| Hotline: 0983.970.780

Tìm lại vị thế cây mía

Trong mắt nông dân Phủ Quỳ, cây mía là số 1

Thứ Năm 21/03/2024 , 09:24 (GMT+7)

NGHỆ AN Không đổi đời chóng vánh nhưng cây mía mang lại cuộc sống ổn định cho nông dân trên đất Phủ Quỳ. Suy đi tính lại chẳng cây trồng nào so sánh được với cây mía.

Công ty TNHH Mía đường Nghệ An đã tạo ra mối liên kết chặt chẽ với nông dân trên đất Phủ Quỳ. Ảnh: Việt Khánh.

Công ty TNHH Mía đường Nghệ An đã tạo ra mối liên kết chặt chẽ với nông dân trên đất Phủ Quỳ. Ảnh: Việt Khánh.

Sang Thái "tầm sư học đạo"

Bài liên quan

Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (Nasu) là đơn vị có bề dày truyền thống trong ngành mía đường Việt Nam. Qua hàng chục năm thăng trầm, Nasu vẫn luôn là chỗ dựa đáng tin cậy cho hàng chục ngàn nông dân trên dải đất Phủ Quỳ màu mỡ, đầy nắng gió.

Để tồn tại và phát triển lớn mạnh trong bối cảnh ngành mía đường trải qua dông bão trong những năm qua, Nasu đã trải qua quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ, đan xen lộ trình bài bản và tâm thế sẵn sàng hội nhập. Nasu đã đứng vững, vượt qua hàng loạt biến cố của ngành mía đường, điển hình là dịch bệnh chồi cỏ hoành hành, hay thời điểm chấp chới trước “cơn bão” ATIGA.

Chục năm về trước, năng suất và chất lượng mía của Nasu cũng như bình diện chung của Việt Nam khá thấp, muốn nâng tầm toàn diện phải ưu tiên tập trung nghiên cứu chuyên sâu về giống, đồng thời thay đổi quy trình, phương thức sản xuất phù hợp.

Tường bước vượt qua khó khăn, người trồng mía đang thụ hưởng thành quả ngọt ngào. Ảnh: Việt Khánh.

Tường bước vượt qua khó khăn, người trồng mía đang thụ hưởng thành quả ngọt ngào. Ảnh: Việt Khánh.

Bài liên quan

Nghĩ là làm, Nasu đã cử một tốp chuyên môn gia sang Thái Lan “tầm sư học đạo” về phát triển mía đường. Để rồi năm 2015, Công ty thành lập bộ phận nghiên cứu và phát triển, đồng thời thuê hẳn một chuyên gia người Úc sang làm việc. Cất công tìm tòi, nghiên cứu đã giúp Nasu trình làng giống mía sạch bệnh ba cấp với những đặc tính vượt trội, nhờ đó đã hóa giải được vấn nạn chồi cỏ vốn hoành hành dữ dội trước đó.

Ông Võ Văn Lương, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển (Công ty TNHH Mía đường Nghệ An) chia sẻ: “Để hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh tế, ngoài bộ giống tốt, cần chủ động phân tích chất đất và áp dụng chế độ bón phân phù hợp. Phải xem trong đất có những chất gì, thừa thiếu ra sao để từng bước hoàn thiện, bổ cứu. Cây mía cũng giống như con người, được cung cấp đầy đủ dưỡng chất sẽ phát triển tốt”.

Nasu quyết tâm thay đổi và người trồng mía trên đất Phủ Quỳ cũng sẵn sàng thay đổi. Nếu trước kia mạnh ai nấy làm thì nay bà con đã gò vào khuôn khổ chung. Thói quen trồng mía dày, bón phân thừa thãi dần được tiết chế. Giờ đây, đa phần bà con đã chủ động trồng mía thưa theo đúng quy chuẩn, từ khoảng cách hàng cách hàng 70 - 80cm nhích lên 1m, 1,1m, rồi 1,2m. Tận dụng khoảng không giữa các hàng, một số hộ đã trồng xen canh đậu, ngô. Cách làm này không ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ ánh sáng của cây mía, lại tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Quyết tâm thay đổi đã mang đến những tín hiệu tích cực trên những cánh đồng mía. Ảnh: Tâm Phùng. 

Quyết tâm thay đổi đã mang đến những tín hiệu tích cực trên những cánh đồng mía. Ảnh: Tâm Phùng. 

Trong xu thế nông nghiệp 4.0, đòi hỏi doanh nghiệp và nông dân phải chuyển mình toàn diện, phải làm quen và ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật, nền tảng kỹ thuật số. Nắm bắt được dòng chảy đó, Nasu không ngừng đẩy mạnh truyền thông, thể hiện qua kênh Facebook thu hút hơn 24.000 người, qua đây có thể truyền tải rộng rãi thông tin liên quan (chủ trương, định hướng, giá mía đường, tiến bộ kỹ thuật…) cho các thành viên. Qua đó, giúp người trồng mía dễ dàng tiếp cận, hiệu quả canh tác cây mía trên ruộng đồng không ngừng tăng lên, người trồng mía rất hài lòng.

Trồng mía gần như không có rủi ro

Bài liên quan

Ông Lô Văn Vinh, trú tại bản Mánh (xã Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp) là nông dân trồng mía điển hình với nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc. Ở người đàn ông này hội tụ mọi điều cần có, từ uy tín, tiềm lực, tầm nhìn đến khát khao. Không ngẫu nhiên mà đích thân lãnh đạo và cán bộ phụ trách chuyên môn của Công ty TNHH Mía đường Nghệ An phải thừa nhận, chính những người như ông Vinh đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ chủ trương chung và giúp cây mía gây dựng được vị thế như hôm nay.

Sinh năm 1975, đã suýt soát ngưỡng ngũ tuần nhưng ông Vinh sôi nổi, hoạt bát hơn cánh thanh niên, đó là ấn tượng của tôi ngay từ buổi đầu tiếp xúc. Trong mắt người dân bản địa, đặc biệt là những hộ trồng mía trong phạm vi thung Mánh thì ông Vinh là người tiên phong “vỡ đất” và gieo khát vọng vươn tầm cho chính họ.

Nông dân trồng mía điển hình Lô Văn Vinh. Ảnh: Việt Khánh.

Nông dân trồng mía điển hình Lô Văn Vinh. Ảnh: Việt Khánh.

Bài liên quan

Nhìn lại chặng đường đằng đẵng hơn 25 năm đã qua, người được ví như thủ lĩnh thung Mánh không dấu nổi nét hân hoan. Ông Vinh kể: “Vợ chồng tôi vào đây khai hoang từ năm 1998, thuở ấy vùng này gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, không điện lưới, không có nước sinh hoạt, đường sá cũng không nốt, khắp nơi chằng chịt dây leo bụi rậm, thành thử làm cái gì cũng khốn khó đủ bề. Nhiều năm trước chúng tôi trỉa ngô, trồng sắn, nuôi thêm gia súc, gia cầm nhưng hiệu quả kinh tế không có gì nổi trội, một số hộ cuộc sống rất chật vật".

Bước ngoặt tới khi gia đình ông Vinh liên kết trồng mía với Nasu vào năm 2011. Nhà máy cung cấp giống và phân bón, nông dân chỉ việc tuân thủ và hưởng thành quả. Quá trình liên kết thuận lợi là tiền đề quan trọng để mở rộng quy mô sản xuất mía, bước đầu chỉ gói gọn trong 7ha, nay đã tăng lên 30 ha, chưa kể hàng chục ha trồng keo và một số cây lâm nghiệp khác. Nguồn thu từ trồng mía giúp gia đình ông Vinh có vốn để tăng tổng đàn chăn nuôi, đến nay đã có trong tay hơn 40 con trâu, gần 100 con dê, khoảng 200 con lợn...

Ông Vinh đã truyền lửa, giúp mô hình trồng mía ở thung Mánh phát triển cực thịnh. Ảnh: Tâm Phùng.

Ông Vinh đã truyền lửa, giúp mô hình trồng mía ở thung Mánh phát triển cực thịnh. Ảnh: Tâm Phùng.

Bài liên quan

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, thấu hiểu triết lý đó, ông Vinh đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông lâm nghiệp Vinh Dung vào năm 2021 với 17 thành viên cùng chung chí hướng, khát khao. HTX được Nasu hỗ trợ từ A đến Z (giống; hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc; hỗ trợ máy móc, trang thiết bị, kinh phí để nâng cấp, làm đường, cầu cống phục vụ sản xuất...) nên hoạt động ngày một xuôi chèo mát mái. Hiện quy mô trồng mía của HTX đã vượt 50ha, với đà này chắc chắn diện tích mía sẽ tiếp tục được mở rộng trong thời gian tới.

Giám đốc HTX Lô Văn Vinh khẳng định, trên đất Bắc Sơn không một loại cây trồng nào so sánh được với cây mía. Trồng ngô, khoai, sắn được thì ăn, mất phải chịu, riêng trồng mía có hợp đồng liên kết chặt chẽ, lại được công ty cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn chi tiết kỹ thuật nên rủi ro gần như bằng không. So với các cây trồng khác, hiệu quả kinh tế của cây mía cao gấp 2 - 3 lần. Lợi thế nữa của cây mía là khả năng lưu gốc tuyệt vời, sau 4 - 5 năm mới phải thay thế.

HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Vinh Dung có 50ha mía, diện tích này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Ảnh: Việt Khánh.

HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Vinh Dung có 50ha mía, diện tích này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Ảnh: Việt Khánh.

Bài liên quan

“Thời gian đầu các hộ tự làm, tự ăn thì năng suất, chất lượng mía thấp, độ CCS chỉ đạt khoảng 8 chấm trở lại. Kể từ khi kết hợp với Nasu, chỉ số CCS tăng lên 10 – 11. Mấy năm gần đây mía được giá, nhà máy hỗ trợ cả cước vận tải nên mía tại Thung May có lúc vượt ngưỡng 130.000 đồng/tạ.

Hàng năm, toàn vùng Bắc Sơn nhập cho Nasu hơn 7 nghìn tấn mía, có năm tăng lên 10 nghìn tấn. Riêng gia đình tôi đóng góp khoảng 2,2 - 2,5 nghìn tấn, tổng doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng, trừ chi phí lãi 700 – 800 triệu đồng. Tất cả nhờ cây mía mà ra, từ 2 bàn tay trắng chỉ sau 2 vụ mía tôi làm được nhà, sau 3 vụ kế tiếp lại sắm được 3 con máy làm đất, 3 năm gần đây mua được thêm 2 chiếc xe ô tô. Nghề trồng mía khá nhàn mà hiệu quả cao nên cả nhà tập trung vào đó, con trai tôi trước làm cho doanh nghiệp cũng đã nghỉ hẳn để về phụ giúp gia đình”, ông Vinh chốt lại.

“Từ khi liên kết với Nasu, nông dân Bắc Sơn thu về hơn 100 tỷ đồng. Những năm gần đây giá trị từ cây mía không ngừng tăng lên, có những hộ kiếm trên 300 triệu đồng/năm như gia đình ông Lô Văn Cần, Lô Văn Chung… Là người trong cuộc, tôi luôn tâm niệm cây mía là số 1 ở đây”, ông Lô Văn Vinh, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp Vinh Dung nhấn mạnh.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm