến nghị Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp rà soát lại Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ đảm bảo đáp ứng yêu cầu theo quy định pháp luật, đảm bảo phần mềm giải quyết 21 Dịch vụ công trực tuyến trình chạy thông suốt 24/24h, thanh toán trực tuyến, số hóa 100% các hồ sơ giải quyết trên Hệ thống.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.