Kiên định phát triển sản xuất tuần hoàn
Hiện nay, tỷ lệ phế phụ phẩm từ ngành nông nghiệp của nước ta được thu gom, chế biến, sử dụng vẫn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn và gây rất nhiều sự lãng phí.
Lãng phí phụ phẩm trong ngành nông nghiệp không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, lãng phí giá trị, đánh mất nguồn thu nhập lớn trong sản xuất. Ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh mà ngành nông nghiệp đang hướng tới thì nguồn phụ phẩm này phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải.
Phế phụ phẩm của quá trình này phải được xem là nguồn đầu vào quan trọng trong quá trình tuần hoàn khác, giúp kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi đang chú trọng đầu tư những dây chuyền công nghệ, nhằm tận dụng nguồn chất thải chăn nuôi thành phân bón hữu cơ. Điều này không chỉ giải quyết những vấn đề môi trường cho chính trang trại đó, mà còn mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho các doanh nghiệp.
Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần T&T 159 Hòa Bình cho biết: Hiện hoạt động phát triển chăn nuôi đại gia súc của công ty được tổ chức vận hành theo quy trình của mô hình kinh tế tuần hoàn.
Nói về kinh tế tuần hoàn, theo ông Thắng có thể hiểu là nền kinh tế khép kín không có rác thải, tất cả rác thải của công đoạn sản xuất thứ nhất chính là đầu vào của công đoạn sản xuất tiếp theo. Chính vì vậy, Công ty đã tận thu triệt để phế phụ phẩm trong quá trình chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ vi sinh.
Ông Thắng chia sẻ: Mô hình này đã được công ty đã tổ chức thực hiện 5 - 6 năm, trong quá trình triển khai, Công ty từng bước rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình. Trong đó, triết lý quan trọng nhất là xác định “từng chút chất thải cũng không được lãng phí”. Do đó, công ty đã xây dựng rất cẩn trọng, kỹ càng trên nền tảng công nghệ sinh học.
“Chúng tôi lấy công nghệ sinh học nền tảng để thực hiện xử lý phế phụ phẩm sản xuất thức ăn chăn nuôi, những thứ không làm được thức ăn sẽ xử lý làm đệm lót sinh học”, ông Thắng cho hay.
Đối với đệm lót sinh học, Công ty tận dụng tối đa những nguồn lực sẵn có tại địa phương, vừa tiện dụng vừa giảm được chi phí sản xuất...
Kinh tế tuần hoàn cần có địa vị pháp lý xứng đáng
Theo ông Hà Văn Thắng, kinh tế tuần hoàn rất cần đến sự linh hoạt, đặc biệt là các giải pháp, quá trình thực hiện luôn phải đổi mới, sáng tạo. Khâu thu gom, phải hết sức nhanh nhạy, nếu không có công nghệ thu gom, giải pháp phù hợp thì rất khó thực hiện.
Phế phụ phẩm trong nông nghiệp ở các khâu hiện nay rất nhiều, tuy nhiên nhiều người chưa nhận diện được giá trị thực sự của nó. Họ chưa coi rác thải là tài nguyên nên để lẫn lộn nhiều loại phụ phẩm với nhau, làm Công ty phải tốn rất nhiều công phân tách, tăng thêm giá thành xử lý. Từ đó, làm cho ý nghĩa của việc xử lý phế phụ phẩm không còn.
“Gía trị kinh tế không cao, lợi nhuận không hấp dẫn nên nhiều người đã bỏ qua. Đây là điều rất lãng phí và khó khăn cho những người đang nghiên cứu và ứng dụng kinh tế tuần hoàn”, ông Thắng nhấn mạnh.
Về phía quy định pháp luật, kinh tế tuần hoàn nhiều người biết nhưng việc đổi mới sáng tạo chưa có địa vị pháp lý xứng đáng để phổ biến rộng rãi trong đời sống xã hội.
Ông Thắng nêu ví dụ, trong chăn nuôi, khi xây dựng trang trại lớn cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường, trên cơ sở hướng dẫn của Luật Bảo vệ môi trường hiện hành, bên cạnh luật có hướng dẫn, nghị định, thông tư kèm theo…
Nói đến xử lý chăn nuôi, sẽ nghĩ ngay đến nước thải, nhưng khi Công ty dùng giải pháp mới, công nghệ sinh học thì một giọt nước thải cũng không có cơ hội thoát ra ngoài. Tuy nhiên, quá trình xây dựng trang trại vẫn phải làm hồ chứa, hệ thống thoát nước, hầm biogas…
Vì vậy, khó khăn không phải ở câu chuyện đi mua nguyên liệu mà là không còn hiệu quả kinh tế thì nhiều doanh nghiệp không quan tâm đến, đây là vấn đề cần sớm được tháo gỡ.
Bên cạnh đó, khi chưa có địa vị pháp lý thì các cơ quan quản lý yêu cầu phải áp dụng luật, việc vận dụng sáng tạo luật cho các trang trại lớn hiện nay trong vấn đề xử lý môi trường chưa nhiều. Chính vì vậy, làm hạn chế sức sáng tạo, sức hút, sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong việc xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp, đây là vấn đề vô hình nhưng hết sức quan trọng.
Muốn làm kinh tế tuần hoàn, phải phát triển chuỗi liên kết
Ông Hà Văn Thắng chia sẻ: Bản thân ông cũng như doanh nghiệp, mong muốn kinh tế tuần hoàn thực sự được lan tỏa. Ai cũng nhận thấy lợi ích mang lại, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng tiếp cận, biến nó thành hiện thực.
Đâu đó, vẫn xây dựng được những mô hình hiệu quả, nhưng khi lan tỏa thì lại gặp vấn đề, thậm chí có những vấn đề không thể giải thích nổi. Vì vậy, Công ty định hướng tiếp tục hoàn thiện chuỗi liên kết, lấy doanh nghiệp mình làm nòng cốt, đảm nhiệm vai trò dẫn dắt trong chuỗi.
Hiện, Công ty đang tổ chức rất nhiều mô hình mang tính tổ hội gia đình, HTX… để xây dựng các vùng nguyên liệu, tiếp tục thực hiện thu gom phế phụ phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, về nguyên liệu đầu vào cho chăn nuôi, Công ty tương đối chủ động, không bị đứt gãy. Bên cạnh đó, thuận lợi khai thác tối đa tiềm năng của các phế phụ phẩm.
“Làm kinh tế tuần hoàn phải luôn xác định không có chất thải, chất thải của công đoạn thứ nhất nhất định phải là đầu vào cho công đoạn thứ hai”, ông Hà Văn Thắng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa có chính sách, quy định thực sự mang tính lan tỏa, dễ đi vào đời sống xã hội. Người nông dân không có nhiều điều kiện để nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật, mà chỉ hành động bằng cảm nhận của mình là chính. Ngoài ra, cần lựa chọn được một công nghệ xủ lý phù hợp, dễ dàng áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau…
Trên cơ sở đó, ông Thắng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp phát triển kinh tế tuần hoàn nhanh, sử dụng được triệt để nguồn lực, làm cho hệ sinh thái cân bằng trở lại, bảo vệ môi trường… Các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa, tạo ra môi trường thuận lợi, thông thoáng đúng nghĩa để những doanh nghiệp làm mô hình kinh tế tuần hoàn an tâm, thuận lợi tránh được các quy định không còn phù hợp.