| Hotline: 0983.970.780

Cảng cá hoang tàn, cho thuê không ai thèm ngó

Thứ Bảy 12/08/2023 , 15:15 (GMT+7)

Thanh Hóa Dù được đầu tư với số tiền lớn, thế nhưng nhiều năm qua, cảng cá Hoằng Phụ vẫn nằm trong tình trạng ‘đắp chiếu’, gây lãng phí lớn nguồn lực đầu tư.

Đầu tư cảng cá rồi… bỏ hoang

Anh Trần Văn Minh vừa mua lại con tàu với giá hơn 200 triệu đồng, nhưng thời gian phương tiện nằm bờ nhiều hơn vươn khơi. Cảng cá Hoằng Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) lác đác một vài bóng người qua lại. Bên trong boong tàu, anh Minh lúi húi cân chỉnh máy. Gia đình anh Minh có 5 nhân khẩu, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào nghề đi biển. Vài tháng trở lại đây, còn tàu vươn khơi cầm chừng, vì thế thu nhập của gia đình anh giảm nhiều.

“Tàu cá muốn ra vào cảng phải đợi con nước lên. Có thời điểm biển nổi sóng, ngư dân cho tàu nằm bờ cả cả tháng. Tháng nào thuận lợi thì ngư dân thu nhập vài chục triệu, có tháng không có đồng nào. Tháng nào không ra khơi được thì vay mượn hàng xóm để trang trải cuộc sống. Mấy năm trở lại đây nguồn lợi thủy sản ven bờ giảm nhiều nên thu nhập của người dân cũng giảm đáng kể", anh Minh cho biết.

Cảng cá Hoằng Phụ bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Quốc Toản.

Cảng cá Hoằng Phụ bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Quốc Toản.

Ngư dân này cũng cho hay, một vài năm trở lại đây, nhiều ngư dân tại thôn Tân Xuân đã giải bản hoặc nhượng lại tàu cá cho người khác: “Trước đây, khu cảng này có tới mấy chục chiếc tàu, thuyền neo đậu. Tuy nhiên, nhiều năm nay, tàu thuyền cập cảng khó khăn, nhiều người dân đã bỏ nghề đi làm việc khác. Nếu cảng hoạt động trở lại thì ngư dân mới quay lại nghề đi biển”.

Cũng theo phản ánh của một số ngư dân thôn Tân Xuân, do tình trạng tàu nằm bờ nhiều tháng, các chủ tàu, thuyền cũng ít ra vào cảng cá Hoằng Phụ để trông coi tài sản. Bởi thế, thi thoảng vẫn có tình trạng mất thiết bị, máy móc trên tàu.

Khu neo đậu tàu thuyền tại cảng cá. Ảnh: Quốc Toản.

Khu neo đậu tàu thuyền tại cảng cá. Ảnh: Quốc Toản.

Được biết, cảng cá Hoằng Phụ được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đầu tư, nâng cấp năm 2012 (điều chỉnh năm 2016) với tổng vốn hơn 43,6 tỷ đồng. Công trình thuộc dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Thanh Hóa, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới, do Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư.

Công trình có mục tiêu đảm bảo điều kiện bốc dỡ, sơ chế, bảo quản khoảng 5,4 nghìn tấn thủy sản mỗi năm, cung cấp dịch vụ hậu cần và làm nơi neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền của ngư dân xã Hoằng Phụ và vùng lân cận.

Dù đây là dự án được đầu tư với số tiền lớn, thế nhưng chỉ sau một thời gian đi vào hoạt động, công trình đã bị bỏ hoang. Theo quan sát của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, bên trong khuôn viên cảng cá xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa hầu như không có hoạt động nào liên quan nghề cá. Các hạng mục công trình như nhà điều hành, sân bến, cọc neo đậu tàu thuyền, hệ thống điện, cấp thoát nước, kè bờ bao, hai nhà tiếp nhận và phân loại thủy hải sản và nhiều công trình phụ trợ khác đều xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được tu sửa. Hiện nay, số tàu thuyền, bè mảng neo đậu tại cảng cá Hoằng Phụ đã giảm nhiều so với trước đây.

Đấu giá cảng cá cho thuê nhưng không ai tham gia

Theo UBND huyện Hoằng Hóa, sau một thời gian hoạt động, do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ảnh hưởng từ các cơn lũ đã làm cho luồng lạch và vùng nước trước cảng bị bồi lắng, gây khó khăn cho tàu cá ra vào bốc dỡ hàng hóa.

“Các tàu lớn trên 12m ra vào cảng rất khó khăn dẫn đến số lượng tàu cá ra vào bến rất ít. Bên cạnh đó, thành viên ban quản lý bến cá hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, không có nguồn kinh phí hoạt động gây khó khăn cho việc vận hành cảng.

Mặt khác, cơ quan quản lý không thể tổ chức thu giá dịch vụ vì bến cá chưa đủ tiêu chuẩn thành cảng loại III theo quy định. Tại cảng cá Hoằng Phụ mới chỉ có luồng dẫn ra vào, nhà điều hành, điện nước và một số khu chợ mà chưa có trạm xăng dầu, cơ sở cung cấp đá lạnh”, báo cáo của UBND huyện Hoằng Hóa nêu rõ.

Khu nhà điều hành tại cảng cá Hoằng Phụ bỏ hoang. Ảnh: Thanh Nga.

Khu nhà điều hành tại cảng cá Hoằng Phụ bỏ hoang. Ảnh: Thanh Nga.

Được biết, để khắc phục tình trạng bồi lắng luồng lạch, năm 2018, UBND xã Hoằng Phụ đã chi hơn 1 tỷ đồng từ ngân sách cấp xã để nạo vét luồng lạch ra vào bến, nhưng sau một thời gian ngắn, khu vực ra vào cảng lại bị bồi lắng. Trước thực tế trên, đầu năm 2022, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành đề án cho thuê quyền khai thác cảng cá Hoằng Phụ. Tuy nhiên, hai năm qua, UBND huyện Hoằng Hóa ba lần tổ chức các phiên đấu giá tìm nhà đầu tư nhưng không thành. Hiện nay cảng cá Hoằng Phụ được UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho UBND huyện Hoằng Hóa quản lý và sử dụng theo quy định.

Ông Lê Bá Quyết, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoằng Hóa cho biết: “Việc quản lý cảng cá hiện nay gặp nhiều khó khăn, do cán bộ ít, công việc nhiều, kinh phí hoạt động khó khăn. Tôi cho rằng, nên bàn giao cảng cá Hoằng Phụ cho Ban quản lý cảng cá Thanh Hóa quản lý, khai thác”.

Việc cảng cá Hoằng Phụ nhiều năm nay luôn trong tình trạng "đắp chiếu" không phát huy được công năng sử dụng đã gây lãng phí lớn về nguồn lực đầu tư.Trước thực tế trên, UBND tỉnh Thanh Hóa cần có giải pháp kịp thời để khai thác có hiệu quả công trình này.

Xem thêm
Trà Vinh đề xuất đầu tư 14 công trình phục vụ nuôi trồng thủy sản

Giai đoạn 2026 - 2030, Trà Vinh đã đề xuất trung ương đầu tư 14 công trình hạ tầng phục vụ vùng nuôi thủy sản trên địa bàn với tổng kinh phí 1.900 tỷ đồng.

Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Bám biển xuyên Tết khai thác vụ cá Bắc

Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương ven biển tuyên truyền, động viên kịp thời các ngư dân bám biển khai thác hải sản vụ cá Bắc dịp Tết Nguyên đán đạt hiệu quả.