Cải thiện thu nhập của người dân vùng cao
Gia đình ông Châu Văn Phúc, người dân tộc Giáy ở thôn Đá Đinh 2, xã Tả Phời (TP Lào Cai) sinh sống phụ thuộc vào mấy sào ruộng nước nhưng cũng chỉ đủ ăn do thời tiết thất thường, sản lượng không ổn định. Từ khi chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản cho thấy hiệu quả cao hơn hẳn.
Ông Phúc cho biết, năm 2010, gia đình tôi chuyển đổi 0,5ha sang đào ảo thả cá cho thấy hiệu quả hơn trồng lúa nhưng lại gặp khó đầu ra. Vì vậy, tôi vào tổ hợp tác chăn nuôi của thôn thì mọi thứ ổn định hơn rất nhiều. Sản phẩm làm ra có người về làm việc với tổ hợp tác thu mua tại nhà, ký hợp đồng bao tiêu với số lượng lớn, giá cả ổn định.
Ngoài ra, tổ hợp tác đứng ra ký hợp đồng mua thức ăn chăn nuôi nên người dân được hưởng giá hời hơn đi mua lẻ hoặc có thể trả chậm. Từ khi mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi cá, nuôi lợn gia đình ông có thu nhập trên 200 triệu mỗi năm.
Theo ông Trần Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Tả Phời (TP Lào Cai), trên địa bàn xã có hàng chục tổ hợp tác. Các hộ cùng chăn nuôi, cùng sản xuất do vậy từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai lấy làm thì đến nay bà con đã từng bước chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa. Giá trị sản phẩm tăng lên, đầu ra ổn định hơn trước. Tổ hợp tác cũng góp phần hỗ trợ những người khó khăn khi mới bắt đầu tham gia nên bà con có điều kiện phát triển, mở rộng sản xuất.
Tại xã Bản Liền (huyện Bắc Hà, Lào Cai), gia đình ông Lâm A Tướng trước đây làm nương rãy nên thu nhập eo hẹp. Song cho đến nay, ông đã cùng bà con tham gia vào hợp tác xã để sản xuất chè. Khi được hỗ trợ về giống, kỹ thuật canh tác nên năng suất, sản lượng cao trong khi đầu ra ổn định.
Xã Bản Liền hiện đã có hàng trăm người tham gia vào hợp tác xã để gia tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Ông Phạm Quang Thuận, Giám đốc Hợp tác xã chè Bản Liền cho hay, hợp tác xã hiện có trên 300 xã viên tham gia trồng và chăm sóc chè. Sản phẩm khép kín từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến. Vì vậy, sản phẩm tạo được niềm tin với khách hàng nên giá cả ổn định, bà con xã viên yên tâm sản xuất.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Cuối tháng 11/2022, tỉnh Lào Cai hiện có tới 465 hợp tác xã với 7.200 thành viên, tăng 14% so với cùng kỳ. Số lao động thường xuyên trong hợp tác xã ước đạt khoảng 9.000 người.
Ngoài ra, về tổ hợp tác, tỉnh này cũng có đến 7.654 tổ hợp tác với 114.810 thành viên.
Các hình thức kinh tế tập thể nông nghiệp chiếm chủ yếu đã và đang tiếp tục phát triển đa dạng về số lượng và chất lượng. Qua đó, thể hiện rõ vai trò quan trọng trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Mặt khác, khu vực kinh tế tập thể cũng là nhân tố quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân (trang trại) và thúc đẩy hình thành các liên kết, chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất nông nghiệp và cung cấp dịch vụ thiết yếu.
Tính đến hết năm 2022, doanh thu bình quân của hợp tác xã ước đạt 1.283 triệu đồng/năm, tăng 5% so với cùng kỳ. Lãi bình quân của hợp tác xã ước đạt 148 triệu đồng/năm, tăng 5% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong các hợp tác xã ước đạt 50 triệu đồng/năm, tăng 4,2% so với cùng kỳ.
Với vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế địa phương, năm 2023, tỉnh Lào Cai đặt ra mục tiêu tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể hiện có; phát triển mới các tổ chức kinh tế tập thể, tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho các thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai.