| Hotline: 0983.970.780

Ăn 'quả đắng' vì giống mắc ca đểu

Thứ Ba 14/06/2022 , 10:25 (GMT+7)

ĐĂK LĂK Giống mắc ca trôi nổi trên thị trường, không đảm bảo chất lượng khiến không ít người dân trồng mắc ca mỏi mòn chờ đợi 5 - 6 năm, để rồi ăn 'quả đắng'.

Hiện nay trên thị trường cây giống tại Đắk Lắk hầu hết các vườn ươm đều bán cây giống mắc ca. Tình trạng giống mắc ca không đảm bảo chất lượng, đã khiến không ít hộ dân ăn "quả đắng".

Gia đình ông Lâm Thiện Hoàng, ngụ xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) trồng 150 cây mắc ca hơn 10 năm trước qua giới thiệu của bạn bè.

Thời điểm ấy, các vườn ươm mắc ca chưa nhiều nên không có sự lựa chọn về giống. Do đó, gia đình ông Hoàng phải mua giống với giá 60.000 đồng/cây và bị ép mua thêm 300 cây thực sinh. Do giống mắc ca không tốt nên hơn nửa số cây trong vườn cho quả rất ít, không đạt năng suất.

Nửa vườn mắc ca của gia đình ông Hoàng năng suất không đảm bảo vì giống kém chất lượng. Ảnh: Minh Quý.

Nửa vườn mắc ca của gia đình ông Hoàng năng suất không đảm bảo vì giống kém chất lượng. Ảnh: Minh Quý.

Mắc ca là cây lâm nghiệp, trồng hơn 4 năm mới cho trái. Do đó, người dân mua phải cây giống kém chất lượng sẽ tốn chi phí chăm sóc, thiệt hại lớn.

Ông Dương Thành Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần HD Đắk Lắk cho biết, hiện trên thị trường có nhiều vườn ươm mắc ca nhưng chưa có đánh giá nào về chất lượng những loại giống này.

Cây mắc ca trồng 5 - 6 năm mới cho ra sản phẩm, nếu không được kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng đối với người trồng. “Chúng tôi rất lo lắng vấn đề này. Vì nếu sau 5 - 6 năm mới phát hiện giống không đạt chất lượng thì người dân thiệt hại rất nặng”, ông Hải chia sẻ.

Theo ông Hải, vườn ươm của Công ty có diện tích 10 ha với 9 dòng giống mắc ca theo tiêu chuẩn của Bộ NN-PTNT. Để giống đủ tiêu chuẩn xuất ra thị trường, cây thực sinh phải trồng hơn 12 tháng mới bắt đầu ghép. Sau khi ghép đủ 6 tháng cây giống mới đủ chuẩn bán ra ngoài theo yêu cầu của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Việc này để tránh tình trạng bán cây non gây rủi ro cho người trồng.

Ông Dương Thanh Tương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam chia sẻ, giống mắc ca quyết định thành công đến 90% của vườn trồng. Nếu không có bộ giống chuẩn, người dân sẽ thiệt hại rất lớn.

Hiện nay, tình trạng giống mắc ca trôi nổi tại Đắk Lắk vẫn còn phổ biến. Ảnh: Minh Quý.

Hiện nay, tình trạng giống mắc ca trôi nổi tại Đắk Lắk vẫn còn phổ biến. Ảnh: Minh Quý.

Các giống mắc ca trôi nổi trên thị trường do người dân tự làm nên chưa được cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng.

“Nhiều vườn ươm không có suy nghĩ giúp cho nông dân làm ăn hiệu quả, đúng theo trách nhiệm của người làm giống. Khi nông dân mua phải giống cây mắc ca thực sinh, rất dễ bị thiệt hại”, ông Tương nói.

Theo ông Tương, cách đây 3 - 4 năm, nhiều hộ dân trồng giống mắc ca không chuẩn dẫn đến không đậu quả. Thời điểm này, người dân bàn nhau tẩy chay khiến cây mắc ca chững lại một thời gian.

“Để có giống chuẩn, Hiệp hội đã thành lập 2 công ty chuyên sản xuất về giống mắc ca. Mỗi công ty dự kiến sản xuất 1 triệu cây giống theo chuẩn của Bộ NN-PTNT. Đến nay, bộ giống mắc ca của các công ty đã xuất sang Lào, Campuchia và các tỉnh phía Bắc. Chúng tôi cam kết người dân trồng trong 5 năm không ra hoa, ra trái thì được các công ty đền bù. Khi trồng cây có sản phẩm, công ty cam kết thu mua lại cho người dân”, ông Tương nói thêm.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, cây mắc ca đã mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho các HTX, người dân tại địa phương. Loại cây này có nhiều triển vọng phát triển trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Công ty Cổ phần HD Đắk Lắk đầu tư vườn ươm đạt tiêu chuẩn của Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Ảnh: Minh Quý.

Công ty Cổ phần HD Đắk Lắk đầu tư vườn ươm đạt tiêu chuẩn của Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Ảnh: Minh Quý.

Năm 2016, Bộ NN-PTNT đã có quyết định về quy hoạch, phát triển cây mắc ca trong cả nước. Hiện nay, Bộ NN-PTN đã nghiên cứu, đánh giá, khảo nghiệm và công nhận giống đối với các giống mắc ca phù hợp với từng địa phương.

“Mắc ca là cây dài ngày, từ năm thứ 5 trở đi mới cho thu nhập. Nếu người dân không tiếp cận được giống chất lượng, sẽ gây thiệt hại lớn. Việc này gây ảnh hưởng lâu dài đến việc phát triển mắc ca tại địa phương”, ông Dương chia sẻ.

Để người dân tiếp cận được giống tốt, Sở NN-PTNT sẽ phối hợp với cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các điểm sản xuất, kinh doanh giống. “Đây là vấn đề quan trọng trong việc phát triển mắc ca. Các cơ quan chức năng sẽ khuyến cáo người dân kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh giống đảm bảo chất lượng”, ông Dương nói thêm.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất