| Hotline: 0983.970.780

Nhận diện điểm nghẽn để phát triển nuôi biển công nghiệp

Chuyển đổi để tồn tại

Thứ Hai 09/10/2023 , 08:30 (GMT+7)

Nuôi biển truyền thống đã bộc lộ nhiều bất cập, hiệu quả kinh tế ‘giậm chân tại chỗ’, gây ô nhiễm môi trường, rủi ro cao… đến lúc phải chuyển đổi theo hướng công nghiệp.

Viễn cảnh đẹp

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, trong chiến lược phát triển ngành thủy sản của Việt Nam, thời gian tới đây sẽ giảm khai thác tăng nuôi trồng, trong đó giảm khai thác nhằm làm giảm áp lực về nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Số liệu thống kê cho thấy, cao điểm lực lượng tàu cá của Việt Nam có 90.000 chiếc, giờ còn 86.686 chiếc; trong đó, số tàu có chiều dài trên 15m chuyên đánh bắt xa bờ là trên 30.000 chiếc. Lực lượng tàu cá như thế là quá lớn so với nguồn lợi thủy sản hiện có. Điều tra sản lượng hải sản trên biển cho thấy chỉ có 3,95 triệu tấn tại 1 thời điểm. Nếu không giảm khai thác thì sẽ không đảm bảo yêu cầu khai thác bền vững.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nuôi biển theo phương thức truyền thống hiện đã bộc lộ nhiều bất cập. Vật liệu nuôi thiếu bền vững, trong khi điều kiện nuôi rất khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên rình rập. Mật độ nuôi quá dày dẫn đến ô nhiễm môi trường trầm trọng, nhất là khi thức ăn nuôi biển hầu hết là mồi tươi. Hiệu quả kinh tế thì đã “kịch trần”, chẳng thể tăng thêm. Trong bối cảnh này, song hành với chủ trương “giảm khai thác, tăng nuôi trồng”, nếu không chuyển đổi phương thức nuôi từ truyền thống sang công nghiệp thì “bức tranh” nuôi biển sẽ còn rối rắm hơn nữa.

Việt Nam đang có số lượng tàu cá quá lớn so với nguồn lợi thủy sản hiện có. Ảnh: V.Đ.T.

Việt Nam đang có số lượng tàu cá quá lớn so với nguồn lợi thủy sản hiện có. Ảnh: V.Đ.T.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, tiềm năng nuôi cá biển của Việt Nam rất lớn. Diện tích mặt nước có thể nuôi biển là 500.000ha; trong đó, vùng bãi triều 153.300ha; vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790ha và vùng biển xa bờ là 100.000ha. Biển Việt Nam có nhiều khu vực phù hợp với nuôi cá do có độ sâu thích hợp (từ 20 - 200m); tốc độ dòng chảy vừa đủ mạnh, từ 0,10 - 1,0m/s; vị trí khá gần bờ, đảo (dưới 25 hải lý) thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hậu cần để chứa thức ăn, lưới, lồng.

“Nếu tính hết các yếu tố nói trên thì Việt Nam hiện có khoảng 1.000km2 có thể phát triển nuôi biển. Với công nghệ hiện nay, nuôi cá biển ở vùng nhiệt đới năng suất bình quân đạt từ 9.900 đến 12.000 tấn/km2. Như vậy, với 1.000km2, nếu nuôi hết diện tích thì mỗi năm Việt Nam đạt sản lượng 10 triệu tấn cá biển. Hiện nay, chỉ riêng xuất khẩu cá tra, loài cá nước ngọt với sản lượng 1 triệu tấn/năm, Việt Nam đã thu về 2,5 tỷ USD. Vì vậy, nếu Việt Nam mỗi năm chỉ cần nuôi đạt sản lượng 1 triệu tấn cá biển thì có thể thu về 10 - 15 tỷ USD, nếu nuôi đạt 10 triệu tấn cá biển thì nguồn ngoại tệ thu vào còn lớn gấp 10 lần”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng phân tích.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Việt Nam có tiềm năng nuôi biển lớn là vậy nhưng hiện nay chưa có doanh nghiệp nào nuôi cá biển xa bờ, mới chỉ có dưới 10 doanh nghiệp nuôi cá biển theo phương thức công nghiệp. Trong đó, có Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam nuôi thành công nhất và sản lượng cũng chỉ đạt 10.000 tấn/năm.

Việt Nam đang có 500.000ha diện tích mặt nước có thể nuôi biển. Ảnh: V.Đ.T.

Việt Nam đang có 500.000ha diện tích mặt nước có thể nuôi biển. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Cục Thủy sản), hiện nay, đối tượng nuôi biển ở Việt Nam rất phong phú. Nhóm cá biển có các loài cá song, cá giò, cá hồng, cá vược, cá tráp, cá chim vây vàng, cá ngừ, cá măng biển. Nhóm nhuyễn thể có ngao, sò, hàu, vẹm xanh, tu hài, bào ngư, trai ngọc, ốc hương. Nhóm giáp xác có tôm hùm cua, ghẹ. Nhóm rong tảo biển có rong sụn, rong câu, rong mứt, rong nho, tảo biển…

“Hiện ngành chức năng đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống một số loài cá biển như cá song, cá chim vây vàng, cá chẽm, cá hồng Mỹ, cá giò, cá sủ đất…; hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi thương phẩm một số loài nhuyễn thể như ốc hương, tu hài, bào ngư, hàu Thái Bình Dương, hàu cửa sông và đang tiếp tục nghiên cứu sản xuất giống cá song vua, tôm mũ ni, rong biển; nghiên cứu hoàn thiện lồng nuôi bằng chất dẻo HDPE; nghiên cứu thành công thức ăn cho cá chim vây vàng, cá song, cá vược, cá giò và đang nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm”, ông Trần Công Khôi chia sẻ.

Tiến ra vùng biển mở, hướng đi tất yếu

Ông Trần Công Khôi cho biết thêm, những năm qua, nghề nuôi biển đã đóng góp thay đổi cơ cấu kinh tế của ngành thủy sản. Thế nhưng hầu hết các mô hình nuôi biển ở Việt Nam đều nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu quy mô hộ gia đình với công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường.

“Ví như nuôi biển ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ hầu hết là tự phát, mật độ nuôi quá dày. Mật độ nuôi dày ở đây là cục bộ từng địa phương chứ không phải toàn diện nên rất khó xử lý. Trong khi biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng bất lợi cho nghề nuôi biển, do đó, phải chuyển nuôi biển từ truyền thống sang công nghiệp mới có hiệu quả, nuôi nhỏ lẻ rủi ro thua lỗ quá cao”, ông Trần Công Khôi chia sẻ.

Hiện nay Việt Nam đã làm chủ được công nghệ vật liệu nuôi biển bền vững bằng lồng HDPE, nếu tiến ra vùng biển xa thì nghề nuôi biển có thể trụ vững trước sóng to gió lớn. Đây là việc phải làm của nghề nuôi biển để hướng tới phát triển bền vững. Hiện nay, khi chưa có điều kiện để nghề nuôi biển tiến ra vùng biển mở thì có thể phát triển nuôi kín trong bờ, hệ nuôi biển kín trong bờ hiện đang là xu hướng của thế giới.

Hiện Việt Nam đã làm chủ được công nghệ vật liệu nuôi biển bền vững bằng lồng HDPE. Ảnh: V.Đ.T.

Hiện Việt Nam đã làm chủ được công nghệ vật liệu nuôi biển bền vững bằng lồng HDPE. Ảnh: V.Đ.T.

“Ở thành phố Hồ Chí Minh hay ở Hà Nội đã có những thanh niên khởi nghiệp bằng việc đưa nước biển vào nuôi cá biển trên bờ ứng dụng công nghệ tuần hoàn (RAS) đạt kết quả rất khả quan. Hoặc nuôi biển đa dưỡng tích hợp với các ngành kinh tế khác như du lịch, dầu khí, nhựa, điện gió, vận tải biển... tăng cường cơ chế đồng quản lý với hệ thống cảnh báo ô nhiễm môi trường, cảnh giới và an ninh nuôi biển. Đây là định hướng chung trong phát triển thủy sản của Việt Nam đã được xác định tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 của Chính phủ về Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030 tầm nhìn 2045”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng nói.

Năm 2023, ngành thủy sản Việt Nam đã chuyển dịch “giảm khai thác, tăng nuôi trồng”. Xác định diện tích nuôi biển là 85.000ha với 10 triệu lồng nuôi, sản lượng đạt 850.000 tấn. Trước mắt, ngành chức năng sẽ triển khai Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030 tầm nhìn 2045 theo Quyết định số 1664 của Chính phủ tại 4 tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang, Phú Yên và Ninh Thuận.

Tuy nhiên, việc phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện nay đang gặp nhiều thách thức. Những điểm nghẽn trong nuôi biển theo hướng công nghệ được nhận diện tập trung vào chính sách, cần phải được tháo gỡ mới có thể phát triển được như mong muốn.

Phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp ở Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều thách thức. Ảnh: V.Đ.T.

Phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp ở Việt Nam hiện nay đang gặp nhiều thách thức. Ảnh: V.Đ.T.

Cụ thể, về chính sách thì trong Luật Thủy sản 2017 có quy định về việc giao mặt nước biển cho tổ chức, cá nhân; Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản cũng đã được ban hành; Nghị định 11/2021/NĐ-CP hướng dẫn giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển; Quyết định 339/QĐ-TTg xác định phát triển nuôi biển thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa theo quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở, tạo khối lượng sản phẩm lớn để phục vụ chế, biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; định hướng phát triển nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được thể hiện tại Quyết định 1664/QĐ-TTg; và mới đây nhất, Quyết định 985/QĐ-TT ngày 16/8/2022 về Chương trình Quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 cũng đã được ban hành. Thế nhưng…

“Chính sách đã có rồi, nhưng đến nay chưa được thực hiện. Giờ phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp thì thiếu đủ thứ, nhất là về quy hoạch mặt nước biển, tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam về nuôi biển, thủ tục đăng kiểm cơ sở và phương tiện nuôi biển, bảo hiểm cho cơ sở nuôi biển, chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển, nguồn nhân lực được đào tạo về nuôi biển và nguồn tín dụng để đầu tư nuôi biển công nghiệp”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng liệt kê những vướng mắc khi chuyển nuôi biển từ truyền thống sang công nghiệp.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.