| Hotline: 0983.970.780

Cần sớm bảo hộ sở hữu trí tuệ cho đệm bàng Phò Trạch

Thứ Sáu 01/12/2023 , 10:59 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Từ hàng trăm năm nay, người dân làng Phò Trạch đã lấy nghề làm đệm bàng để mưu sinh, hình thành thương hiệu làng nghề nổi tiếng xứ Huế 'làng nghề đệm bàng Phò Trạch'.

Ở làng Phò Trạch (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), từ người già cho đến trẻ nhỏ, từ phụ nữ đến đàn ông không ai không biết đan đệm.

Theo nhiều nghệ nhân ở làng Phò Trạch, nguyên liệu chủ yếu để tạo nên sản phẩm đệm là cây cỏ bàng, một loài cỏ dại mọc hoang nhiều ở các vùng đất thấp trũng, ngập nước của địa phương.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm đệm bàng Phò Trạch. Ảnh: Công Điền.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm đệm bàng Phò Trạch. Ảnh: Công Điền.

Bà Nguyễn Thị Cháu, một nghệ nhân lâu năm chia sẻ: Để làm ra sản phẩm phải trải qua rất nhiều khâu từ cắt cây cỏ bàng ở ruộng về, sau đó phơi khô dưới ánh nắng tự nhiên, phân loại, cất giữ cẩn thận. Vất vả nhất là khâu đạp bàng cho sợi bàng dẹp và mềm mới đan để tạo ra các sản phẩm.

Đặc biệt khi đan, người thợ so những sợi bàng mềm xếp cạch nhau cùng một hướng, khoảng 20 - 30 sợi, quay lại theo hướng vuông góc với những sợi đã sắp trước. Hoa văn hoặc chữ có thể điểm xuyết để tăng độ kỹ xảo và mỹ thuật. Cũng theo bà Cháu, chính sự kỳ công của người thợ đã làm nên thương hiệu làng nghề đệm bàng Phò Trạch từ xa xưa cho đến ngày nay.

“Dù hiện nay trên thị trường có nhiều vật dụng sản xuất công nghiệp nhưng các sản phẩm được đan bằng nguyên liệu tự nhiên là cây cỏ bàng này như đệm, túi xách, mũ, chiếu… ngày nay đang được thị trường ưa chuộng vì nó có màu đẹp, có độ bền chắc và thân thiện với môi trường”, bà Cháu cho biết.

Ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phong Bình (huyện Phong Điền) cho biết, nghề sản xuất đệm bàng Phò Trạch hiện đang thu hút bộ phận lớn lao động ở vùng nông thôn xã Phong Bình. Hiện có hơn 120 hộ đang tham gia sản xuất, trong đó có 35 hộ có thu nhập chính từ nghề này. Ngoài ra, UBND xã cũng đã thành lập tổ hợp tác để quản lý và phát triển nghề sản xuất đệm bàng.

Sản phẩm đệm bàng Phò Trạch với mẫu mã phong phú, đa dạng, đang từng bước chinh phục người tiêu dùng. Ảnh: Công Điền.

Sản phẩm đệm bàng Phò Trạch với mẫu mã phong phú, đa dạng, đang từng bước chinh phục người tiêu dùng. Ảnh: Công Điền.

“Trên địa bàn xã Phong Bình hiện có cơ sở sản xuất cỏ bàng và Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt phối hợp với Làng nghề đệm bàng Phò Trạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cỏ bàng. Đây là bước phát triển mới trong hoạt động tổ chức sản xuất nghề đệm bàng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển ổn định nghề này ở địa phương”, ông Huy cho hay.

Theo ông Huy, những năm gần đây, với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các ban ngành, nghề đan các sản phẩm từ cây cỏ bàng đã được vực dậy. Ngoài những sản phẩm truyền thống như đệm, chẹ, bao bì..., đệm bàng Phò Trạch còn có những mặt hàng phù hợp với đời sống hiện đại như đèn ngủ, túi xách mỹ thuật, đệm ngồi, sọt đựng rác...

Một số sản phẩm còn đáp ứng theo tiêu chuẩn của châu Âu, trong đó chú trọng đến tính tiện lợi, tính dân gian và thân thiện với môi trường. Các sản phẩm đệm bàng Phò Trạch được ký gửi bán ở các siêu thị lớn ở Huế và đưa đi triển lãm, quảng bá ở các hội chợ, hội thi, tham dự các kỳ Festival và đạt được nhiều giải thưởng quan trọng như: Hội thi Làng nghề thủ công Việt Nam tại Hà Nội (2007); Hội thi hàng lưu niệm tại Huế (2009)...

Năm 2019, sản phẩm đệm bàng Phò Trạch được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và được chọn tham gia cuộc thi bình chọn sản phẩm nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2020.

Cần sớm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể 'Đệm bàng Phò Trạch' hướng đến một thương hiệu đủ mạnh cho các sản phẩm thủ công từ cỏ bàng. Ảnh: Công Điền.

Cần sớm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Đệm bàng Phò Trạch" hướng đến một thương hiệu đủ mạnh cho các sản phẩm thủ công từ cỏ bàng. Ảnh: Công Điền.

Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền thừa nhận, dù được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ quảng bá sản phẩm nhưng hiện làng nghề truyền thống đệm bàng Phò Trạch cũng đang gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như nguồn nguyên liệu sản xuất ngày càng khan hiếm, hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất; thị trường tiêu thụ còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn thấp, chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ, gay gắt của các sản phẩm thay thế như chiếu trúc Trung Quốc, chiếu nhựa, nệm tổng hợp...

Cùng với đó, thu nhập đem lại từ các sản phẩm đệm bàng còn khiêm tốn, chủ yếu là thu nhập thêm cho bà con trong những lúc nông nhàn. Việc quản lý, phát triển nghề chưa ổn định, còn nhiều bất cập trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, các sản phẩm muốn thương mại hóa đều phải đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu của mình. Tuy nhiên đến nay, sản phẩm đệm bàng Phò Trạch lại chưa được tạo lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Theo ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, việc đăng ký, xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đệm bàng Phò Trạch hướng đến một thương hiệu đủ mạnh là việc cần làm ngay.

Đây là giải pháp khả thi nhằm phát triển thị trường, tạo điều kiện để sản phẩm đệm bàng Phò Trạch có nhiều cơ hội đến với người tiêu dùng. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm