Về xã biên giới Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước vào mỗi dịp hè, lại thấy một lớp học khá đặc biệt: Học sinh đủ lứa tuổi, đứa cao nghều, đứa bé tẹo, quần áo xanh đỏ đủ màu, đứa tươm tất, đứa nhem nhuốc…, còn giáo viên là "bông hoa" 9x xinh đẹp, khát khao cháy bỏng giúp trẻ em nghèo có thật nhiều con chữ.
Những cô giáo đa năng
Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi về xã biên giới Hưng Phước trong cơn mưa tầm tã. Con đường ướt nhẹp vẫn không ngăn được những bàn chân nhỏ xíu đến lớp học tình thương của 2 cô giáo Lành, cô Hiền. Từ nhiều ngả đường, các em nhỏ được cha hoặc mẹ, trong trang phục còn lấm lem đất cát, đưa các em tới lớp. Những đứa trẻ lớn hơn thì tự đến lớp. Chúng đội mưa chạy ào vào phòng học, mang theo những giọt nước mưa vương trên mái tóc cháy nắng.
Lớp học hè miễn phí của 2 cô giáo trẻ Hiền - Lành |
Hơn 4 giờ chiều, lớp học đã có hơn 30 em học sinh, tiếng nói cười rộn rã cả một góc điểm trường tiểu học Hưng Phước. Khi ánh nắng bên ngoài tắt hẳn, cũng là lúc cô giáo Đặng Thị Mỹ Lành bước lên phía bảng đen, giơ tay ra hiệu, tức thì tiếng cười đùa chấm dứt, các em học sinh trật tự về chỗ ngồi, khoanh tay trên bàn. Lớp học bắt đầu. Hai cô giáo là cặp chị em sinh đôi họ Đặng sinh năm 1993: Mỹ Lành, Bí thư Đoàn xã Hưng Phước, và Mỹ Hiền, giáo viên môn tiếng Anh, trường tiểu học Thiện Hưng, huyện Bù Đốp.
Đứng bên ngoài cửa sổ quan sát, ký ức tuổi thơ từ mấy mươi năm trước bỗng ùa về. Lớp học này, không giống những lớp học bình thường khác. Các em say sưa học, chẳng để ý đến người lạ đang đứng nhìn. Em thì cắm cúi viết, em lại ê a đọc bài tiếng Việt, có em ngọng nghịu tiếng Anh… Còn 2 cô giáo di chuyển trong lớp như con thoi, bởi chút xíu lại có em giơ tay “cầu cứu”.
Sau 45 phút học, những đứa trẻ reo lên khi nghe cô giáo bảo giải lao 15 phút. Lúc này, 2 cô giáo lại làm công việc cuả người giữ trẻ, khi liên tục nhắc nhở tụi nhỏ chơi cẩn thận. “Tụi nhỏ nghịch lắm, phải nhắc nhở liên tục, nếu không, lỡ có chuyện gì thì mệt. Nên giờ giải lao có khi mệt hơn lúc dạy”, cô giáo Mỹ Lành “thanh minh” với tôi trong tiếng ồn ào.
“Lớp học toàn con em đồng bào dân tộc thiểu số, dạy các em có khó hơn các lớp học bình thường không?’, tôi hỏi. “Các em trong lớp đều là con em đồng bào S’tiêng, nhiều em còn chưa giỏi tiếng Việt bằng tiếng S’tiêng, thêm nữa, anh thấy đó, lớp học đủ lứa tuổi, có em mới 6 tuổi, có em đã 15. Cấp học thì từ lớp 1 đến lớp 6, nên từ việc dạy đến quản các em chơi đều mệt hơn. Cũng may là hầu hết các em sau khi tham gia lớp học thì đều thích, đến lớp đều chứ không bỏ trừ khi gia đình có việc”, Bí thư đoàn Mỹ Lành đáp.
Chia sẻ về những khó khăn ở lớp học “thập cẩm” này, cô giáo Mỹ Hiền nói: “Đa số cha mẹ các em đều là lao động phổ thông, đi làm suốt ngày, không có điều kiện chăm sóc, chưa chú trọng đến chuyện học hành của con cái. Nên ngoài việc dạy các em, còn phải làm công tác tư tưởng cho phụ huynh. Nhiều cha mẹ tâm sự với tụi em, muốn học phải no cái bụng trước đã. Nhưng khi nghe phân tích thì họ hiểu ngay. Còn ở lớp, công việc của tụi em nhiều hơn giáo viên bình thường. Vì cấp học khác nhau, nên không chỉ có 1 giáo án chung, mà phải chuẩn bị nhiều nội dung dạy riêng cho từng nhóm cấp học. Mừng nhất là các em chịu khó, đến lớp học nghiêm túc, không quậy phá”.
Cặp chị em sinh đôi, cô giáo Mỹ Hiền - Mỹ Lành không chỉ rất xinh đẹp và còn có tấm lòng nhân hậu, ước mơ giúp trẻ em nghèo có thật nhiều kiến thức |
“Lúc học cũng như lúc giải lao, thấy các em hay “nhõng nhẽo” với cô, có vẻ các em quý 2 cô giáo lắm?”, tôi cười, hỏi, nhưng cả 2 cô gái trẻ không trả lời, chỉ cười bẽn lẽn.
Tuổi nhỏ, ước mong lớn
Tiếp xúc với các em ở lớp học tình thương miễn phí Hưng Phước, tôi thấy các em không chỉ rất chịu khó học mà còn háo hức đến lớp nữa. Trò chyện với tôi, em Điểu Thị Kim Sang, học sinh lớp 6 trường THCS Hưng Phước cho biết, cha mẹ em đi làm thuê, ngày nào cũng tối mịt mới về. Chẳng mấy khi có thời gian quan tâm chuyện học hành của em. “Em có muốn học thật giỏi không?”, tôi hỏi. “Dạ có”, Kim Sang đáp gọn lỏn. “Em có thích học ở đây không?”. “Dạ có”. “Mai mốt lớn lên em muốn làm gì?”. Kim Sang ngập ngừng khá lâu, rồi bất chợt em bảo: “Muốn làm cô giáo như cô Lành”.
Mỹ Lành cho biết, Kim Sang là một cô bé ngoan và rất chịu khó học. Nhà xa, Sang phải tự đạp chiếc xe cà tàng đến lớp, nhưng hôm nào cũng vậy, bất kể trời nắng hay mưa, Sang đến lớp rất sớm. Không nghỉ học buổi nào. “Kim Sang yếu cả 2 môn Toán và Tiếng Việt, đến đây Sang chịu khó học nên tiến bộ lắm. Sau mỗi buổi học, được các cô chú nhận xét tốt nên Sang càng hứng thú hơn”, Mỹ Lành cho biết.
Còn cô bé 9 tuổi Điểu Thị Phương thì nói rất “người lớn”: “Cứ mỗi lần vào năm học mới, là thấy các bạn trong lớp học rất nhanh còn con thì luôn theo sau các bạn. Năm nay, được học thêm cô Hiền, chắc chắn năm học mới con sẽ không thua các bạn. Học ở đây không phải đóng tiền nên ba mẹ thích, con cũng thích. Các cô chú ở đây thương con lắm. Các bạn cũng chơi vui nữa. Chứ ở nhà không được học, lại chẳng có gì chơi, chán lắm”.
|
Những hình ảnh xúc động về lớp học hè miễn phí của 2 cô giáo Lành - Hiền |
Mỹ Lành tâm sự, chứng kiến học trò nghèo vùng biên, chỉ vì cha mẹ nghèo mà con cái nhiều em phải bỏ học giữa chừng, tội lắm. Nghĩ phải làm gì đó giúp các em có tương lai sáng sủa hơn cha mẹ. Sau khi bàn bạc và xin ý kiến chính quyền xã, huyện, lớp học hè miễn phí ra đời với sự trợ giúp của các bạn đoàn viên thanh niên xã Hưng Phước và chiến sỹ đại đội bộ binh 10, huyện đội Bù Đốp.
Cô giáo Mỹ Hiền cho biết, mặc dù hiện nay nhận thức của đồng bào đã tiến bộ nhiều, việc vận động đưa con em đến trường cũng không quá khó khăn. Nhưng cái khó là điều kiện vật chất hạn chế, nhiều em còn thiếu sách vở khi đến lớp.
“Để các em có điều kiện học tập, đoàn thanh niên xã đã vận động hỗ trợ cuốn tập. Những em chưa có sách thì có thể mượn bạn hoặc xin từ những anh chị học trước. Hiện nay đa số các em đã có đủ sách vở đến lớp. Ngoài ra, còn cái khó nữa là lớp học chung nhiều độ tuổi, kiến thức, nên phải điều chỉnh phương pháp dạy sao cho phù hợp với từng độ tuổi, chứ không gò bó theo một chương trình nhất định”, cô giáo Mỹ Hiền nói.
Hơn 20 giờ, lớp học mới tan. Cả 40 cô trò đều có vẻ thấm mệt. Bầu trời ở xã nghèo vùng biên giới không có điện chiếu sáng công cộng, nhưng tiếng nói cười rộn rã và nụ cười của 2 cô giáo khiến một góc quê nghèo như sáng hơn.
“Việc tổ chức lớp học hè này ngoài bổ sung kiến thức cho các em, còn giữ chân học trò, không để các em theo cha mẹ vào nương rẫy hoặc đi chơi rồi quên kiến thức, chán học. Tụi em ước gì các em học sinh nghèo, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số, không có em nào phải thất học. Và sau này, khi trưởng thành, các em đủ kiến thức để giúp cha mẹ thoát nghèo”, cô Đặng Thị Mỹ Lành, Bí thư Đoàn xã Hưng Phước, nói. |