| Hotline: 0983.970.780

Nhận diện điểm nghẽn để phát triển nuôi biển công nghiệp

Cần khẩn trương quy hoạch không gian biển

Thứ Ba 10/10/2023 , 06:00 (GMT+7)

Giao mặt nước biển một Bộ phụ trách, cấp phép nuôi trồng lại một Bộ khác; hay tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về nuôi biển chưa có; thời gian giao ngắn hơn nhiều nếu căn cứ vào hiệu quả suất đầu tư... là những khó khăn cần tháo gỡ sớm.

Vướng mắc bủa vây

Bài liên quan

Nói đến việc chuyển đổi nuôi biển từ phương pháp truyền thống sang công nghiệp, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, chua chát: “Luật Thủy sản đã quy định thời hạn giao biển cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng hải sản trên biển là 30 năm, có thể gia hạn thêm 20 năm, với điều kiện vùng mặt nước biển được giao phải nằm trong quy hoạch. Thế nhưng hiện nay chưa có quy hoạch mặt nước biển nên muốn triển khai cũng không thể”.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, điểm nghẽn lớn nhất trong lộ trình chuyển đổi nuôi biển từ phương thức nuôi truyền thống sang công nghiệp hiện nay là về quy hoạch mặt nước biển. Công tác quy hoạch thuộc trách nhiệm của Bộ TN-MT. Trong khi chính sách để phát triển nuôi trồng hải sản trên biển đã có trong Luật Thủy sản và hàng loạt Nghị định, Quyết định của Chính phủ, trong đó có Nghị định 11/2021/NĐ-CP hướng dẫn giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, thế nhưng đến nay quy hoạch mặt nước biển chưa có.

“Trước tình hình này, để khởi động tiến trình chuyển đổi nuôi biển truyền thống sang công nghiệp, tôi nghĩ các địa phương nên chủ động. Hiện nay, cả nước mới chỉ có tỉnh Quảng Ninh đã công bố quy hoạch nuôi biển và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các tỉnh ven biển khác thì đang ngóng quy hoạch tổng thể quốc gia”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ.

Để phát triển nuôi biển công nghiệp, Việt Nam cần khẩn trương quy hoạch không gian biển. Ảnh: V.Đ.T.

Để phát triển nuôi biển công nghiệp, Việt Nam cần khẩn trương quy hoạch không gian biển. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, về vấn đề giao mặt nước biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thì cũng còn nhiều vướng mắc. Vướng mắc đầu tiên là về khâu cấp giấy phép nuôi trồng hải sản trên biển, khâu này do ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm cấp. Thế nhưng khi giao quyền sử dụng mặt nước biển thì do trách nghiệm của ngành tài nguyên môi trường. Rất nhiêu khê.

Thêm nữa, hiện nay chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về nuôi biển. Chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn thì chưa thể nói tới việc kiểm tra, đánh giá, thủ tục đăng kiểm cơ sở và phương tiện nuôi cũng chưa có. Thậm chí cơ quan được phân công trách nhiệm đăng ký, đăng kiểm cho cơ sở nuôi biển. “Hiện ngành nông nghiệp mới chỉ có trung tâm đăng kiểm tàu cá chứ chưa có cơ quan đăng kiểm thủy sản nói chung. Hiện Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam kiến nghị với Bộ NN-PTNT khi đã có nuôi biển công nghiệp thì phải có cơ quan có trách nhiệm đăng ký, đăng kiểm nuôi biển. Giờ mà hỏi trung tâm đăng kiểm tàu cá về việc đăng ký nuôi biển thì họ sẽ bảo là chỉ có trách nhiệm về tàu cá chứ chẳng biết gì về nuôi trồng hải sản trên biển”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng bộc bạch.

Còn theo PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nguyên Giám đốc Viện Hải Dương học Nha Trang, thành viên Hội đồng Tư vấn Khoa học và Công nghệ Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nguyên viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, khi đã quy hoạch thì ngành chức năng quy hoạch cho cả vùng biển nuôi theo phương thức truyền thống và vùng biển mở nuôi theo phương thức công nghiệp. Nếu chỉ quy hoạch 1 trong 2 thì không đáp ứng được nhu cầu cho những hộ nuôi biển nhỏ lẻ và các doanh nghiệp nuôi biển theo hướng công nghiệp.

Hiện việc giao mặt nước biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng còn nhiều vướng mắc. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện việc giao mặt nước biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng còn nhiều vướng mắc. Ảnh: V.Đ.T.

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn nêu ý kiến: Bây giờ nuôi biển chưa thể dứt bỏ phương thức truyền thống tiến ra vùng biển mở để nuôi công nghiệp được thì cần phải quy hoạch song song. Quy hoạch tích hợp nuôi biển gắn với du lịch và bảo tồn tài nguyên biển. Cần khuyến khích nuôi biển tự nhiên để vừa bảo tồn sinh thái môi trường biển, vừa tiết kiệm về kinh tế mà hiệu quả mang lại cao.

“Khi quy hoạch không gian biển cần phải vận dụng kiến thức khoa học về biển. Kiến thức sinh thái học cũng cần được quan tâm trong quy hoạch không gian biển về quá trình trao đổi vật chất, về sóng gió dưới đáy biển, về sinh cảnh, sinh cư của biển, nhất là khi quy hoạch vùng nuôi trồng hải sản trên biển”, PGS.TS Võ Sĩ Tuấn chia sẻ.

“Khát” mặt nước nuôi biển

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, muốn phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, trước tiên phải giao mặt nước cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thời gian ít nhất 20 - 30 năm để họ yên tâm đầu tư hạ tầng nuôi biển. Nếu việc giao diện tích mặt nước cho người nuôi biển chưa thực hiện được thì mãi mãi họ cứ bám phương thức nuôi truyền thống. Không được giao mặt nước bền vững thì không ai dám bỏ tiền ra đầu tư sắm lồng bè nuôi công nghiệp bởi suất đầu tư lĩnh vực này có chi phí rất cao.

Với Bình Định, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ, tỉnh có vùng biển dài, nuôi biển gần bờ khó hơn các nơi khác do ít tảo, không có vùng vịnh kín nên sẽ gặp khó trong phát triển nuôi biển. Giờ có xu hướng chuyển nuôi biển từ phương thức truyền thống sang công nghiệp thì Bình Định có lợi thế phát triển, bởi vùng biển mở là môi trường thuận lợi để đầu tư.

Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận ra xa bờ vài chục mét là biển đã sâu, dòng chảy mạnh, có thể nuôi biển thành công. Ảnh: V.Đ.T.

Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận ra xa bờ vài chục mét là biển đã sâu, dòng chảy mạnh, có thể nuôi biển thành công. Ảnh: V.Đ.T.

“Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận có điều kiện tương đồng có thể phát triển nuôi biển. Ra xa bờ vài chục mét là biển đã sâu, dòng chảy mạnh, đây là những điều kiện tiên quyết để nuôi biển thành công. Nếu được giao mặt nước biển chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia. Quy hoạch không gian biển cấp quốc gia lẽ ra Bộ TN-MT đã hoàn thành từ năm 2020, thế nhưng nay vẫn chưa xong, đến 2025 chưa chắc đã xong. Quy hoạch nuôi biển ở các địa phương trong vùng 6 hải lý trở vào cũng chưa được quan tâm thì làm sao triển khai”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng tâm tư.

Nỗi lo về mặt nước nuôi biển có thể đơn cử từ Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam. Theo ông Hoàng Ngọc Bình, Giám đốc Vận hành công ty, công ty thuê mặt nước biển ở vịnh Văn Phong (Khánh Hòa) hoạt động đã được 20 năm, đến năm 2023 này là hết hạn, trong khi công ty đang hoạt động hiệu quả. Diện tích mặt nước ở vịnh Văn Phong hết hạn, UBND tỉnh Khánh Hòa không cho thuê tiếp, mà bảo phải di dời ra vùng biển mở để hoạt động. Di dời ra vùng biển xa công ty gặp khó về tài chính, vay thêm vốn từ ngân hàng thì do công ty không được cấp lại mặt nước nên ngân hàng không cho vay. Xin diện tích mặt nước khác trên vịnh Văn Phong nhưng chính quyền thông báo không còn. Thế là Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam di chuyển hoạt động vào Phú Quốc (Kiên Giang), làm thủ tục đã 2 năm, dù được chính quyền địa phương rất ủng hộ nhưng do vướng thủ tục nên đến giờ chưa được cấp diện tích mặt nước.

“Nếu xin được mặt nước rồi thì lại vướng đến mặt đất. Do vùng biển Phú Quốc là vùng biển đảo, nên cần phải có cơ sở hậu cần trên mặt đất để chứa thức ăn cho cá, lưới, lồng… không biết có xin được không”, ông Hoàng Ngọc Bình chia sẻ.

Muốn phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, phải giao mặt nước biển ít nhất 20 - 30 năm để người nuôi yên tâm đầu tư hạ tầng. Ảnh: V.Đ.T.

Muốn phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, phải giao mặt nước biển ít nhất 20 - 30 năm để người nuôi yên tâm đầu tư hạ tầng. Ảnh: V.Đ.T.

Không chỉ doanh nghiệp, ngư dân, đến cả đơn vị Nhà nước như Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I cũng khổ sở về mặt nước nuôi biển. Theo ông Phạm Đức Phương, chuyên gia kỹ thuật phụ trách Trung tâm Nuôi biển Công nghệ cao thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, trang trại nuôi biển của Trung tâm cũng được UBN tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp mặt nước biển, tuy nhiên đã hết hạn. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I đã làm rất nhiều thủ tục, thậm chí xin Bộ NN-PTNT có ý kiến xin gia hạn diện tích mặt nước đã được cấp, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp lại do vướng cơ chế.

“Đầu tư cho trang trại nuôi biển chúng tôi tiêu tốn vốn rất nhiều. Vật tư, thiết bị phải theo tiêu chuẩn nuôi công nghiệp để có thể trụ vững trước điều kiện khắc nghiệt của thời tiết do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Do đó, chi phí cho vật tư, trang thiết bị nuôi biển rất nhiều tiền, thời gian sử dụng cũng rất dài. Ví như thờ gian sử dụng lồng nuôi là 50 năm, nhưng với cơ chế hiện nay cấp mặt nước nuôi biển tối đa chỉ 20 năm. Hết thời gian thuê mặt nước biển rồi mà không được cấp lại thì những vật liệu nuôi biển tốn cả đống tiền giờ chúng tôi không biết dùng vào việc gì”, ông Phạm Đức Phương than thở.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.