'Bồi bổ sức khỏe' đất trồng mía
Theo ông Trần Quang Kiên, Giám đốc Nhà máy đường An Khê, những năm gần đây, Nhà máy tiếp tục thực hiện 4 chính sách lớn của đơn vị chủ quản là Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi, gồm: Cơ giới hóa, hóa học hóa, sinh học hóa và tối ưu hóa trong quản lý nhằm giảm chi phí sản xuất, mang lợi nhuận cao nhất cho người trồng mía.
Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật, năng suất mía ngày càng tăng cao, chất lượng mía cũng trở nên tốt hơn. Thêm vào đó, công tác thu mua mía nguyên liệu của Nhà máy được thực hiện theo phương châm công khai, minh bạch; lợi nhuận hài hòa giữa Nhà máy và người trồng mía; khó khăn, rủi ro thì sẻ chia nên nông dân ngày càng gắn bó với Nhà máy.
Cũng theo ông Kiên, Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi đã quyết định nâng công suất ép của Nhà máy lên 20.000 - 25.000 tấn/ngày trong thời gian tới đây nhằm đảm bảo thu mua hết mía trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai. Chậm nhất ngày 30/4 hàng năm, Nhà máy sẽ kết thúc vụ ép. Niên vụ ép kết thúc tại thời điểm này sẽ đảm bảo cho mía lưu gốc tái sinh tốt, nông dân có thời gian chăm sóc để giữ năng suất, chất lượng ổn định.
Nhà máy đường An Khê còn ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đồng ruộng để nâng cao hiệu quả điều hành vùng nguyên liệu; ban hành cơ chế chính sách nhân giống mía, chính sách mua mía nguyên liệu theo từng loại giống nhằm khuyến khích người sản xuất chuyển đổi theo định hướng cơ cấu giống mía phù hợp. Nhà máy cũng tối ưu hóa quản lý sản xuất, giảm tối thiểu chi phí trong từng công đoạn chế biến nhằm hạ giá thành sản phẩm đường, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường…
Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi xác định “bồi bổ sức khỏe” cho đất sẽ góp phần tăng năng suất cho cây mía. Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê, năng suất mía trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai tăng mạnh trong thời gian qua (hiện đạt bình quân 77 tấn/ha) là nhờ có sự góp phần của việc “bồi bổ sức khỏe” cho đất.
Trước đó, Nhà máy đường An Khê đã phối hợp với Công ty Phân bón Việt Nhật nghiên cứu dinh dưỡng của đất và đề ra cách sử dụng phân bón hợp lý. Sau thời gian nghiên cứu, cuối năm 2020, Công ty Phân bón Việt Nhật đã bàn giao bản đồ hiện trạng dinh dưỡng đất cho Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi. Dựa vào bản đồ này, Nhà máy đường An Khê đã xây dựng quy trình canh tác và bón phân phù hợp, khoa học cho từng loại đất, giúp người trồng mía giảm đáng kể chi phí phân bón, tăng năng suất, chất lượng mía, nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Nhà máy đường An Khê được Công ty Phân bón Việt Nhật bàn giao 15 bản đồ, trong đó có 3 bản đồ về lấy mẫu, phân loại đất, hiện trạng sử dụng đất và 12 bản đồ thể hiện hiện trạng dinh dưỡng đất ở các huyện, thị xã với diện tích đánh giá trên 29.463ha”, ông Nguyễn Hoàng Phước cho hay.
Cũng theo ông Phước, để lập bản đồ hiện trạng dinh dưỡng đất, từ năm 2011, Công ty Phân bón Việt Nhật đã lấy 226 mẫu đất, trong đó có 205 mẫu ghi đầy đủ tọa độ, kết quả phân tích bằng phương pháp nội suy Kriging, báo cáo tóm tắt về phương pháp lấy mẫu, phân tích, lập bản đồ hiện trạng dinh dưỡng đất tại vùng nguyên liệu mía, từ đó khuyến cáo người trồng mía bón phân phù hợp với từng loại đất, tránh lãng phí, tăng hiệu quả.
“Bản đồ cho biết vùng đất nào thiếu chất gì để trong quá trình canh tác nông dân bổ sung chất ấy. Liều lượng phân bón sử dụng phù hợp, không để thừa cũng không để thiếu, chỉ đáp ứng đầy đủ cho cây trồng. Giải pháp nói trên đã giúp nông dân tiết kiệm được chi phí bón phân cho cây mía, điều đó rất có lợi, nhất là trong bối cảnh phân bón tăng giá như hiện nay”, ông Nguyễn Hoàng Phước cho biết thêm.
500 tỷ đồng/năm đầu tư cơ giới hóa
Trước đây, nhận thấy năng suất mía trong vùng nguyên liệu chỉ đạt bình quân 50 - 60 tấn/ha, quá thấp so với tiềm năng, Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi đã chỉ đạo Nhà máy đường An Khê nhất định phải cơ giới hóa đồng bộ sản xuất mía để nâng cao năng suất trong vùng nguyên liệu. Từ năm 2012, Nhà máy đường An Khê đã triển khai cơ giới hóa sản xuất mía từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch trên địa bàn các huyện Đông Gia Lai gồm Kbang, Đăkpơ, Kongchro và thị xã An Khê.
Ông Lê Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê nhớ lại: Trong niên vụ 2011 - 2012, do mới mẻ quá, nông dân chưa hưởng ứng việc cơ giới hóa nên vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai mới chỉ có hơn 2.118ha mía được nông dân áp dụng cơ giới hóa nhưng chỉ mới thực hiện các khâu làm đất, trồng, chăm sóc, bón phân.
Sau khi áp dụng cơ giới hóa ở các khâu nói trên, năng suất mía tăng rõ rệt, đến niên vụ 2013 - 2014, diện tích mía được đầu tư cơ giới hóa tăng hơn 5.359ha. Đặc biệt, người trồng mía nhận thấy ưu điểm trong khâu trồng bằng máy nên đã mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác truyền thống, diện tích trồng mía bằng máy tăng dần từng năm.
Theo ông Trần Quang Kiên, Giám đốc Nhà máy đường An Khê, cơ giới hóa trong sản xuất mía đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người trồng mía trên địa bàn. Nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, vùng nguyên liệu Đông Gia Lai cơ bản cung ứng đủ nguyên liệu cho Nhà máy đường An Khê hoạt động. Khi việc cơ giới hóa trồng mía được nông dân nhân rộng và đầu tư chiều sâu, việc mở rộng vùng nguyên liệu đông Gia Lai lên 20.000 - 25.000ha nằm trong tầm tay của Nhà máy đường An Khê.
“Nhờ cơ giới hóa vào đồng ruộng, cây mía trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai đã cho năng suất, chất lượng cao hơn trước đây, cộng với tiết kiệm được công lao động và chi phí sản xuất nên nông dân có lãi cao. Từ đó, dẫu Nhà máy phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng nhờ giá thành sản phẩm được giảm do áp dụng cơ giới hóa nên đã tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Từ lợi ích đó, mỗi năm Nhà máy đường An Khê đầu tư khoảng 500 tỷ đồng đầu tư cơ giới hóa để phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn các huyện Đăk Pơ, Kongchro, Kbang và thị xã An Khê (không tính lãi)”, ông Trần Quang Kiên chia sẻ.
Theo anh Trần Đình Sơn (48 tuổi) - người đang sản xuất gần 200ha mía ở thôn Tú Thủy, xã Tú An (thị xã An Khê, Gia Lai), trước đây vào vụ thu hoạch, chặt mía xong, đến vụ trồng mới mía giống phải được chặt từng khúc, bò cày xong chủ ruộng phải đi cắm từng cây, lấp lại. Thậm chí chở mía giống đến ruộng phải đổ rải ra để thuận tiện cho việc trồng, làm được cây mía rất cơ cực.
“Giờ mía giống chở đến nơi đổ một đống, không cần đổ rải ra như trước đây, sau đó chất lên chiếc xe máy cày, trên máy cày chỉ cần vài người cầm mía giống bỏ vào và máy tự trồng. Làm thủ công hiệu quả không cao mà chi phí còn cao hơn cơ giới hóa. Làm mía bây giờ khỏe re, mình chỉ cần có đất, đến vụ thu hoạch, tìm công chặt và chất mía lên xe, còn lại mọi việc đội cơ giới của Nhà máy làm tất”, anh Trần Đình Sơn chia sẻ.
Trước đây, sản xuất mía ở xã Đăk Hlơ - địa phương vùng sâu của huyện Kbang (Gia Lai) hầu hết đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Thế nhưng sau khi một số hộ trồng mía tại địa phương đầu tư cơ giới hóa khâu làm đất, người trồng mía ở Đăk Hlơ thấy việc làm đất trở nên nhẹ nhàng, giảm chi phí mà năng suất tăng rõ rệt nên dần dà đã làm theo. Đến nay, 100% diện tích canh tác mía ở Đăk Hlơ đều đã được thực hiện cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu trồng, bón phân, thu hoạch.