| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch tỉnh Phú Yên:

Cần sớm có chế độ, chính sách đãi ngộ cho kiểm lâm

Thứ Sáu 22/07/2022 , 08:13 (GMT+7)

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về tình trạng lực lượng kiểm lâm liên tục xin nghỉ việc, "thiếu trước hụt sau".

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên. Ảnh: NC.

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên. Ảnh: NC.

Liên quan về bài viết "Kiểm lâm viên liên tục xin nghỉ việc" khiến lực lượng kiếm lâm tại tỉnh Phú Yên vốn đã thiếu nay càng thiếu hơn, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam: Hiện một số ngành, nghề mang tính đặc thù như y tế, lâm nghiệp, tài nguyên và môi trường... đang có dấu hiệu thiếu hụt nhân lực do người lao động nghỉ việc bởi áp lực và môi trường làm việc.

Tại nhiều địa phương như Đăk Lăk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Quãng Ngãi, Gia Lai... cũng đã xảy ra tình trạng cán bộ, công chức kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc hàng loạt trong một thời gian ngắn.

Đối với lực lượng kiểm lâm tỉnh Phú Yên, tình hình thiếu hụt biên chế diễn ra từ nhiều năm trước, đỉnh điểm là từ năm 2017 đến nay. Công chức kiểm lâm luôn trong tình trạng hoạt động kiêm nhiệm, gánh vác nhiệm vụ do tình trạng thiếu biên chế nảy sinh.

Giao rừng, cho thuê rừng để giảm áp lực cho lực lượng bảo vệ rừng

Nguyên nhân của việc lực lượng kiểm lâm liên tục xin nghỉ việc là gì, thưa ông?

Lực lượng kiểm lâm cũng như lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang gánh vác nhiệm vụ khá nặng nề, gian khổ, đặc biệt là trách nhiệm trước pháp luật khi để tài nguyên rừng bị xâm hại. Người lao động hoạt động ở môi trường xa xôi, địa hình hiểm trở, làm việc không có giờ giấc và đời sống khó khăn, phải đối phó với hoạt động của các đối tượng vi phạm, vùng núi xa khu dân cư nên khó khăn cho việc vận chuyển lương thực, thực phẩm và các đồ dùng phục vụ cho sinh hoạt.

Thực tế cấp xã không có nguồn lực, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng không đủ thẩm quyền xử lý khi có vụ việc vi phạm, lực lượng kiểm lâm dù đủ thẩm quyền nhưng một công chức phụ trách địa bàn từ 2 - 3 xã nên khó quán xuyến hết công việc được giao... Tình hình tuyển dụng, bố trí nguồn nhân lực cũng đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hiện tại các trường đào tạo, số lượng thí sinh theo học ngành lâm nghiệp rất ít, trong khi nhu cầu về nhân lực rất cấp thiết trong hiện tại và tương lai.

Tỉnh Phú Yên thiếu lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: KS.

Tỉnh Phú Yên thiếu lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Ảnh: KS.

Việc củng cố lại lực lượng kiểm lâm để quản lý, bảo vệ rừng rất quan trọng và cấp thiết, tỉnh sẽ triển khai giải pháp gì trước mắt cũng như lâu dài, thưa ông?

Trước mắt, chúng tôi tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại địa phương; tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp và địa phương huy động mọi nguồn lực tham gia hoạt động bảo vệ rừng. Trong đó, phải có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ kịp thời của 3 lực lượng (kiểm lâm - công an - quân đội) nhằm giảm bớt áp lực cho lực lượng kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang thiếu nguồn nhân lực như hiện nay.

Cùng với đó, tập trung xây dựng các dự án chuyên ngành để kịp thời đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm. Giao rừng cho các chủ rừng cụ thể để hỗ trợ các chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, bảo đảm mỗi diện tích rừng đều có chủ và khai thác, sử dụng, quản lý rừng có hiệu quả.

Rà soát các vụ vi phạm về quản lý bảo vệ rừng để kiến nghị xử lý nghiêm minh theo pháp luật, bảo đảm tính răn đe, làm gương trong thực hiện pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Về lâu dài, có mấy vấn đề kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với công chức, viên chức ngành lâm nghiệp công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hiểm trở...

Về địa phương, chúng tôi từng bước hoàn thiện hệ thống tổ chức về lâm nghiệp từ cấp huyện đến xã, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm làm việc địa bàn xã, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng nhằm thực hiện phương châm “bảo vệ rừng tận gốc”.

Bữa cơm của lực lượng kiểm lâm của tỉnh Phú Yên khi tuần tra rừng. Ảnh: KS.

Bữa cơm của lực lượng kiểm lâm của tỉnh Phú Yên khi tuần tra rừng. Ảnh: KS.

Đấy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư các trang thiết bị hiện đại trong hoạt động quản lý rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng nhằm giảm sức lao động cho lực lượng thực thi công vụ của ngành.

Xã hội hóa nghề rừng để giảm áp lực cho lực lượng bảo vệ rừng bằng việc giao rừng, cho thuê rừng. Theo đó, yêu cầu các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch hàng năm để tổ chức giao, cho thuê rừng thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Tập trung chỉ đạo, hỗ trợ để các chủ rừng thực hiện quản lý rừng bền vững, liên danh liên kết với nhà đầu tư và được chứng nhận FSC nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh rừng có hiệu quả, đáp ứng điều kiện về môi trường và phát triển cộng đồng, đóng góp nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng, góp phần giảm nhẹ áp lực cho cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo trong công tác quản lý, bảo vệ rừng nên tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp có xu hướng giảm, năm sau giảm so với năm trước. Tuy nhiên tình hình phá rừng vẫn còn xảy ra, nhất là ở những vùng sâu vùng xa, đường sá đi lại khó khăn, nguy hiểm, thường xuyên giáp mặt với lâm tặc manh động, chống đối, kích động.

Trong khi đó, cơ chế, chính sách cho lực lượng phối hợp, tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng chưa tương xứng với tính chất công việc; kinh phí đầu tư cho hoạt động, trang thiết bị làm việc còn hạn chế. Do đó, việc công chức kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng xin nghỉ việc hoặc chuyên ngành trong thời gian qua là có.

Ứng dụng công nghệ thông tin để bớt vất vả cho kiểm lâm

Chi cục Kiểm lâm đã có báo cáo Sở NN-PTNT để kiến nghị UBND tỉnh xem xét, cho cơ chế, chính sách đặc thù để xét tuyển, tức là chọn sinh viên ra trường loại khá trở lên có thể cho xét tuyển không qua hình thức thi tuyển. Bên cạnh đó, kiến nghị cho phép cơ chế tiếp tục thực hiện việc sát hạch viên chức làm việc với các điều kiện, bằng cấp vào ngành kiểm lâm. Đây cũng là một trong những giải pháp để khôi phục lực lượng kiểm lâm. Vấn đề này, tỉnh có ý kiến ra sao?

Vấn đề Chi cục Kiểm lâm, Sở NN-PTNT báo cáo đề xuất, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu giải quyết theo đề nghị của Sở NN-PTNT. Hiện nay, các sở, ngành liên quan đang tích cực nghiên cứu, giải quyết theo quy định.

Hiện lực lượng kiểm lâm cũng như lực lượng bảo vệ rừng thật sự vất vả, nhất là thời điểm mùa khô. Do đó, để giảm áp lực công việc cho lực lượng kiểm lâm, tăng hiệu quả cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, việc ứng dụng công nghệ thông tin là rất cần thiết. Vậy thời gian tới, tỉnh sẽ sẽ có giải pháp gì để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn?.

Quan điểm của tỉnh rất ủng hộ việc ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư các trang thiết bị lâm nghiệp hiện đại để quản lý rừng, là hướng đi phù hợp với hiện tại và trong tương lai. Vì vậy, tính đến nay, tỉnh đã đầu tư mua sắm các trang thiết bị hiện đại cho lực lượng kiểm lâm.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh đang chỉ đạo Sở NN-PTNT xây dựng và thực hiện hiệu quả dự án "Nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2021 – 2030", sẽ tập trung đầu tư các trang thiết bị, công nghệ tiên tiến của thế giới ứng dụng cho việc khảo sát, phân tích, kết nối, dự báo liên quan đến lâm nghiệp.

Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng đi tuần tra. Ảnh: KS.

Lực lượng quản lý, bảo vệ rừng đi tuần tra. Ảnh: KS.

Hiện nay, tỉnh đang xin ý kiến về chủ trương của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT về dự án này do có liên quan đến việc hỗ trợ vốn đầu tư từ trung ương. Tuy nhiên, vấn đề này cần có thời gian, lộ trình, vì còn liên quan đến vốn đầu tư, con người sử dụng (phải qua đào tạo) chứ không phải giải quyết ngay được.

Ông có kiến nghị gì đến bộ, ngành trong việc hỗ trợ địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng được hiệu quả hơn?

Thứ nhất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ ban hành chế độ, chính sách đãi ngộ đối với công chức, viên chức ngành lâm nghiệp, nhất là cán bộ công tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hiểm trở... để thu hút nguồn nhân lực, phục vụ nhiệm vụ quan trọng nhưng khó khăn của ngành lâm nghiệp như chính sách đãi ngộ về tiền lương, quy định độ tuổi nghỉ hưu theo tính đặc thù..., bởi hoạt động bảo vệ rừng phải sống và làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn, di chuyển ở địa hình, đồi núi hiểm trở, rủi ro tai nạn nghề nghiệp rất cao, ăn uống, sinh hoạt thiếu thốn... Chúng tôi cũng kiến nghị có chính sách thu hút lao động có trình độ, năng lực sử dụng công nghệ cao trong công tác dự báo, cảnh báo về bảo vệ rừng...

Thứ hai, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành trung ương sớm xây dựng và ban hành chính sách bảo vệ rừng và PCCCR như: Định mức giao khoán bảo vệ rừng, quy định mức hỗ trợ bồi dưỡng cho lực lượng bảo vệ rừng, chữa cháy rừng, kiểm tra truy quét các đối tượng phá rừng... theo Luật Lâm nghiệp để các địa phương thực hiện.

Thứ ba, kiến nghị Chính phủ có quy định về định biên cho lực lượng kiểm lâm theo diện tích rừng để có cơ sở cân đối, bố trí đủ số lượng công chức kiểm lâm đáp ứng theo nhu cầu cần thiết của địa phương.

Phú Yên có diện tích thuộc quy hoạch 3 loại rừng hơn 275.688ha, chiếm gần 55% tổng diện tích tự nhiên. Theo kết quả cập nhật diễn biến rừng năm 2021, diện tích đất có rừng hơn 250.255ha (rừng tự nhiên hơn 127.130ha; rừng trồng 120.064,06ha; rừng cao su 3.060,99ha); tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 46,25% tăng 10,84% so với năm 2016.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.