| Hotline: 0983.970.780

Tìm lại vị thế cây mía

Gượng dậy từ gian khó

Thứ Hai 18/03/2024 , 13:45 (GMT+7)

GIA LAI Trong giai đoạn ngành mía đường lao đao, giá mía giảm mạnh, nông dân quay lưng với cây mía, số nhà máy đường và diện tích mía nguyên liệu cả nước giảm đến một nửa…

Ngành mía đường lao đao

Bài liên quan

Nhà máy đường An Khê là đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi được thành lập vào ngày 22/10/2000. Cuối năm 2001, Nhà máy chính thức đi vào hoạt động với công suất 2.000 tấn mía/ngày. Trong quá trình hoạt động, Nhà máy đường An Khê không ngừng phát triển vùng nguyên liệu mía, đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại. Đến năm 2024, Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi hướng đến mục tiêu nâng công suất Nhà máy đường An Khê lên 20.000 - 25.000 tấn/ngày - một sự phát triển vượt bậc.

Để có được ngày này, Nhà máy đường An Khê đã phải trải qua thời gian cực kỳ gian khó. Ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê nhớ lại: Bước vào niên vụ ép 2017 - 2018, ngành mía đường trong nước bắt đầu đối mặt với khủng hoảng chưa từng thấy.

Khi mới hoạt động, công suất của Nhà máy đường An Khê chỉ đạt 2.000 tấn mía/ngày, nay đã tăng lên 17.000 tấn/ngày. Ảnh: V.Đ.T.

Khi mới hoạt động, công suất của Nhà máy đường An Khê chỉ đạt 2.000 tấn mía/ngày, nay đã tăng lên 17.000 tấn/ngày. Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

Một năm trước đó, niên vụ ép 2016 - 2017, diện tích mía trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai của Nhà máy đường An Khê trên địa bàn các huyện Kbang, Đăk Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê đã có đến 30.000ha, năng suất bình quân đạt 73,4 tấn/ha, Nhà máy thu mua và ép được 1.964.000 tấn mía nguyên liệu, sản xuất được hơn 203.000 tấn đường.

“Năm 2016 là vụ sản xuất đạt sản lượng cao nhất từ ngày Nhà máy đường An Khê đi vào hoạt động, cũng là năm sản lượng đường trong nước và cả trên thế giới đạt mức cao nhất từ trước đến thời điểm đó. Tuy nhiên bước qua niên vụ 2017 - 2018, ngành mía đường trong nước bắt đầu đối mặt với tình trạng cung vượt cầu. Do đó, giá đường trong nước từ mức 14.000 - 15.000đ/kg giảm mạnh xuống chỉ còn 9.000 - 10.000đ/kg, giảm đến 45 - 50%. Cũng từ thời điểm này, đường nhập lậu ào ạt nhập vào Việt Nam, nhất là đường Thái Lan, dẫn tới giá mía nguyên liệu cũng giảm theo”, ông Nguyễn Hoàng Phước nhớ lại.

Trước thực trạng trên, nông dân bắt đầu quay lưng với cây mía, diện tích mía nguyên liệu trên toàn quốc giảm từ khoảng 300.000ha xuống chỉ còn 150.000ha. Làn sóng “khai tử" các nhà máy đường trong nước cũng ồ ạt tràn qua các địa phương, từ 50 nhà máy đường đang hoạt động giảm nhanh chỉ còn 26 nhà máy còn hoạt động còn “thoi thóp”, 24 nhà máy “chết đứng” giữa biến động của thị trường.

Bước vào niên vụ ép 2017 - 2018, ngành mía đường trong nước bắt đầu đối mặt với khủng hoảng chưa từng thấy. Ảnh: V.Đ.T.

Bước vào niên vụ ép 2017 - 2018, ngành mía đường trong nước bắt đầu đối mặt với khủng hoảng chưa từng thấy. Ảnh: V.Đ.T.

Bài liên quan

Nhà máy đường An Khê cũng không ngoại lệ, vùng mía nguyên liệu đang ổn định 30.000ha giảm mạnh xuống chỉ còn 17.500ha; năng suất mía bình quân đang ổn định ở mức 73,4 tấn/ha cũng giảm xuống chỉ còn 45 tấn/ha. Nguyên nhân được những người có trách nhiệm của Nhà máy giải thích là do trồng mía thua lỗ nặng, nên cây mía bị thất sủng, người trồng mía không còn lòng dạ nào đầu tư cho cây mía nên năng suất cũng tuột nhanh.

Thêm vào đó, vào thời điểm ấy trên địa bàn Đông Gia Lai nắng hạn khắc nghiệt nên cây mía không phát triển nổi, tiếp đến, dịch Covid-19 hoành hành như “nhát dao chí tử” khiến cây mía Gia Lai “tử vong”. Theo đó, sản lượng ép của Nhà máy đường An Khê liên tục lao dốc từ 1.964.000 tấn vào năm 2016 xuống còn 1.450.000 tấn vào năm 2017 và 900.000 tấn vào năm 2018. Cũng như 26 nhà máy đường trong nước đang hoạt động cầm cự, trong giai đoạn này, Nhà máy đường An Khê lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn.

“Trước tình cảnh trên, đơn vị chủ quản của Nhà máy đường An Khê là Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi, đặc biệt là ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty đã khẩn trương đề ra nhiều chính sách hỗ trợ người trồng mía với quyết tâm vực dậy hoạt động của Nhà máy, nhất là gây dựng lại vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai”, ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê nhớ lại.

Ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi (ngồi, thứ 2 từ phải sang) đưa ra quyết sách vực dậy vùng mía nguyên liệu. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi (ngồi, thứ 2 từ phải sang) đưa ra quyết sách vực dậy vùng mía nguyên liệu. Ảnh: V.Đ.T.

Tung nhiều quyết sách phục hồi vùng nguyên liệu

Trông bối cảnh khó khăn, ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi nhận định: Vùng nguyên liệu mía và nhà máy đường trong nước còn hoạt động đều đã giảm một nửa, ắt nhiên trong thời gian tới giá đường trong nước sẽ dần phục hồi, ổn định và sẽ ở mức cao trong giai đoạn 2022 - 2025. Thời tiết ở vùng Đông Gia Lai cũng sẽ bớt khắc nghiệt, mưa sẽ xuất hiện nhiều hơn nên sẽ thuận lợi cho việc khôi phục diện tích vùng nguyên liệu.

Để hồi phục vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai, Nhà máy đường An Khê tung quyết sách bảo hiểm giá mía ở mức ổn định 900.000đ/tấn (10 chữ đường) mua tại ruộng, mức bảo hiểm này sẽ được duy trì từ năm 2020 - 2025.

Ngoài ra, Nhà máy đường An Khê còn tiếp tục đầu tư mạnh cho nông dân từ khâu làm đất đến khâu trồng. Đặc biệt, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi có riêng một bộ phận chuyên nghiên cứu các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao để đưa vào sản xuất nhằm cải thiện năng suất mía trong vùng nguyên liệu, kể cả đầu tư cho nông dân phân bón suốt cả vụ không tính lãi suất.

“Hàng năm, Nhà máy đường An Khê đầu tư cho người trồng mía trong vùng Đông Gia Lai khoảng 500 tỷ đồng để phục hồi vùng nguyên liệu”, ông Võ Thành Đàng cho biết.

Nhà máy đường An Khê còn có nhiều chính sách khác đầu tư cho những diện tích cánh đồng lớn sản xuất mía; đầu tư cơ giới hóa, giếng lấy nước tưới cho cây mía trong mùa khô hạn mỗi năm trên 20 tỷ đồng. Đầu tư bổ sung thiết bị trên dây chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu sản xuất khi diện tích mía tăng dần từng năm. Nhờ đó, công suất ép của Nhà máy tăng ổn định từ 15.000 tấn mía nguyên liệu/ngày lên 17.000 tấn/ngày như hiện nay. Đặc biệt, giá mua mía nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê áp dụng theo thực tế của giá đường trên thị trường.

Trong 3 vụ gần đây, vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai của Nhà máy đường An Khê đã dần tăng lên. Ảnh: V.Đ.T.

Trong 3 vụ gần đây, vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai của Nhà máy đường An Khê đã dần tăng lên. Ảnh: V.Đ.T.

Cùng với đó, các quyết định của Chính phủ và Bộ Công Thương về chống bán phá giá, chống trốn thuế và chống đường lậu cũng đã góp phần giúp ngành mía đường trong nước dần hồi phục.

Từ những chỉ đạo quyết liệt của ông Võ Thành Đàng, trong 3 vụ gần đây, vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai của Nhà máy đường An Khê đã dần tăng lên. Nếu như niên vụ 2020 - 2021, diện tích mía trong vùng nguyên liệu này chỉ còn 17.500 ha, năng suất bình quân đạt 46 tấn/ha, sản lượng Nhà máy thu mua 900.000 tấn/vụ thì đến niên vụ 2021 - 2022, diện tích mía trong vùng nguyên liệu đã tăng lên 21.500ha, năng suất bình quân đạt 63 tấn/ha, sản lượng Nhà máy thu mua 1,1 triệu tấn/vụ.

Bước sang niên vụ 2022 - 2023, diện tích mía trong vùng nguyên liệu tiếp tục tăng lên 27.000ha, năng suất bình quân đạt 74,5 tấn/ha, sản lượng thu mua 1,7 triệu tấn/vụ. Mới đây nhất, niên vụ 2023 - 2024, diện tích mía trong vùng nguyên liệu tiếp tục tăng lên 30.000ha, năng suất bình quân đạt 77 tấn/ha, sản lượng Nhà máy thu mua 2 triệu tấn/vụ.

Ông Võ Thành Đàng tiếp tục nhận định: Thời gian tới, giá đường trong nước vẫn sẽ ổn định ở mức cao, cây mía hiện cho hiệu quả cao hơn nhiều loại cây trồng khác, trong khi quỹ đất của vùng Đông Gia Lai còn nhiều, có thể nâng diện tích vùng mía nguyên liệu lên 40.000ha.

Theo ông Trần Văn Dư, người đang trồng gần 100ha mía ở xã An Thành (huyện Đăk Pơ, Gia Lai), 3 năm gần đây, người trồng mía ở Gia Lai có lợi nhuận cao. Trên vùng nguyên liệu Đăk Pơ, với những diện tích mía gốc hiện cho năng suất bình quân 8 tấn/sào (80 tấn/ha), cá biệt có vùng cho năng suất đến hơn 10 tấn/sào. Với giá thời điểm hiện nay, người trồng mía có thu nhập trên 70 triệu đồng/ha.

Các quyết định của Chính phủ và Bộ Công Thương về chống bán phá giá, chống trốn thuế và chống đường lậu đã góp phần giúp ngành mía đường trong nước hồi phục. Ảnh: V.Đ.T.

Các quyết định của Chính phủ và Bộ Công Thương về chống bán phá giá, chống trốn thuế và chống đường lậu đã góp phần giúp ngành mía đường trong nước hồi phục. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Dư giải thích: Diện tích mía gốc có chi phí đầu tư rất ít, chủ yếu là chi phí phân bón 2 lần/vụ với khoảng 1 tấn phân/ha và 2 lần bơm thuốc cỏ, người trồng mía còn lãi bình quân trên 50 triệu đồng/ha. Nếu ai trồng mía tơ thì lợi nhuận thấp hơn, vì phải tốn chi phí ban đầu về cây giống, 1ha mất 10 tấn giống, mỗi tấn giống chở đến nơi mất 1,3 - 1,4 triệu đồng và công trồng nên lãi ít hơn.

“Nhờ những năm gần đây trồng mía có hiệu quả kinh tế cao nên bà con tăng diện tích trồng mía. Tổng diện tích mía nguyên liệu của HTX Nông nghiệp Tú An (thị xã An Khê, Gia Lai) những năm gần đây đã tăng lên 10%, hiện có khoảng 100ha với 50 thành viên tham gia”, ông Lê Văn Bộ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tú An cho hay.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hỗ trợ vật tư cho vùng măng tây lớn nhất Ninh Thuận

NINH THUẬN 08 hộ dân thực hiện mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ tại xã An Hải (huyện Ninh Phước) được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc BVTV...