| Hotline: 0983.970.780

Cảm hứng từ những chuyến đi

Thứ Tư 11/07/2018 , 14:30 (GMT+7)

Những chuyến đi dạy, đi biểu diễn trong tỉnh, trong nước đã tạo cho Nghệ nhân dân gian Rơ Châm H’Mút nhiều kỷ niệm, nhiều cảm hứng để khi trở về làng, ông không ngừng sáng tạo, không ngừng “tiếp lửa” cho thế hệ sau...

"Đi là để học"

Không chỉ khơi dậy niềm đam mê cho thế hệ con cháu trong làng, Nghệ nhân dân gian Rơ Châm H’Mút còn góp phần đưa nghệ thuật cồng chiêng nói riêng, văn hóa Tây Nguyên nói chung đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Với ông, mỗi chuyến đi là để học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ. Mỗi một chuyến đi cũng mang đến cho ông rất nhiều kỷ niệm đẹp. 

Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút tranh thủ thời gian rảnh làm chuông gió cho khách hàng

Lần đầu tiên xa làng dài ngày để đặt chân đến Thủ đô Hà Nội, đó là lần ông cùng các đoàn nghệ nhân Tây Nguyên đi biểu diễn cồng chiêng để sau đó, UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại“ (ngày 15/11/2005). Ông nói: 

- Biết sắp được đi Hà Nội biểu diễn cồng chiêng, tôi và cả đội “mất ăn mất ngủ” cả tháng. Phần vì mừng vui và hồi hộp, phần nữa là tập trung đầu tư tập luyện để chuẩn bị cho chuyến đi. 

Ông kể, lần đầu ra Hà Nội, ông thấy cái gì cũng mới, cái gì cũng lạ. Ông cùng tất cả những người con Tây Nguyên khác đã xúc động đến rơi nước mắt khi được vào Lăng thăm Bok Hồ, rồi còn được đi thăm thú nhiều nơi khác. Nhưng vui nhất, vẫn là việc biểu diễn cồng chiêng thành công ngoài mong đợi để sau đó, cồng chiêng Tây Nguyên được cả nhân loại tôn vinh. 

Lần đến Hà Nội sau đó, ông đi theo lời mời của Nhạc viện Hà Nội. Mục đích chuyến đi lần này là để chỉnh lại những bộ chiêng đã bị lệch âm ở đây. Ngoài chỉnh chiêng thì chuyến đi này, ông còn có mười ngày để dạy cho các cháu là sinh viên ở đây đánh chiêng, múa xoang. Ở chuyến đi này, chính tài nghệ và sự nhiệt tâm của ông đã truyền đến cho các bạn sinh viên ngọn lửa đam mê, cho các em hiểu thêm rất nhiều về di sản quý báu đã được thế giới  công nhận.

Được mua vé máy bay cho cả đi và về, được ăn nghỉ ở khách sạn, được đi du lịch, lại còn được “cho” mười triệu đồng mang về nữa- H’Mút khoe. Nhưng vui nhất vẫn là chỉnh được những chiếc chiêng đã bị lệch âm, được giới thiệu cho các cháu ngoài đó biết thêm về văn hóa Tây Nguyên mình...

Ngay cả những chuyến đi gần như vào cuối năm 2007, nhân dịp Viện Văn hóa- Thông tin tổ chức cuộc “Gặp gỡ nghệ nhân chỉnh chiêng các tỉnh Tây Nguyên lần thức nhất” tại Gia Lai, ông cũng học hỏi được rất nhiều điều mới lạ. Ông nói:

Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút tâm sự: “Tôi sẵn sàng bỏ thời gian để truyền dạy lại cho các cháu. Chỉ tiếc rằng mình không có tiền để mở rộng cơ sở, để mua sắm những vật dụng cần thiết khác phục vụ việc dạy cho các cháu”.

Cứ nghĩ là mình chỉnh chiêng đã giỏi rồi, nhưng qua cuộc gặp gỡ lần này, thấy mình cần phải học hỏi thêm nhiều lắm. Các nghệ nhân ở các tỉnh bạn, mỗi người đều có một kinh nghiệm riêng để thẩm âm, để chỉnh chiêng.

Tiếp đó là những chuyến đi biểu diễn ở TP.Hồ Chí Minh, ở các tỉnh, thành khác trong nước... Cứ mỗi chuyến đi như vậy lại mang đến cho H’Mút nhiều cái hay, cái mới để sau đó, ông đưa những kiến thức đã học được về làng, truyền lại cho con cháu.
 

“Homestay... làng”

Ngôi nhà sàn bằng gỗ của Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút, nhìn chung cũng như bao ngôi nhà sàn truyền thống khác của người J’rai. Có cái khác là sàn phía trước rộng hơn những ngôi nhà bình thường và có mái che. Ở đây, ông kê một bộ sa-lon bằng gỗ, một số ghế dài cũng bằng gỗ kê ở phía đối diện nơi treo, đặt gần mười loại nhạc cụ. Ông giải thích:

Đánh chiêng và múa xoang thì cần không gian rộng dưới sân, còn dạy các cháu đánh đàn thì thế này là vừa, để cho ấm cúng và dễ tập trung. 

Tại cái sàn này, bất cứ lúc nào rảnh rỗi hoặc lũ trẻ yêu cầu, ông đều sẵn sàng chỉ dạy chi ly từ tư thế đứng, cách so dây, đánh đàn... Có không ít thế hệ học trò của ông đã trưởng thành ngay từ cái sàn này. Cũng tại đây, có hôm ông tiếp những đoàn khách du lịch, trong nước có, người nước ngoài cũng có, đến để được xem ông biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc, xem ông dạy đàn cho lũ trai làng gái bản. 

Vườn rộng, vợ chồng H’Mút nuôi hơn mười con heo (giống heo đồng bào), gà, vịt, ngan thì rất nhiều. Ông cho biết, có nhiều khách du lịch đến đây thấy thích, họ theo vợ chồng ông ra vườn làm cà phê, ra ruộng làm lúa. Đói thì nấu mỳ gói với trứng gà sẵn có trong nhà. Thích uống rượu ghè thì sẵn rượu, sẵn gà, sẵn heo quay... Nhiều hôm, khách phương xa còn được chếnh choáng trong men rượu cần, ngất ngây với tiếng đàn T’rưng, đàn Krong Pút, la đà với những đôi chân trần của các thiếu nữ J’rai mở những vòng xoang đến vô tận... 

Từ làng Mrông Jố vào đến Nhà máy thủy điện Ia Ly khoảng mười cây số. Nhiều đoàn khách đi tham quan thủy điện, nghe giới thiệu cũng tranh thủ ghé vào làng. Có nhiều người thấy thích, xin ở lại đêm trong làng, say rượu thì lăn ra sàn ngủ, cứ như... người J’rai thực thụ. 

“Khách đến ăn nghỉ ở đây, họ có đưa tiền cho mình không?”, tôi hỏi.

“Có chứ. Nhưng tôi chỉ cầm cho họ vui thôi, tôi có làm kinh doanh đâu”, H’Mút trả lời.

Tôi đoán chắc một điều rằng, H’Mút- cũng như dân làng Mrông Jố, chưa một ai có khái niệm về “Homestay”. Nhưng họ vẫn đang làm đấy thôi, làm một cách vô tư, không cầu lợi. Chính những người như già làng Rơ Châm Nhà, như Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút, như bao trai làng gái bản ở Mrông Jố này, đã góp phần gìn giữ, góp phần truyền bá nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến với cộng đồng, đến với du khách gần xa...

Bao ngàn đời nay, cồng chiêng gắn với Tây Nguyên như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu như tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng: Từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới xin, lễ tiễn đưa người chết, lễ đâm trâu trong ngày bỏ mả... cho đến lễ cúng máng nước, mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho, lễ mừng nhà rông mới...

Có giả thuyết cho rằng văn hóa cồng chiêng bắt nguồn từ văn minh Đông Sơn, là nền văn hóa đồng thau xuất hiện tại Đông Nam Á. Cồng chiêng của Việt Nam rất đặc trưng so với cồng chiêng ở những khu vực khác do tính cộng đồng rất cao. Điều này thể hiện ở việc mỗi nhạc công đánh một chiếc. Từng thành viên trong dàn nhạc nhớ rõ từng tiết tấu của từng bài chiêng trong mỗi nghi lễ và kết hợp hài hòa với các nhạc công khác cùng chơi.

Tùy theo từng nhóm dân tộc, cồng chiêng được đánh bằng dùi hoặc bằng tay; mỗi dàn cồng chiêng có khoảng từ 2 đến 13 chiếc có đường kính dao động từ 25 đến 120 cm.

Các quá trình chuyển biến về kinh tế, xã hội và tín ngưỡng đã và đang làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của các cộng đồng nơi đây. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ mai một rất lớn.

Việc gìn giữ và chuyển giao các tri thức và bí quyết về cồng chiêng lại cho thế hệ tương lai gặp rất nhiều khó khăn. Phần vì nhiều nghệ nhân nắm giữ bí quyết qua đời, nhiều người không còn biết hết các nghi lễ truyền thống, thế hệ trẻ ít hoặc không quan tâm đến cồng chiêng do sức hút mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại và văn hóa du nhập. Ở nhiều nơi, cồng chiêng bị tước khỏi ý nghĩa nguyên bản và không gian văn hóa linh thiêng. Cồng chiêng trở thành những vật buôn bán trao đổi, tái chế phục vụ cho các mục đích khác. (Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch)

Hiện nay, mặc dù bị tác động của nhiều yếu tố khách quan nhưng những ngôi làng theo mô hình truyền thống của các dân tộc bản địa vẫn còn tồn tại ở Tây Nguyên. Làng không chỉ phục vụ cho nhu cầu cư trú mà còn chứa đựng trong nó hệ thống kinh nghiệm, nhận thức, quan niệm, tâm linh, và văn hóa.

Đến với Tây Nguyên, những ngôi làng của dân tộc bản địa sẽ là điểm dừng chân của du khách tìm hiểu trải nghiệm, làm giàu thêm sự hiểu biết văn hóa của người Jrai, người Êđê, người Mông hay người S’đăng… và tham gia chăn nuôi, lên rẫy thu hái nông sản, vào vườn hái rau hay ở nhà dệt thổ cẩm, tìm hiểu những thói quen, phong tục hay nội trợ, đêm xuống cùng người dân uống rượu cần, say mê với âm thanh mời gọi của cồng chiêng trong lễ kết nghĩa, đeo vòng, chúc sức khỏe trong ngôi nhà rông hay nhà sàn mẫu hệ. (Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch)

 

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm