| Hotline: 0983.970.780

Cần Thơ nói gì về việc chi hơn 22 tỉ đồng diệt chuột?

Thứ Năm 18/03/2021 , 15:27 (GMT+7)

Nếu như lúa bị sâu bệnh thì chỉ bị giảm năng suất, còn chuột phá thì thường chúng cắn đứt ngang gốc lúa nên thiệt hại gần như hoàn toàn.

Ngày 18/3, bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cho biết, tình hình chuột gây hại trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng trên địa bàn TP Cần Thơ.

Chỉ tính riêng cây lúa từ năm 2016 đến năm 2020, tổng diện tích chuột gây hại 19.415 ha, được duy trì và tăng dần qua các năm. Cụ thể năm 2016 chuột gây hại là 3.456 ha, năm 2017 là 3.196 ha, năm 2018 khoảng 3.550 ha, năm 2019 là 4.756 ha, năm 2021 là 4.457 ha (chiếm 2-3% diện tích sản xuất lúa).

Nạn chuột phá hại lúa đã gây thiệt hại ngày càng lớn tại TP Cần Thơ, nhưng việc diệt chuột còn diễn ra tự phát, thiếu an toàn và kém hiệu quả.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nạn chuột phá hại lúa đã gây thiệt hại ngày càng lớn tại TP Cần Thơ, nhưng việc diệt chuột còn diễn ra tự phát, thiếu an toàn và kém hiệu quả.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt làm thay đổi quy luật của thời tiết. Điển hình như  nắng nóng kéo dài, tình hình hạn hán, thiếu nước, mưa trái mùa xuất hiện tạo điều kiện thuận lợi cho chuột phát triển và sinh sôi gia tăng mật số từ vụ này sang vụ khác, 1 cặp chuột bố mẹ sau 1 năm có thể sinh sản được 2.064 con.

Trên cơ sở tình hình thực trạng và tính cấp thiết tại địa phương, kết hợp với các thông tin dự báo về diễn biến điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài, diễn biến dịch hại, ngành nông nghiệp Cần Thơ xây dựng kế hoạch trên cơ sở kịch bản dự báo dịch hại ước khả năng gây hại của chuột trên đồng khoảng 5% tổng diện tích gieo trồng, với diện tích cần phòng trừ chuột hàng năm dự kiến 11.200 ha đối với cây lúa và 1.000 ha đối với cây ăn quả.

Một số biện pháp diệt chuột của nông dân chưa phù hợp và mang lại hiệu quả chưa cao như: Sử dụng thuốc hóa học kết hợp đổ nhớt trên đồng gây ô nhiễm môi trường, một số nông dân sử dụng điện để bắt chuột đã có trường hợp gây chết người và các động vật khác.

Theo bà Hiếu, nếu như lúa bị sâu bệnh thì chỉ bị giảm năng suất, còn chuột phá thì thường chúng cắn đứt ngang gốc lúa nên thiệt hại gần như hoàn toàn.

Với kịch bản 11.200 ha lúa cần phải phòng trừ chuột hàng năm, nếu chỉ tính thiệt hại ở mức độ 50% diện tích và 50% sản lượng trong số này do chuột, thì ước tính sẽ có 5.600 ha lúa bị thiệt hại.

Diện tích này nếu tính năng suất lúa 7 tấn/ha, sẽ có 39.200 tấn lúa, nếu thiệt hại 50% năng suất tức sẽ mất 19.600 tấn lúa. Tính theo giá bán bình quân 6.000 đồng/kg thì con số thiệt hại lên đến trên 117 tỷ đồng.

Cũng theo bà Hiếu, những năm qua, các giải pháp quản lý chuột ở quy mô cộng đồng chưa được nông dân quan tâm nhiều, mặc dù trong thời gian qua ngành nông nghiệp đã phối hợp các ngành chức năng và địa phương tập trung công tác tuyên truyền diệt chuột lồng ghép với chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chuyên môn. 

Tuy nhiên, mới chỉ giải quyết theo hướng cục bộ tại ruộng vườn nhà của nông dân nên hiệu quả mang lại không cao và thiếu tính bền vững trong cộng đồng. Giải pháp quản lý chuột bằng bẫy cây trồng rất có hiệu quả ngay từ đầu vụ nhưng nông dân chưa thực hiện được.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Thực hiện theo chỉ thị số 9864 của Bộ NN-PTNT về tăng cường công tác phòng chống chuột và bảo về sản xuất trồng trọt, mới đây TP Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch phòng, chống loài vật phá hại này trên cây trồng, giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Trong đó, vốn đề xuất ngân sách thành phố là hơn 22,5 tỷ đồng. Vốn đối ứng của nông dân là hơn 7 tỷ đồng.

1 cặp chuột bố mẹ sau 1 năm có thể sinh sản được 2.064 con. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

1 cặp chuột bố mẹ sau 1 năm có thể sinh sản được 2.064 con. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Có thể nói, hiện nay việc ứng phó với nạn chuột phá hại còn diễn ra tự phát thiếu an toàn và kém hiệu quả.

Các biện pháp thường thấy là người dân sử dụng thuốc hóa học kết hợp với đổ nhớt để diệt chuột trên đồng gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể chuột dính thuốc hóa học chết vứt ra đồng bốc mùi hôi thối, một số nông dân giăng điện để diệt chuột đã có những trường hợp dẫn đến chết người.

Các giải pháp quản lý phòng, chống chuột ở quy mô cộng đồng chưa được nông dân quan tâm, chỉ giải quyết theo hướng cục bộ tại vườn nhà, ruộng nhà nên hiệu quả chưa cao.

Vì vậy, cần kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ, tuyên truyền và sâu rộng như hội nghị, tọa đàm, phóng sự, báo đài, tài liệu bướm…đ ể huy động doanh nghiệp, HTX, nông dân có nhận thức rõ hơn nữa về công tác phòng chống chuột và thực hành một cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho con người và môi trường.

​Đây là nhóm nội dung quan trọng trong việc nhân rộng hiệu quả công tác quản lý, phòng trừ chuột ở quy mô cộng đồng, cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục...

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các đơn vị, Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch phòng chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021-2025, có ý nghĩa mang tính chủ động, dự báo và tạo ra cơ sở pháp lý cho công tác bảo vệ sản xuất trồng trọt một cách có hiệu quả cao nhất.

Xem thêm
Bổ sung 1 cặp hươu sao lên đảo Bạch Long Vỹ

HẢI PHÒNG Hơn 10 ngày sau khi phát hiện cá thể hươu sao trên đảo, huyện Bạch Long Vỹ được bổ sung thêm 1 cặp hươu khác, có cả đực và cái để phát triển đàn.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.