| Hotline: 0983.970.780

Tìm lại vị thế cho cây mía

Giá mía cao, nông dân vẫn kém vui

Thứ Tư 13/03/2024 , 06:00 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Dù niên vụ 2023 - 2024 giá mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được thu mua cao hơn niên vụ trước, song nông dân thu hoạch vẫn kém vui.

LTS: Những năm gần đây, dù có nhiều chính sách hỗ trợ, song diện tích mía nhiều nơi vẫn giảm mạnh. Trong bối cảnh chật vật duy trì vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp mía đường cũng đã tự tìm ra những hướng đi nhằm tìm lại vị thế cho cây trồng này.

Nông dân cho rằng, cây mía Khánh Hòa ngày càng thu hẹp do làm không có lãi mấy so với trước đây. Ảnh: KS.

Nông dân cho rằng, cây mía Khánh Hòa ngày càng thu hẹp do làm không có lãi mấy so với trước đây. Ảnh: KS.

Giá mía tăng, năng suất lại giảm

Mía là cây trồng chủ lực của tỉnh Khánh Hòa, từng có thời điểm đạt gần 20.000ha, ở miền Trung chỉ đứng sau tỉnh Phú Yên, nhưng nay diện tích chỉ còn khoảng trên 7.000ha. Dù được doanh nghiệp bao tiêu, được hỗ trợ trồng, chăm sóc và nhiều chính sách hỗ trợ khác, song những năm qua, nông dân nơi đây ngày càng bỏ mía để chuyển sang những cây trồng khác.

Bước vào vụ thu hoạch niên vụ 2023 – 2024, chúng tôi gặp nhiều nông dân trồng mía trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, nơi trồng mía chủ lực tại tỉnh Khánh Hòa. Sau Tết, các hộ dân lần lượt thu hoạch mía để nhập nguyên liệu cho 2 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, mía nguyên liệu (10 CCS) năm nay được các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh thu mua tại ruộng với giá từ 1.130.000 – 1.160.000 đồng/tấn (tùy nhà máy), cao hơn niên vụ trước khoảng 50.000 đồng/tấn. Tuy nhiên do thời tiết không thuận lợi, cây mía sinh trưởng và phát triển kém nên năng suất giảm, trung bình chỉ từ 50 - 60 tấn/ha, nhiều nơi mía gốc chỉ từ 30 - 40 tấn/ha. Với chi phí vật tư đầu vào tăng cao nên nông dân hạch toán lãi thấp.

Bước vào niên vụ mía 2023 - 2024, nông dân thu hoạch kém vui vì năng suất thấp do ảnh hưởng hạn hán. Ảnh: KS.

Bước vào niên vụ mía 2023 - 2024, nông dân thu hoạch kém vui vì năng suất thấp do ảnh hưởng hạn hán. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Bá Thuật, một người trồng mía ở thôn 1, xã Ninh Thượng (thị xã Ninh Hòa) than vãn: “Niên vụ mía năm ngoái, mía lưu gốc đạt năng suất từ 60 - 70 tấn/ha, nhưng năm nay giảm chỉ còn trên dưới 50 tấn/ha. Không những thế, nhiều diện tích mía tơ cũng cho năng suất thấp”.

Như gia đình ông Thuật có 2ha gồm 1ha mía lưu gốc và 1ha mía tơ, vụ này dự kiến tổng sản lượng thu hoạch từ 110 - 120 tấn. Sở dĩ ông Thuật nói có cơ sở vì gia đình vừa thu hoạch 1ha mía lưu gốc chỉ được hơn 50 tấn, còn ruộng mía tơ chưa thu hoạch nhưng dự kiến năng suất cũng không cao do cây mía phát triển không tốt.

Ông Nguyễn Bá Thuật cho rằng, vụ này đối với mía tơ bà con thu hoạch sẽ không có lời vì chi phí đầu tư 1ha mía tơ lên đến 50 - 60 triệu đồng, chưa kể công thuê lao động chăm sóc và thu hoạch tăng cao.

Được biết, hiện nay công thuê lao động thu hoạch mía khoảng 2.000 đồng/bó (15kg/bó). Nếu tính luôn tiền công chặt và tăng bo cho xe chở mía về nhà máy đường, nông dân phải chi gần 300 ngàn đồng/tấn.

Với năng suất mía tơ của gia đình ông Thuật dự kiến thu hoạch khoảng 60 tấn/ha thì khó lãi. Còn đối với mía lưu gốc đạt năng suất, sau khi trừ chi phí, ông Thuật ước chỉ lãi hơn 10 triệu đồng/ha.

Tại vùng mía ở xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa), nông dân thu hoạch cũng kém vui dù giá mía được mua cao hơn vụ trước nhưng năng suất thấp nên lãi chẳng bao nhiêu.

Nông dân xã Ninh Tân thu hoạch mía niên vụ 2023 - 2024. Ảnh: KS.

Nông dân xã Ninh Tân thu hoạch mía niên vụ 2023 - 2024. Ảnh: KS.

Ông Hồ Văn Hiếu ở thôn Bắc (xã Ninh Tân) cho biết, do thời tiết năm vừa qua nắng hạn gay gắt, ít mưa nên cây mía phát triển kém. Đối với mía lưu gốc tại địa phương năng suất trung bình chỉ đạt từ 30 - 40 tấn/ha. Khảo sát tại vùng mía ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) cũng trong tình trạng tương tự, năng suất giảm từ 5 - 10 tấn/ha so với vụ năm ngoái.

Ông Ngô Trí Phú, nông dân trồng mía ở thôn Xóm Mới (xã Ninh Tây) cho biết, các ruộng mía trên địa bàn xã chủ yếu phụ thuộc vào nước trời nên gây khó khăn trong việc sản xuất của bà con. Bà con thường xuyên đối mặt tình trạng mía mất mùa, năng suất giảm sút.

“Đối với vụ mía này, ruộng mía có nước tưới đầy đủ thì năng suất có thể đạt từ 70 - 80 tấn/ha, còn ruộng không có nước trung bình chỉ đạt 45 tấn/ha”, ông Phú cho hay.

Ông Sử Hồng Quốc Tịnh, Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cũng cho biết, thời tiết năm vừa qua không thuận lợi nên năng suất mía trên địa bàn giảm. Niên vụ 2023 - 2024, toàn xã chỉ còn hơn 1.300ha mía.

Đến thời điểm này, bà con đã thu hoạch mía nguyên liệu bán cho 2 nhà máy đường trên 50% tổng diện tích, năng suất trung bình 55 tấn/ha, thấp hơn so với năm ngoái. Với giá mía hiện khoảng 1.130.000 đồng/tấn, bà con thu hoạch lãi từ 10 - 20 triệu đồng/ha.

Diện tích lớn nhưng lãi không bao nhiêu

Ông Đặng Văn Huy ở thôn Bắc, xã Ninh Tân có thâm niên hơn 20 năm trồng mía, rất tâm huyết với cây trồng này. Chính vì vậy, trong khi nhiều nông dân ở xã bỏ mía thì ông vẫn bám trụ với cây trồng này. Hiện nay diện tích mía của ông lên đến trên 30ha, chủ yếu đất được thuê lại của bà con trên địa bàn xã. Quan điểm thuê đất của ông Huy là lựa chọn những khu vực phải chủ động được nước tưới để trồng mía, chứ đất khô cằn “cho không” ông cũng không nhận.

Dù năm nay giá mía được các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh thu mua cao nhưng nông dân Khánh Hòa thu hoạch vẫn kém vui vì năng suất thấp. Ảnh: KS.

Dù năm nay giá mía được các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh thu mua cao nhưng nông dân Khánh Hòa thu hoạch vẫn kém vui vì năng suất thấp. Ảnh: KS.

Ông Huy cho rằng, nếu trồng mía chủ động nước tưới, năm đầu tiên có thể thu hoạch đạt năng suất từ 90 - 100 tấn/ha, chắc chắn có lãi. Tuy nhiên vụ này, ông hoàn toàn thất thu vì thời tiết năm vừa qua khô hạn, ít mưa khiến mía không đảm bảo năng suất, dù đã nỗ lực bơm nước tưới nhưng không xuể.

Theo ông Huy, vụ mía năm nay ông đầu tư trồng 29ha mía lưu gốc và 2ha mía tơ. Trong đó 1/3 diện tích bán cho nhà máy đường. Đến nay, gia đình đã thu hoạch hơn 2/3 diện tích song năng suất trung bình chỉ đạt từ 40 - 42 tấn/ha. Do mía mất mùa, tính ra không có lãi mấy nên ông buồn chẳng quan tâm đến việc giám sát nhân công thu hoạch thường xuyên tại ruộng như những năm trước.

“Mấy năm đến mùa thu hoạch tôi luôn có mặt tại ruộng mía. Nhưng vụ này, 3 ngày tôi cũng chẳng thèm xuống mà cứ để nhân công tự chặt. Vụ mía năm ngoái, với diện tích khoảng 30ha, gia đình thu hoạch được tổng cộng khoảng 2.100 tấn, còn vụ này ước chỉ đạt khoảng 1.500 tấn”, ông Huy buồn bã nói và cho biết với giá mía hiện từ 1.130.000 – 1.160.000 đồng/tấn (10 CCS), ông nhẩm tính chỉ lãi khoảng 100 triệu đồng là cùng. Bởi vụ này, gia đình ông đã phải bỏ ra chi phí đầu tư trồng và chăm sóc mía trên khoảng 950 triệu đồng. Nếu cộng thêm tiền phải chi cho công chặt mía 350 triệu đồng và tăng bo xe khoảng 100 triệu đồng nữa thì chi phí lên đến 1,4 tỷ đồng. Chưa kể ông phải trả tiền lãi cho nhà máy trong việc ứng đầu tư phân bón, thuốc BVTV, chăm sóc mía và thuê đất.

Được biết, trước đây ông Huy thuê 1ha đất trong vòng 5 năm với mức phí 25 triệu đồng, còn bây giờ lên đến 50 triệu đồng.

Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, niên vụ mía 2023 - 2024, toàn tỉnh trồng 7.031ha. Ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay nông dân trên địa bàn đang thu hoạch mía, năng suất bình quân đạt 54 tấn/ha và giá mía khoảng 1.130.000 đồng/tấn (10CCS). Mía năm nay năng suất đạt thấp hơn so với năm trước do tình hình thời tiết năm 2023 ảnh hưởng của El Nino gây nắng nóng, ít mưa và một số giống mía bị sâu đục thân.

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Tạo cú hích cho Đề án 1 triệu ha lúa trong vụ đông xuân 2024-2025

Vụ đông xuân 2024 - 2025, nhiều giải pháp, mô hình đồng bộ sẽ được triển khai phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL.