Cần hài hòa lợi ích
Chị Lê Thị Vân ở thôn Sông Búng, xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) cho biết, gia đình chị đã 2 đời gắn bó với cây mía, đến nay thâm niên trong nghề đã gần 30 năm. Trước đây, diện tích mía của gia đình gần 10ha và có ký hợp đồng liên kết với nhà máy đường để tiêu thụ sản phẩm.
Cũng như nhiều bà con nông dân trồng mía, chị Vân thừa nhận rằng, thời gian qua, cây mía tại Khánh Hòa là cây trồng có sự liên kết khá tốt đối với ngành sản xuất mía đường. Các hộ nông dân đã được 2 nhà máy đường trên địa bàn ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên không có tình trạng ứ đọng mía xảy ra, trừ trường hợp bất khả kháng.
Tuy nhiên vài năm gần đây, do thu nhập từ cây trồng này không đảm bảo cuộc sống của gia đình nên nhiều nông dân đã quay lưng với cây mía, chuyển dần sang cây trồng khác.
Như gia đình chị Vân đã chuyển hầu hết diện tích mía sang trồng keo và mì (sắn). Hiện gia đình chị chỉ còn 1ha gần suối chủ động được nước tưới nên mới giữ lại trồng mía. Điều đáng nói, 2 vụ mía gần đây, chị cũng bỏ liên kết với nhà máy đường vì thấy lợi ích chưa thỏa đáng. Hiện nay, vào vụ thu hoạch, chị bán mía tự do cho nhà máy đường và được thu mua với giá cao hơn.
“Qua thông tin tôi nắm bắt được, với giá mía trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay được các nhà máy đường thu mua 1.130.000 đồng/tấn thì vẫn thấp hơn so với các địa phương khác. Do đó, để nông dân yên tâm trồng mía, đồng hành lâu dài với nhà máy đường, chúng tôi mong các công ty mía đường cần cân đối, thu mua mía với giá cao hơn và chữ đường ổn định. Khi đó, chúng tôi sẽ tập trung đầu tư, chăm sóc mía để đạt năng suất, sản lượng đáp ứng nguyên liệu cho nhà máy”, chị Vân bày tỏ.
Thực tế, 2 - 3 năm trở lại đây, nông dân xã Ninh Tây đã bỏ mía rất nhiều, chuyển sang trồng keo và mì. Hơn nữa, hiện trên địa bàn xã có 2 nhà máy thu mua keo. Thời gian qua giá keo được thu mua cao, ổn định nên đảm bảo lợi nhuận hơn mía.
Tương tự, ông Nguyễn Bá Thuật ở xã Ninh Thượng (thị xã Ninh Hòa) cho biết, gia đình có 3ha mía, hiện nay đã chuyển 1ha trồng mì. Ông tính toán vụ này, giữa cây mía và cây mì thì trồng mì hiệu quả hơn. Những năm gần đây, trên địa bàn xã cũng bỏ mía rất nhiều để trồng cây khác. Vì vậy, để vực dậy cây mía, ông mong các nhà máy đường quan tâm hơn nữa đến nông dân trong việc hỗ trợ đầu tư cho cây mía. Nếu nhà máy đường không có chính sách hiệu quả thì dần người dân sẽ không còn mặn mà với cây mía.
Phải chủ động "giải khát" cho cây mía
Theo ông Sử Hồng Quốc Tịnh, Chủ tịch UBND xã Ninh Tây, hiện nay bà con trên địa bàn xã rất tâm huyết với cây mía nhưng hầu hết diện tích mía trên địa bàn không chủ động được nước tưới nên năng suất mía không ổn định.
Trước đây, nhà nước và các nhà máy đường có chính sách hỗ trợ đào ao chứa nước và khoan giếng để lấy nước tưới mía nhưng không mấy khả quan vì đất ở địa phương toàn đá, và khoan giếng thì phải có điện kéo vào mới thực hiện được.
Cũng theo ông Tịnh, thực tế khi đào ao tích nước vào mùa mưa thì có nước nhưng vào mùa khô thì cạn kiệt, kể cả giếng khoan. Trong khi vào mùa khô mía lại cần nước nhưng không đủ để đáp ứng. Vì vậy phương án đào ao chứa nước để tưới cho mía cũng không mang lại hiệu quả. Ông cho rằng, chỉ có đầu tư các hồ chứa nước lớn thì mới đảm bảo diện tích mía được tưới chủ động, thường xuyên. Khi đó, chắc chắn năng suất mía trên địa bàn xã sẽ tăng cao.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, để vực dậy cây mía trên địa bàn, UBND thị xã Ninh Hòa sẽ tiếp tục tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng.
Cùng với đó, tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ cho việc sản xuất, nhất là việc hoàn thành, đi vào vận hành các công trình thủy lợi như hồ chứa nước Sông Chò 1, hồ chứa nước Chà Rang, hồ chứa nước Sông Búng.
Cơ giới hóa đồng bộ là yêu cầu sống còn
Ông Võ Ngọc Phi Vũ, Chủ tịch UBND xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa) thì cho rằng, các nhà máy đường cần phải có kế hoạch, giải pháp và cùng chia sẻ với nông dân để kéo giảm chi phí đầu tư trồng mía. Cùng với đó, có nguồn vốn hỗ trợ cho người dân đầu tư trồng mía không lấy lãi cũng như có những chính sách hỗ trợ, đầu tư hiệu quả, thiết thực và có lợi nhiều hơn cho các hộ trồng mía.
Bên cạnh đó, trang bị hệ thống máy móc phục vụ trồng, chăm sóc và thu hoạch cây mía theo hướng hiện đại để giảm dần sử dụng lao động thủ công. Ngoài ra, chuyển giao cho các hộ trồng mía các giống mới có năng suất, chữ đường cao và kháng được sâu bệnh.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, các doanh nghiệp mía đường trên địa bàn nên có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư thiết thực, hấp dẫn hơn nữa cho người trồng mía như bảo hiểm chữ đường; hỗ trợ bốc xếp, vận chuyển; ưu đãi đầu tư; cam kết tiêu thụ sản phẩm 100%... để người dân yên tâm sản xuất. Song song đó, triển khai các mô hình sản xuất mía tiên tiến, áp dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất để giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế.
Ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, để phát triển hiệu quả, bền vững cây mía, Sở NN-PTNT đã tham mưu tỉnh quy hoạch ổn định diện tích sản xuất mía 12.000ha. Đây là cơ sở pháp lý để các địa phương và 2 công ty mía đường trên địa bàn tỉnh có định hướng để phát triển vùng nguyên liệu.
Về chính sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Căn cứ Nghị định này, 2 công ty đường cần tiến hành vận động người trồng mía tham gia liên kết sản xuất. Thông qua chuỗi liên kết này, doanh nghiệp và nông dân sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP như hỗ trợ về tư vấn, xây dựng liên kết sản xuất, hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn, giống và phân bón…
Ngoài ra, các công ty cần phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương và các địa phương liên quan để kiểm tra, giám sát quy trình xác định chất lượng mía nguyên liệu để đảm bảo sự minh bạch và chính xác trong thu mua.
Theo ông Lê Bá Ninh, để vực dậy cây mía, các công ty cần tiếp tục thực hiện tốt việc hỗ trợ cho người trồng mía như: Đầu tư vốn cho nông dân trồng mía, mua sắm máy móc thiết bị cơ giới, tưới tiêu với lãi suất ưu đãi. Hỗ trợ cho nông dân cải tạo, mở rộng diện tích; áp dụng cơ giới, giảm chi phí vật tư phân bón; nghiên cứu, đưa vào sản xuất các giống mía có năng suất, chất lượng tốt; hỗ trợ chi phí vận chuyển, bốc xếp; có chính sách thu mua mía hợp lý nhằm đảm bảo thu nhập cho người trồng mía.
Ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Khánh Hòa cho rằng, để vực dậy cây mía, cần ban hành chính sách hỗ trợ về giống, vật tư, phân bón cho người dân trồng mía. Cùng với đó, hướng dẫn người trồng mía áp dụng thành tựu công nghệ 4.0, công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ khâu gieo trồng đến khi thu hoạch nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.