| Hotline: 0983.970.780

Tìm lại vị thế cây mía

Sống khỏe nhờ sản xuất mía không bỏ đi thứ gì

Thứ Sáu 22/03/2024 , 06:24 (GMT+7)

SƠN LA Liên kết chặt chẽ với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển sản xuất tuần hoàn, thân thiện với môi trường giúp Công ty Mía đường Sơn La vượt qua gian khó.

Nỗ lực giữ vùng nguyên liệu

Những năm gần đây, giá bán đường nhiều thời điểm thấp hơn giá thành sản xuất. Hệ lụy của đại dịch Covid-19 cùng tác động của các cuộc xung đột trên thế giới đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá vật tư đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, diện tích trồng mía bị cạnh tranh khốc liệt với các cây trồng khác đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La (Công ty Mía đường Sơn La).

Liên kết sản xuất mía đang giúp Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La và người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La được hưởng lợi. Ảnh: Trung Quân.

Liên kết sản xuất mía đang giúp Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La và người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La được hưởng lợi. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Trước tình hình đó, để có thể đứng vững, Công ty đã chủ động xây dựng nhiều chính sách liên kết, đồng hành với nông dân nhằm giữ vững và từng bước mở rộng vùng nguyên liệu. Đồng thời, áp dụng các giải pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ để tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến (Công ty Mía đường Sơn La) chia sẻ, với công suất chế biến 5.000 tấn mía cây/ngày, nguồn nguyên liệu ổn định là vấn đề sống còn đối với hoạt động và sự phát triển của Công ty. Tuy nhiên, để giữ chân được nông dân trồng mía tại Sơn La là việc không hề dễ dàng vì làn sóng trồng cây ăn quả không ngừng lan rộng.

Từ chỗ chỉ có diện tích không đáng kể, đến hiện tại, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La tăng lên khoảng 85.000ha, điều này đã đẩy cây mía ra xa nhà máy, rời khỏi những vùng đất màu mỡ, bằng phẳng, chuyển lên những vùng cao hơn. Trong khi đó, nguồn lực, kỹ thuật trồng mía của người dân chưa có sự chuyển biến rõ rệt nên nhiều hộ đã không còn mặn mà với cây mía.

Bài liên quan

Nhận thức rõ mất vùng nguyên liệu đồng nghĩa với việc đóng cửa nhà máy, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp công nghệ, Công ty đã thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương thông tin, tuyên truyền rộng rãi những chính sách, quyền lợi khi tham gia liên kết sản xuất mía nguyên liệu cho nhà máy để người dân nắm rõ, có cơ sở so sánh, hoạch toán kinh tế. Bên cạnh đó, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với hơn 30 cán bộ khuyến nông đến từng thôn bản vận động, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng mía cho người dân.

Theo ông Tài, để chuỗi liên kết sản xuất mía được bền chặt, cả nhà máy và nông dân đều được hưởng lợi, trước mỗi vụ trồng mía, Công ty công bố chính sách hỗ trợ, giá sàn thu mua để các hộ trồng nắm rõ, hiểu thấu đáo mới ký kết hợp đồng liên kết. Những hộ đăng ký trồng 1ha mía sẽ được hỗ trợ không hoàn lại 10 triệu đồng tiền làm đất (những hộ trồng giống mía có trữ lượng đường cao sẽ được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha tiền làm đất) và 2 tấn phân vi sinh.

Hiện nay, sau khi trừ chi phí, nông dân trồng mía Sơn La có lãi từ 40 - 50 triệu đồng/ha. Ảnh: Trung Quân.

Hiện nay, sau khi trừ chi phí, nông dân trồng mía Sơn La có lãi từ 40 - 50 triệu đồng/ha. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Bên cạnh đó, Công ty cung ứng giống, vật tư đầu vào (phân bón, thuốc BVTV) với giá thấp nhất. Hộ nào chưa có điều kiện thanh toán sẽ được ghi nợ và khấu trừ khi thu hoạch. Ngoài ra, tạo điều kiện cho các hộ tham gia liên kết được tạm ứng tiền (nếu có nhu cầu) để duy trì cuộc sống, sản xuất trong thời điểm chưa thu hoạch.

Về giống mía, với đặc thù vùng trồng ở những nơi có độ dốc lớn nên một số giống mặc dù trữ lượng đường không cao nhưng vẫn được tin dùng vì khả năng chịu hạn, không kén đất như R579 (hiện chiếm 65% cơ cấu giống của Công ty). Thay vì cách trồng truyền thống, cán bộ kỹ thuật của Công ty hướng dẫn người dân sử dụng máy cày đất sâu (người dân thường dùng trâu bò cày nông) để cây đứng vững và giữ được độ ẩm; dùng phân vi sinh được hỗ trợ cải tạo đất trước khi trồng. Đồng thời, phối hợp với các viện nghiên cứu thường xuyên cập nhật, khảo nghiệm các giống mía có trữ lượng đường cao, phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng để đưa vào sản xuất.

Về thu mua, bên cạnh việc công bố giá sàn (niên vụ 2023 - 2024 Công ty thu mua mía xô với giá 1.030 đồng/kg), Công ty áp dụng chính sách bảo hiểm giá mía trong trường hợp khi thu hoạch xảy ra tai nạn, thiên tai bất ngờ như hỏa hoạn, bão lũ… làm chất lượng cây mía bị giảm sút. Trong vòng 24 giờ sau khi xảy ra sự cố, Công ty vẫn thu mua mía với giá ban đầu để giảm bớt thiệt hại cho người dân.

Tính đến niên vụ 2023 - 2024, Công ty Mía đường Sơn La đã xây dựng được vùng nguyên liệu hơn 9.000ha. Ảnh: Trung Quân.

Tính đến niên vụ 2023 - 2024, Công ty Mía đường Sơn La đã xây dựng được vùng nguyên liệu hơn 9.000ha. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Những vùng có địa hình khó khăn, Công ty hỗ trợ làm đường nội đồng để thuận tiện cho xe thu mua di chuyển vào tận ruộng. Ngoài ra, tạo điều kiện cho con em các hộ trồng mía được hợp đồng vận chuyển mía cho Công ty. Nhờ đó, nhiều hộ có diện tích và sản lượng mía lớn đã mạnh dạn đầu tư mua xe vận chuyển mía, vừa giải quyết được việc làm vừa gia tăng thu nhập.

Với cách làm này, từ chỗ đứng trước nguy cơ mất vùng nguyên liệu, đến niên vụ 2023 - 2024, Công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu hơn 9.000ha (kế hoạch trong niên vụ tiếp theo sẽ tăng lên 9.500ha).

Hưởng "quả ngọt" khi kiên trì với cây mía

Bài liên quan

Theo chân xe thu mua mía tới các vùng trồng của người dân trên địa bàn huyện Mai Sơn, Yên Châu, Bắc Yên, Mường La... (Sơn La) mới cảm nhận được hết niềm hạnh phúc của những người được ví như “thằn lằn bám đá” khi đang cùng cây mía khoác lên những triền đồi vốn cằn cỗi chiếc áo mới tinh tươm hơn. Không những vậy, với hình thức sản xuất mới, có sự đồng hành của doanh nghiệp, nhiều hộ từ chỗ chạy ăn từng bữa đã vươn lên thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Quyên ở tiểu khu 7, xã Nà Bó (huyện Mai Sơn) trồng 3ha mía phấn khởi chia sẻ, từ khi tham gia liên kết với Công ty, được hỗ trợ tiền làm đất, phân bón lót, bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên giảm được nhiều chi phí và công lao động. Bên cạnh đó, nhờ đội ngũ cán bộ khuyến nông của Công ty hướng dẫn kỹ thuật nên năng suất mía trung bình hàng năm không ngừng tăng lên, hiện đã đạt tới 100 - 110 tấn/ha (trước đây chỉ đạt 70 - 80 tấn/ha). Nhờ đó, trung bình mỗi vụ mía sau khi trừ đi các chi phí, gia đình bà thu về 40 - 45 triệu đồng/ha.

Công ty Mía đường Sơn La đầu tư hệ thống dây chuyền hiện đại để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng và tận dụng toàn bộ phụ phẩm để sản xuất phân bón, phát điện. Ảnh: Trung Quân.

Công ty Mía đường Sơn La đầu tư hệ thống dây chuyền hiện đại để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng và tận dụng toàn bộ phụ phẩm để sản xuất phân bón, phát điện. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Không giấu được niềm vui khi toàn bộ 3ha mía của gia đình cho thu hoạch với sản lượng cao, bà Lê Thị Thành cùng xã Nà Bó cho hay, trước đây gia đình bà cùng nhiều hộ dân do thiếu vốn, kỹ thuật sản xuất nên chỉ biết đến cây ngô, sắn. Hộ nào chăm chỉ cũng chỉ đủ ăn chứ chẳng ai nghĩ đến việc có của ăn, của để. Từ khi chuyển sang trồng mía, nhất là liên kết với Công ty, cuộc sống gia đình bà đã dư dả.

“Gia đình vui vì đã quyết định trồng mía đến hiện tại và đã được đền đáp. Giá cả thị trường lên xuống theo từng năm là việc bình thường nhưng mình có sức khỏe lại được Công ty đồng hành, hỗ trợ, đầu ra ổn định nên cũng an tâm. Với một hộ ở miền núi, mỗi vụ mía sau khi trừ đi các chi phí có lãi 40 - 50 triệu đồng/ha cũng phấn khởi rồi. Nhìn quanh đâu đâu cũng thấy cây ăn quả, dễ đẩy nguồn cung vượt cầu, rồi lại loay hoay trong điệp khúc được mùa mất giá. Mình kiên trì với mía có khi lại hay”, bà Thành vui vẻ.

Không bỏ đi thứ gì

Bài liên quan

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến (Công ty Mía đường Sơn La), bên cạnh việc xây dựng chuỗi liên kết bền chặt với nông dân để giữ vững vùng nguyên liệu, Công ty cũng đẩy mạnh hoạt động sản xuất tuần hoàn, thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí khi toàn bộ phụ phẩm trong quá trình chế biến mía đều được tận dụng để sản xuất phân bón và nguyên liệu đốt phát điện.

Cụ thể, bã mía sau khi ép được chuyển qua hệ thống băng tải đưa sang bộ phận lò hơi làm nguyên liệu đốt, cung cấp hơi cho máy phát điện 9 MW của Công ty. Hiện tại, với lượng nhiên liệu bã mía ước đạt 120.000 tấn/vụ, lượng điện sản xuất phục vụ dây chuyền bình quân trong mỗi vụ mía ước đạt 17.000 MW. Công ty đã tự cung cấp được lượng điện cho hoạt động của mình và dư thừa gần 2 MW (hiện nhà máy đang làm thủ tục để có thể phát lên lưới điện quốc gia). Một lượng bã mía dư thừa Công ty bán cho các đơn vị ép viên nén xuất khẩu và các HTX trong vùng sử dụng sản xuất phân bón hữu cơ, cải tạo đất…

Tận dụng bã mía làm nguyên liệu đốt lò hơi cung cấp cho máy phát điện giúp Công ty Mía đường Sơn La tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Ảnh: Trung Quân.

Tận dụng bã mía làm nguyên liệu đốt lò hơi cung cấp cho máy phát điện giúp Công ty Mía đường Sơn La tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Ảnh: Trung Quân.

Về sản xuất phân bón, khi nước mía đi vào thiết bị lắng nhanh, các tạp chất trong nước mía tạo kết tủa lắng xuống đáy (gọi là nước bùn) và được đưa vào máy lọc chân không để lọc tách bùn ra khỏi dây chuyền với sản lượng ước tính 20.000 tấn/năm. Một phần lượng bùn này được đưa đi sản xuất phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng.

Nhà máy hiện có một xưởng sản xuất phân hữu cơ vi sinh với công suất 10.000 tấn/năm. Toàn bộ lượng phân bón này được cung cấp lại cho các hợp tác xã, hộ trồng mía trên toàn vùng nguyên liệu của Công ty và một phần cung cấp cho các đơn vị bạn trên địa bàn để sản xuất phân bón cho các cây trồng khác.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.