Một số quận, huyện ở Cần Thơ đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cây ăn trái, như cam xoàn, nhãn Ido, phường Thới An, quận Ô Môn; dâu Hạ Châu, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền; sầu riêng Tân Thới, huyện Phong Điền... nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu trái cây tại địa phương.
Theo Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, tổng diện tích trồng cây ăn trái của thành phố hơn 18.500ha, tăng hơn 556ha so với cùng kỳ năm trước. Hiện hầu hết các chủng loại cây ăn trái ngon của miền Nam đều được trồng tại Cần Thơ, như vú sữa, sầu riêng, nhãn, măng cụt, xoài, cam, bưởi, chuối, thanh long, mít… Thời gian qua, ngành nông nghiệp Cần Thơ cùng các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động cung cấp thông tin, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống cây trồng và kết nối cung cầu nhằm giúp người dân trồng cây ăn trái đạt hiệu quả.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp Cần Thơ đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường liên kết, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng tốt cho cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Đến nay, toàn thành phố có hơn 101ha cây ăn trái của 110 hộ dân tại các HTX và tổ hợp tác đã được chứng nhận VietGAP, với các loại cây ăn trái: Xoài cát Hòa Lộc, nhãn, vú sữa, mít, cam, sầu riêng…
Huyện Phong Điền là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất TP Cần Thơ, với tổng diện tích trên 7.400ha, trong đó có nhiều loại cho giá trị kinh tế cao như sầu riêng, vú sữa, nhãn, dâu Hạ Châu… Trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng trái cây thu hoạch tại huyện Phong Điền đạt khoảng 50.000 tấn, tăng gần 20% so với cùng kỳ.
Theo khảo sát, đánh giá của ngành nông nghiệp Cần Thơ, nhiều diện tích trồng cây ăn trái đặc sản tại thành phố giúp nhà vườn có thu nhập từ 200-700 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nông dân cũng xây dựng được 31 mô hình vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần so với chuyên canh cây ăn trái.
Trái cây muốn xuất khẩu đi các nước và đưa vào bán giá cao tại các siêu thị và kênh bán hàng cấp cao, đòi hỏi phải đạt chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc. Do vậy, ngành nông nghiệp rất quan tâm hỗ trợ nông dân xây dựng các vùng trồng cây ăn trái tập trung đảm bảo cuất lượng, được cấp mã số vùng trồng và sản xuất trái cây đạt theo các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cho biết: Bên cạnh việc tăng cường tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân trồng cây ăn trái đạt theo các chuẩn thực hành nông nghiệp tốt như VietGAP và GlobalGAP, Chi cục tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện các hồ sơ, thủ tục để được cấp mã Code cho vùng trồng cây ăn trái, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, tích cực phối hợp quảng bá sản phẩm và kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp và các nhà tiêu thụ.
Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền cho biết: Thông qua sự hỗ trợ, kết nối của ngành nông nghiệp Cần Thơ, vú sữa trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX đã được một doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu thành công vào thị trường Mỹ. Nhờ vậy, giá bán vú sữa tại HTX tốt hơn so với trước và HTX cũng ngày càng được nhiều doanh nghiệp biết đến. HTX hiện có 45 xã viên trồng 45,5ha vú sữa VietGAP, trong đó có 17 xã viên đang nâng cao các tiêu chuẩn trong quy trình sản xuất cho 24,5ha để đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.