| Hotline: 0983.970.780

Cần giải quyết dứt điểm nạn lấn chiếm đất rừng phòng hộ

Thứ Tư 05/04/2023 , 10:19 (GMT+7)

Đất rừng phòng hộ bị lấn chiếm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấn khiến nhiều chủ rừng tại Quảng Trị đang đau đầu giải quyết hậu quả.

Empty

Các ông: Võ Trung, Võ Tân ở thôn Trấm, xã Triệu Thượng và ông Lê Đình Phú ở Thôn 5, xã Ba Lòng, huyện Đakrông đã phát cây, lấn chiếm đất rừng phòng hộ. Ảnh: Võ Dũng.

Dân dựng lán trại, trồng cây lấn chiếm đất rừng phòng hộ

Đầu tháng 10/2022, Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn phát hiện một số hộ dân dựng lán trại, phát cây, lấn chiếm đất rừng phòng hộ, trồng keo tại Tiểu khu 818, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị). Người dân vi phạm gồm các ông: Võ Trung, Võ Tân ở thôn Trấm, xã Triệu Thượng và ông Lê Đình Phú ở Thôn 5, xã Ba Lòng, huyện Đakrông.

Sau khi phát hiện vụ việc, Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực Sông Thạch Hãn đã phối hợp với ngành chức năng để xử lý, yêu cầu các hộ dân lấn chiếm đất rừng trái phép khẩn trương tự tháo dỡ lán trại, di dời cây keo khỏi vị trí lấn chiếm. Tuy nhiên, sau nhiều lần họp, kiểm tra, các hộ dân vẫn cố tình chây ỳ, không chấp hành.

Ngày 8/3/2023, Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực Sông Thạch Hãn tiếp tục phát hiện các hộ dân này dựng lán trại, phát lấn chiếm đất rừng trái phép tại Tiểu khu 818. Đơn vị đã nhiều lần có văn bản, tuy nhiên các hộ dân vẫn không thực hiện.

Tính đến ngày 22/3/2023, lán trại vẫn chưa được tháo dỡ, các hộ dân đã phát thực bì xâm lấn với diện tích khoảng 1ha. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, diện tích lấn chiếm sẽ tiếp tục tăng lên.

Ông Thái Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực Sông Thạch Hãn cho biết, cái khó của đơn vị là khi phát hiện chỉ được phép lập biên bản hiện trường, không có chức năng xử lý. Sự việc đang tạm thời dừng lại nhưng nếu các cấp chính quyền, ngành chức năng không quyết liệt trong việc xử lý cũng như có các phương án bảo vệ thì rất có thể tình trạng trên sẽ tái diễn.

Empty

Dựng lán trại ở trong rừng để phát rừng, trồng cây. Ảnh: Võ Dũng.

Cũng theo ông Sơn, trước thời điểm đơn vị thành lập (2006), một số hộ dân đã trồng rừng ở các khu vực do Ban được giao quản lý. Quá trình cấp đất rừng cho Ban và 1 số hộ dân bị chồng lấn. Thậm chí, cùng một thời điểm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được cấp cho đồng cả người dân lẫn Ban. Cũng có một số diện tích trong quá trình trồng rừng, người dân đã xâm canh, xâm lấn. Đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực Sông Thạch Hãn có trên 47ha đất bị lấn chiếm, chồng lấn rất khó để giải quyết dứt điểm.

Theo tìm hiểu của PV NNVN, thực trạng trên không chỉ xẩy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực Sông Thạch Hãn. Hiện nay, Công ty Lâm nghiệp Triệu Hải cũng có gần 60ha đất rừng bị người dân lấn chiếm hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng bị chồng lấn.

Mới đây nhất, 14 cây thông 33 năm tuổi tại lô C21a thuộc khoảnh 11, tiểu khu 547của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải bị kẻ xấu dùng khoan khoan sâu vào gốc và và bơm hóa chất nhằm làm chết cây. Đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải cho rằng, có thể sau khi cây chết, các đối tượng sẽ cưa trộm nhằm lấn chiếm đất rừng để trồng keo.

Thời gian qua, phần đất của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải giao Chi nhánh Xí nghiệp 1 quản lý, bảo vệ (thuộc địa bàn xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh) đã xảy ra các vụ việc tương tự nhưng rải rác và số lượng cây ít hơn lần này.

Trước sự việc trên, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải đã phải gửi văn bản “cầu cứu” UBND huyện, Công an huyện và Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Linh đề nghị làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Empty

Ông Thái Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực Sông Thạch Hãn (phải) cho biết đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn do những bất cập trong giao đất giao rừng. Ảnh: Công Điền.

Tránh đêm dài lắm mộng

Ông Võ Hùng Phong, Trưởng thôn Trấm, xã Triệu Thượng cho biết, vấn đề ranh giới đất rừng của người dân và Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn cần sớm được làm rõ. Trước đây đã từng có thời điểm xẩy ra xung đột giữa người dân và cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn trong vấn đề đất rừng.

Nếu không muốn xung đột tiếp diễn, ngoài việc bàn giao lại đất cho người dân sản xuất theo đúng kế hoạch, việc giám sát xâm lấn cũng phải làm thật nghiêm, tránh tình trạng người này làm được, người kia cũng làm được.

“Người dân thôn Trấm sống chủ yếu bằng trồng rừng vì gần như không có lúa nước, lúa rẫy. Vì vậy cần sớm ổn định vấn đề ranh giới đất rừng để người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, tránh những điều đáng tiếc xẩy ra”, ông Phong cho hay.

Empty

Xâm lấn đất rừng phòng hộ để trồng keo đang trở thành vấn nạn tại Quảng Trị. Ảnh: Võ Dũng.

Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn được thành lập năm 2006, hiện quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và đất rừng phòng hộ với diện tích trên 7.700ha. Thời gian qua, đơn vị đã chuyển đổi và bàn giao đất, rừng phòng hộ đầu nguồn ít xung yếu sang phát triển sản xuất trên 1.100ha cho các địa phương.

Căn cứ vào nhu cầu trồng rừng sản xuất của người dân và dựa trên diện tích quy hoạch 3 loại rừng, theo kế hoạch Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn sẽ tiếp tục bàn giao cho các địa phương quản lý gần 230 ha. Tuy nhiên, đến nay, ban mới chỉ bàn giao được 132ha cho huyện Triệu Phong.

Kế hoạch bàn giao đang tạm thời ách lại. Trong số này có hơn 7,9 ha các địa phương chưa chịu nhận bàn giao. Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực Sông Thạch Hãn đã nhiều lần đề nghị UBND huyện Triệu Phong, UBND xã Triệu Thượng tiếp nhận nhưng địa phương chưa chấp nhận với lý do còn có 2,7ha không có trữ lượng chưa được thanh lý tài sản trên đất. Diện tích này hiện đã tách ra khỏi ranh giới quản lý của Ban, thuộc diện tích địa phương quản lý nhưng vẫn chưa thể bàn giao trên thực địa.

Được biết, hiện nay Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực Sông Thạch Hãn đã xây dựng hồ sơ thanh lý rừng trồng sản xuất trình cấp trên thẩm định và phê duyệt.

Tuy nhiên do vướng mắc một số thay đổi, bổ sung trong Nghị định 156/2018/ NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp chưa được ban hành. Vì vậy, hồ sơ thanh lý rừng trồng sản xuất vẫn chưa được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt.

Empty

Theo ông Võ Hùng Phong, Trưởng thôn Trấm, xã Triệu Thượng, cần giải quyết rốt ráo vấn đề ranh giới đất rừng giữa người dân và BQL RPH lưu vực sông Thạch Hãn. Ảnh: Công Điền.

Ông Thái Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn cho biết, đơn vị cũng đang rất tích cực triển khai các phần việc để sớm bàn giao cho các địa phương diện tích còn lại theo đúng kế hoạch. Ông Sơn cũng đề nghị ban ngành chức năng tỉnh Quảng Trị sớm bóc tách, làm rõ và cắm mốc ranh giới giữa đất của Ban và đất rừng của người dân để việc quản lý đất rừng phòng hộ được hiệu quả.

“Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt và trách nhiệm hơn nữa để giải quyết rốt ráo vấn đề. Nhiều khi cán bộ trong ban đi đóng cọc mốc ranh giới nhưng khi không có mặt tại hiện trường là người dân lại tự ý dời cột mốc. Có hộ còn âm thầm trồng keo trên đất rừng phòng hộ, khi cây keo lớn sẽ âm thầm phát dọn để keo phát triển. Nếu không giải quyết dứt điểm thì sự việc sẽ ngày càng khó giải quyết”, ông Sơn cho hay.

Giữ đất rừng còn khó hơn giữ rừng

Ông Thái Văn Sơn, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Thạch Hãn cho biết, do còn nhùng nhằng giữa quyết định phương án tự chủ hay không tự chủ, hiện đơn vị có khoảng 400 ha đất trống chưa được sử dụng. Nếu là đơn vị phụ thuộc, việc trồng rừng phải được tỉnh cấp ngân sách. Trong khi đó, nếu được cho tự chủ đơn vị mới đủ điều kiện tiến hành các phương án liên doanh liên kết để tăng hiệu quả trồng rừng.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Trồng 1.000 cây hoa ban tri ân mảnh đất Điện Biên Phủ

Chiến dịch 'Phủ xanh tương lai trên mảnh đất lịch sử' tiến hành trồng 1.000 cây hoa ban tại những di tích lịch sử quan trọng ở thành phố Điện Biên Phủ.

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.