| Hotline: 0983.970.780

Cần có Hội nghị Diên Hồng tái cơ cấu Vinacafe

Thứ Ba 06/03/2018 , 13:40 (GMT+7)

Một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng được ban lãnh đạo và các đơn vị thành viên Vinacafe thảo luận sôi nổi tại hội nghị lần này chính là công tác tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp theo quyết định 2101...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2018 của Tổng Cty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) diễn ra sáng 5/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, Vinacafe cần thoát khỏi tư duy phát triển bình bình, thay vào đó phải có sự đột phá trong tái cơ cấu và đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh.

15-10-40_28755042_1861938057213786_1041630544_o
Thứ trưởng Hà Công Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Theo báo cáo của Vinacafe, năm 2017 các chỉ tiêu kế hoạch của doanh nghiệp cơ bản đạt kế hoạch đề ra, như sản xuất nông nghiệp, doanh thu, nộp ngân sách, chế biến… Riêng chỉ tiêu xuất khẩu và lợi nhuận giảm do quý 1/2017 giá cà phê liên tục giảm, mặt khác diện tích cà phê thanh lý để tái canh trong năm nhiều, do vậy đã làm giảm năng suất, sản lượng, ảnh hưởng chung đến lợi nhuận của Tổng công ty.

Cụ thể, tổng diện tích cà phê trong năm 2017 của Vinacafe đạt 16,5 nghìn ha, trong đó cà phê kinh doanh trên 11,5 nghìn ha, sản lượng cà phê nhân xấp xỉ 30 nghìn tấn, năng suất trung bình trên 2,5 tấn/ha. Tổng kết năm 2017, Vinacafe đạt tổng doanh thu trên 3,7 nghìn tỷ đồng, trong đó công ty mẹ là trên 2,88 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận tổng công ty đạt 77,2 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 43 tỷ đồng.

Một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng được ban lãnh đạo và các đơn vị thành viên Vinacafe thảo luận sôi nổi tại hội nghị lần này chính là công tác tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp theo quyết định 2101 và văn bản 2252 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, tới đây có thể Vinacafe sẽ được chuyển về dưới sự quản lí của Ủy ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp thay vì Bộ NN-PTNT hiện nay.

Theo báo cáo của Ban Đổi mới doanh nghiệp - Thanh tra (Vinacafe), trải qua 25 năm từ ngày hoạt động theo mô hình Tổng công ty 91 đến nay, Vinacafe đã trải qua 5 giai đoạn sắp xếp đổi mới. Trong đó, việc tái cơ cấu và đổi mới diễn ra quy mô lớn nhất là sau Quyết định 2101 giai đoạn 2012 -2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay Vinacafe đã hoàn thành công tác thanh lí tài sản, thu hồi vốn đầu tư, giải quyết chế độ chính sách cho người lao động và giải thể Cty CP Giống cây trồng Vinacafe Tây Nguyên theo đúng quy định. Hoàn thành công tác thoái 100% vốn Công ty mẹ - Tổng công ty và 7 đơn vị thành viên tại Cty CP Sản xuất kinh doanh Phân bón Vinacafe.

Hiện Vinacafe cũng đang thực hiện thủ tục thoái vốn Công ty mẹ - Tổng công ty tại Cty CP Xuất nhập khẩu Cà phê Đà Lạt, từ 65% xuống còn 51% vốn điều lệ. Như vậy, đến năm 2017 Tổng công ty đã hoàn thành cơ bản việc thoái vốn, giá trị thu hồi 40,44 tỷ/23,93 tỷ vốn điều lệ cần thoái, tăng 1,7 lần.

15-10-40_28755545_1861938520547073_1042253692_o
15-10-40_28810387_1861939280546997_708761487_o
Thứ trưởng Hà Công Tuấn thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ trao Huân chương và Bằng khen cho cá nhân, tập thế xuất sắc của Vinacafe

 Bên cạnh đó, thời gian qua Vinacafe cũng tiến hành cho phá sản 2 đơn vị là Cty CP Thương mại dịch vụ Vinacafe Đăk Lăk và Vinacafe Quảng Ngãi theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tháng 10/2017, Tổng công ty hoàn thành sáp nhập nguyên trạng Vinacafe 331 vào Vinacafe Ia Sao 2 và Vinacafe Đắk Hà vào Vinacafe Đắk Uy.

 Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, thời gian tới dù chuyển giao Vinacafe từ Bộ NN-PTNT về Ủy ban Quản lí vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì Bộ vẫn sẽ tiếp tục đồng hành với ngành hàng quan trọng như này cũng như tiếp tục có những đề xuất với Chính phủ để doanh nghiệp ngày càng phát triển lớn mạnh hơn, hiệu quả hơn.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng lưu ý, ban lãnh đạo Vinacafe dù giữ được sự ổn định, song cần biết mình đang ở đâu, chiếm tỷ trọng và đóng góp như thế nào trong tổng thể ngành cà phê nói riêng và ngành nông sản nói chung. Bởi nhìn thẳng vào thực tế cho thấy, tính hiệu quả trên đồng vốn cũng như lợi nhuận trên vốn điều lệ thì Vinacafe thuộc diện đang thấp nhất trong số các doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay.

Do đó, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị sau hội nghị này, Tổng công ty Cà phê Việt Nam cần tổ chức một "Hội nghị Diên Hồng" với sự tham dự của chuyên gia, đơn vị thanh viên và những người có kinh nghiệm nhằm thảo luận và tìm ra phương hướng, giải pháp đổi mới. Từ đó, việc đề xuất các giải pháp tái cơ cấu, phương án sản xuất, kinh doanh cần mang tính đột phá hơn, chứ không chỉ dừng lại ở cổ phần hóa, cho phá sản, sáp nhập như thời gian vừa qua thực sự không mang lại kết quả như mong muốn.

Về nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nông nghiệp theo Văn bản số 2252 ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Vinacafe đã cổ phần hóa 5 đơn vị bao gồm: Cà phê 715B, IaBlan, Cà phê 734, Cà phê Đắk Nông và Cà phê 705. Vinacafe cũng tiến hành chuyển đổi Cà phê Ea Ktur từ 1 thành viên lên 2 thành viên. Mặt khác, Vinacafe theo chủ trương tiến hành giải thể tiếp 2 đơn vị là Cty TNHH MTV Cà phê Ea Bá và Trung tâm Sản xuất Giống lúa lai.

 

Xem thêm
Thời của tôm sú?

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.