| Hotline: 0983.970.780

Tìm lại vị thế cây mía

Nông dân ngày càng quay lưng

Thứ Năm 14/03/2024 , 09:00 (GMT+7)

Mía là cây trồng chủ lực của nông dân tỉnh Khánh Hòa với tổng diện tích trước đây khoảng 20 nghìn ha, song đến nay chỉ còn hơn 7.000ha.

Lao động chặt mía ngày càng khan hiếm, tiền công cao khiến vào vụ thu hoạch, người trồng mía gặp nhiều khó khăn. Ảnh: KS.

Lao động chặt mía ngày càng khan hiếm, tiền công cao khiến vào vụ thu hoạch, người trồng mía gặp nhiều khó khăn. Ảnh: KS.

Cây mía lao dốc

Trước đây vào Tỉnh lộ 5, đoạn qua các xã Ninh Tân, Ninh Sim và Ninh Tây thuộc thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), nhìn hai bên đường đều bạt ngàn cây mía. Thậm chí, mía leo tận đồi cao vì “nhà nhà trồng mía, người người trồng mía”. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, diện tích mía trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói chung và các xã trên nói riêng ngày càng thu hẹp.

Trong niên vụ 2023 - 2024 này, chúng tôi đi trên Tỉnh lộ 5 quả thật cây mía dần đã được thay thế bằng cây mì (sắn), cây keo và các loại cây ăn trái.

Trước đây, dọc theo Tỉnh lộ 5 của tỉnh Khánh Hòa bạt ngàn mía nhưng nay đã dần được thay thế bằng các cây trồng khác. Ảnh: KS.

Trước đây, dọc theo Tỉnh lộ 5 của tỉnh Khánh Hòa bạt ngàn mía nhưng nay đã dần được thay thế bằng các cây trồng khác. Ảnh: KS.

Bài liên quan

Tại xã Ninh Tân, theo ông Võ Ngọc Phi Vũ, Chủ tịch UBND xã, thời đỉnh điểm vào năm 2013, diện tích mía toàn xã lên tới hơn 1.600ha nhưng sau đó cứ giảm dần từng năm, tới niên vụ này chỉ còn 230ha.

Gặp ông Nguyễn Văn Long ở thôn Trung, xã Ninh Tân, một trong những người tiên phong trồng và gắn bó với cây mía vào những năm 1990, ông cho biết từng ăn nên làm ra nhờ cây mía và phát triển diện tích lên 7ha nhưng đành dứt bỏ với cây trồng này từ 5 - 6 năm nay.

Hiện nay, ông chuyển sang chăn nuôi bò trên những cánh đồng mía mà người dân quay lưng. Ông Long cho biết trước đây, cây mía từng giúp bà con có lãi khá vì năng suất, chữ đường, giá mía đều ổn định.

Thế nhưng dần về sau này, vật tư đầu vào, lao động khan hiếm kéo theo tiền công tăng cao. Bên cạnh đó, giá mía và chữ đường lại thấp khiến nông dân buồn so mỗi khi bước vào vụ thu hoạch.

“Mình đầu tư theo nhà máy, nhưng đến vụ thu hoạch trừ hết chẳng có lãi mấy, thậm chí thua lỗ, bà con phải vay mượn đắp vào đầu tư. Cứ như thế diễn ra liên tục trong nhiều năm, do đó dân bỏ mía hết”, ông Long bày tỏ và cho biết thêm, ngày trước vào xã Ninh Tân đâu đâu cũng thấy mía, xung quanh đồi toàn mía, còn bây giờ đâu cũng thấy cây keo.

Ông Nguyễn Văn Long (thôn Trung, xã Ninh Tân) cho biết, trước đây, gia đình trồng mía rất nhiều nhưng do làm ăn thua lỗ nên không làm nữa. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Văn Long (thôn Trung, xã Ninh Tân) cho biết, trước đây, gia đình trồng mía rất nhiều nhưng do làm ăn thua lỗ nên không làm nữa. Ảnh: KS.

Cũng theo ông Long, hai năm gần đây, người dân Ninh Tân cũng đã bán đất trồng mía gần hết, thậm chí nhiều người bán sạch đất chỉ chừa lại diện tích đủ cái nhà để ở. Mặt khác, bà con cũng đã chuyển dần sang lao động tại các công ty thuộc các lĩnh vực như du lịch, xây dựng, chế biến thuỷ sản, thương mại, công nghiệp đóng tàu… Vì thế nhiều năm qua khi bước vào vụ thu hoạch, việc tìm kiếm lao động chặt mía gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại, nguồn lao động chặt mía chủ yếu từ các tỉnh phía Nam ra.

Còn ông Hồ Văn Hiếu ở thôn Bắc, xã Ninh Tân cũng từng có diện tích mía trên 4ha, giờ cũng chuyển hầu hết diện tích sang trồng keo. Hiện nay, ông chỉ còn hơn 1ha mía lưu gốc, sau khi thu hoạch xong vụ này ông quyết định sẽ chuyển nốt sang trồng keo. Bởi mía cứ mất mùa làm chẳng lãi mấy.

Ông Hiếu cho biết đã gắn bó với cây mía gần 30 năm, công việc chăm sóc và thu hoạch cây trồng này vất vả nhưng mía làm ra lại không đạt năng suất, chữ đường, dẫn đến thu nhập không đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Ông thừa nhận, mặc dù trồng keo cũng không hiệu quả cao nhưng bù lại ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư cũng thấp hơn mía nhiều, trung bình chỉ khoảng 20 triệu đồng/ha. Thời gian rảnh rổi, người dân cũng có thể làm việc khác tại các công ty để có thêm thu nhập.

Một diện tích từng trồng mía đã chuyển sang trồng mì (sắn). Ảnh: KS.

Một diện tích từng trồng mía đã chuyển sang trồng mì (sắn). Ảnh: KS.

Chủ tịch UBND xã Ninh Tân cho biết thêm, bất lợi của cây mía ở địa phương là hầu như không có nguồn nước tưới chủ động nên khi gặp thời tiết nắng hạn kéo dài sẽ khiến năng suất mía tụt thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Năng suất mía bình quân những năm gần đây trên địa bàn xã chỉ từ 50 - 60 tấn/ha, có năm dưới 50 tấn/ha.

Thêm vào đó, từ năm 2019 – 2021, dó giá đường thấp nên giá mía nguyên liệu được các nhà máy đường thu mua thấp, chỉ dưới 1 triệu đồng/tấn (10 CCS). Đặc biệt những năm gần đây, giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc BVTV và chi phí cày đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch đều tăng cao khiến chi phí sản xuất tăng.

Dù các năm 2022 và 2023, giá mía được các nhà máy đường thu mua tăng nhưng không đủ bù chi phí tăng nên vẫn không kích thích được nông dân yên tâm trồng mía.

Tương tự, ông Sử Hồng Quốc Tịnh, Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết, trước đây diện tích mía trên địa bàn xã trên 3.500ha nhưng đến nay chỉ còn khoảng 1.300ha. Việc diện tích mía trên địa bàn xã ngày càng thu hẹp là do bà con làm không có lãi mấy so với trước đây nên đã giảm diện tích, chuyển đổi sang cây trồng khác.

Trước đây, diện tích mía ở tỉnh Khánh Hòa lên đến 20.000ha nhưng nay chỉ còn hơn 7.000ha. Ảnh: KS.

Trước đây, diện tích mía ở tỉnh Khánh Hòa lên đến 20.000ha nhưng nay chỉ còn hơn 7.000ha. Ảnh: KS.

Trước đây, diện tích mía trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa lên tới gần 20.000ha. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân đã khiến cây mía tỉnh ngày càng lao dốc. Hơn 3 năm trở lại đây, tuy giá mía nguyên liệu luôn ổn định ở mức cao trên 1 triệu đồng/tấn (10 CCS) nhưng diện tích mía trên địa bàn tỉnh không tăng mà vẫn giảm.

Vấn đề trên được ông Nguyễn Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở NN – PTNT Khánh Hòa xác nhận và cho biết, niên vụ 2022 - 2023, toàn tỉnh chỉ còn khoảng 7.472ha mía và đến niên vụ 2023 - 2024 này chỉ còn 7.031ha, tức giảm 400ha so với niên vụ trước.

Theo ông Ninh, giữa các loại cây trồng hiện nay có sự canh tranh về mặt diện tích và lợi nhuận. Vì vậy, tuy giá mua mía nguyên liệu luôn ổn định trên 1 triệu đồng/tấn mía (10 CCS) song chi phí đầu vào (nguyên vật liệu, công lao động) tăng cao nên thu nhập người trồng mía so với các loại cây trồng khác là không cao.

Ngoài ra, liên quan đến vấn đề quy hoạch, thời gian qua đã có một số vùng trồng mía truyền thống được thực hiện các khu công nghiệp, dự án năng lượng mặt trời…, do đó cũng ảnh hưởng phần nào khiến diện tích mía bị thu hẹp.

Nông dân vẫn băn khoăn chữ đường

Một vấn đề nữa trong quá trình chúng tôi gặp người trồng mía, hầu hết họ băn khoăn về chữ đường và cảm thấy chưa thực sự thỏa mãn, hài lòng. Dù các nhà máy đường có chính sách bảo hiểm chữ đường, nhưng đây là yếu tố quan trọng quyết định giá mía, cũng như thu nhập của nông dân. Nếu chữ đường thấp sẽ kéo giá thu mua mía xuống thấp, chữ đường cao hơn 10 CCS mới được các công ty thu mua với giá cao.

Thu gom mía nguyên liệu để chở về nhập cho nhà máy đường. Ảnh: KS.

Thu gom mía nguyên liệu để chở về nhập cho nhà máy đường. Ảnh: KS.

Ông Đặng Văn Huy ở thôn Bắc, xã Ninh Tân cho biết, nhiều khi cùng đám mía, nhưng có tình trạng chênh lệch chữ đường rất lớn giữ hai nhà máy. Điển hình như vụ mía năm ngoái, ông bán mía cho 2 nhà máy trên địa bàn tỉnh, nơi chỉ từ 6 - 8 chữ đường, còn nhà máy kia lại từ 10 chữ đường trở lên.

Ông Nguyễn Bá Thuật ở thôn 1, xã Ninh Thượng thắc mắc, hiện nay việc đo chữ đường được các công ty áp dụng bằng máy móc nhưng nông dân chẳng biết căn cứ nào, các nhà máy cho bao nhiêu thì bà con chỉ biết bấy nhiêu. Nhiều khi chữ đường thấp nông dân bức xúc cũng đành chịu.

Ông Nguyễn Thanh Tùng ở thôn Buôn Tương, xã Ninh Tây mấy ngày nay cũng bức xúc về chuyện chữ đường vì mía nhập cho nhà máy toàn dưới 10 CCS. Theo ông Tùng, mặc dù vụ mía đã bước vào mùa khô, nắng nóng nhưng chữ đường chẳng thấy lên cao nên rất vô lý.

“Chữ đường bao nhiêu là do phía các nhà máy họ đo và thông báo cho nông dân chứ mình làm sao biết. Do đó về vấn đề chữ đường, chúng tôi đề nghị nhà máy đường phải làm minh bạch cho dân”, ông Tùng nói.

Nông dân Nguyễn Thanh Tùng vẫn băn khoăn về chuyện đo chữ đường. Ảnh: KS.

Nông dân Nguyễn Thanh Tùng vẫn băn khoăn về chuyện đo chữ đường. Ảnh: KS.

Liên quan vấn đề này, ông Sử Hồng Quốc Tịnh, Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết, việc người dân phản ánh chuyện chữ đường không phải là mới mà thường xuyên khi vào vụ thu hoạch. Ngay cả ông cũng từng có ý kiến về vấn đề này. Thế nhưng đâu đó bà con vẫn có sự so sánh, tại sao cùng một đám mía nhập vào nhà đường này cao hơn, còn nhà máy đường kia lại thấp hơn. Thậm chí, đôi khi cùng nhập cho một nhà máy đường nhưng ở thời điểm này được 11 - 12 chữ đường, nhưng thời điểm khác lại thấp hơn 10 chữ đường.

Do đó, bà con cho rằng việc đo chữ đường chưa thực sự chính xác. Tuy nhiên các nhà máy đường trả lời cho người dân rằng việc đo chữ đường là dựa trên cơ sở khoa học kỹ thuật và công ty không thể can thiệp vào được.

“Về phía địa phương và người dân vẫn khẳng định nhà máy đường không can thiệp vào chữ đường từng cá nhân, việc xác định chữ đường được thực hiện khoan lấy mẫu mía ngẫu nhiên và kiểm tra chữ đường dựa trên mặt kỹ thuật. Nhưng bà con vẫn ý kiến, vẫn có gì đó chưa thỏa mãn về chữ đường”, Chủ tịch UBND xã Ninh Tây chia sẻ.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm