| Hotline: 0983.970.780

Căng mình phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Thứ Năm 06/05/2021 , 16:27 (GMT+7)

3 tháng nay, hầu hết trang trại chăn nuôi lớn ở Hà Tĩnh cấm trại 100%; thực hiện nhiều giải pháp an toàn sinh học để bảo vệ 'đầu kéo' ngành chăn nuôi trước DTLCP.

11/13 huyện, thị xã, thành phố “dính” dịch

Mặc dù đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) song do thời tiết mưa nắng liên tục, nhiệt độ thay đổi đột ngột tạo điều kiện cho vi rus gia tăng độc lực, bùng phát diện rộng. 

DTLCP tại Hà Tĩnh đang bùng phát diện rộng, khó kiểm soát. 

DTLCP tại Hà Tĩnh đang bùng phát diện rộng, khó kiểm soát. 

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 11/13 huyện, thị xã, thành phố (trừ TX Hồng Lĩnh và huyện Nghi Xuân) “dính” DTLCP, với hơn 7.500 con lợn mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy. Đặc biệt, tại các huyện: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc và Đức Thọ dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp.

Ở huyện Thạch Hà, tuy dịch mới xảy ra trong vòng gần 1 tháng nay nhưng tổng số lợn chết và buộc phải tiêu hủy đã tăng lên chóng mặt, nhiều nhất tỉnh với số lượng hơn 2.600 con. Cùng với đó, tốc độ tái đàn của huyện trong thời gian qua khá nhanh, không đảm bảo an toàn sinh học, mầm bệnh lây lan trên diện rộng nên hiện giờ dịch rất khó kiểm soát.

Tại xã Thạch Hội, một trong những địa phương có tổng đàn lợn lớn của huyện Thạch Hà, DTCLP chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

“Trung bình, mỗi ngày xã phải tiêu huỷ từ 8 - 10 con lợn. Đội phản ứng nhanh, đội tiêu huỷ hoạt động liên tục để chôn lấp kịp thời, hạn chế mầm bệnh lây lan. Dịch bệnh bủa vây trong khi lực lượng mỏng, cán bộ thú y kiêm nhiệm, không có chuyên môn đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng, chống”, ông Phan Hữu Duẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hội lo lắng.

Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến DTLCP bùng phát mạnh, khó kiểm soát, chủ trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn thịt quy mô lớn ở huyện Đức Thọ cho rằng, ý thức lơ là trong phòng chống dịch của người chăn nuôi nông hộ là then chốt.

Thời gian vừa qua, rất nhiều địa phương phát hiện người dân vứt xác lợn “dính” bệnh ra sông suối, ao hồ. Đặc biệt, khi chính quyền chưa công bố chính sách mới hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch, người dân xót của dẫn đến tình trạng bán tháo, bán chạy lợn bệnh để vớt vát chi phí đầu tư. Ngoài ra, việc tỉnh Hà Tĩnh ban hành chính sách khuyến khích tái đàn nông hộ nhưng không kiểm soát được các điều kiện đảm bảo an toàn sinh học khiến dịch bệnh ngày càng lây lan.

“Lợn chết tiêu hủy sơ sài, không đúng kịch bản; sau tiêu hủy việc khoanh vùng dập dịch bằng vôi, hóa chất cũng hạn chế. Hơn nữa, công tác kiểm soát lưu lượng mua bán, vận chuyển lợn ra vào vùng dịch không triển khai triệt để dẫn đến mầm bệnh phát tán đi khắp nơi”, chủ trang trại nói.

Ông Trần Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho hay, để kiểm soát hiệu quả DTLCP, vừa qua tỉnh Hà Tĩnh đã phải tạm dừng chính sách hỗ trợ tái đàn. Đồng thời, yêu cầu các địa phương nắm chắc diễn biến hằng ngày, đến từng thôn, xóm; thực hiện tốt việc lập chốt tại các địa bàn có mật độ chăn nuôi lớn, vùng chăn nuôi tập trung để kiểm soát, ngăn chặn nguồn dịch, bảo vệ các khu chăn nuôi, trang trại quy mô lớn; hướng dẫn, khuyến cáo người dân chủ động giảm đàn, không tăng đàn, tái đàn trở lại ở những nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh; không nhập lợn của các tỉnh khác về địa bàn để chăn nuôi, giết mổ; hướng dẫn người dân các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để bảo vệ đàn gia súc.

Doanh nghiệp hỗ trợ chính quyền dập dịch

Theo nhận định của ngành chuyên môn tỉnh Hà Tĩnh, đợt bùng phát dịch lần này vi rus có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu ở ngoài môi trường, trong các sản phẩm thịt lợn, ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển…

Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, Công ty CP chăn nuôi Mitraco đã kịp thời hỗ trợ một số địa phương máy móc, hóa chất, vôi bột tiêu độc khử trùng bao vây, dập dịch. 

Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, Công ty CP chăn nuôi Mitraco đã kịp thời hỗ trợ một số địa phương máy móc, hóa chất, vôi bột tiêu độc khử trùng bao vây, dập dịch. 

Trong khi đó, tổng đàn toàn tỉnh lớn, chủ yếu chăn nuôi nông hộ không đảm bảo an toàn sinh học nên DTLCP sẽ tái phát, lây lan trên diện rộng trong thời gian tới là khó tránh khỏi. Hơn nữa, vi rus có độc lực mạnh như đợt này có thể xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, làm chết, buộc phải tiêu hủy số lượng nhiều, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi.

Từ sau Tết nguyên đán đến nay, ngoài căng mình phòng chống dịch trong trang trại, Công ty CP chăn nuôi Mitraco còn hỗ trợ chính quyền địa phương thiết bị máy móc, hóa chất, vôi bột để tiêu độc khử trùng trong khu dân cư, bao vây, dập dịch.

Ông Hồ Sỹ Huy Thảo, Giám đốc công ty cho hay, hiện trang trại nái ở xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh và Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà thực hiện cấm trại 100%. Tất cả các trại này đều nằm trong vùng bị DTLCP uy hiếp.

“Mấy tháng nay chi phí cho phòng chống dịch tăng lên gấp 5 – 7 lần so với bình thường. Ngoài việc tăng tần suất phun hóa chất lên 4 – 5 lượt/ngày, công ty còn mở rộng diện phun phòng ra bên ngoài trại, các khu dân cư lân cận”, ông Thảo nói.

Được biết, Công ty CP chăn nuôi Mitraco là một trong những doanh nghiệp chăn nuôi lợn truyền thống, quy mô lớn nhất nhì tỉnh Hà Tĩnh, với tổng đàn nái hơn 3.800 con; đàn lợn thịt thường xuyên có mặt trong chuồng từ 12 – 15 ngàn con; bình quân mỗi tháng xuất bán 3 - 4 ngàn con.

(Kiến thức gia đình số 17)

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.