| Hotline: 0983.970.780

Căng thẳng nước tưới cà phê

Thứ Ba 17/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Qua khảo sát nhanh tại các địa phương, mực nước, dòng chảy trên các sông suối toàn tỉnh Đăk Nông đều thấp hơn từ 15 – 20% so với cùng kì năm trước. 

Đặc biệt, có 4 công trình hồ chứa trữ lượng nước xuống dưới mực nước chết là hồ Ea Diêr ở huyện Chư Jút; Đắk M’bai, Đăk Ken và Đăk Loou ở huyện Đăk Mil. 

Tại hồ chứa nước Đăk Mâm (Nam Đà, Krông Nô) những hộ trồng cà phê đang tất bật bơm nước chống hạn. Những ngày này luôn có 10 – 15 máy bơm chạy hết công suất từ sáng tới tối để hút nước tưới cho cây cà phê.

Ông Nguyễn Duy Thanh có gần 3 ha cà phê tại khu vực hồ Đăk Mâm cho hay: “Còn tận 2 tháng nữa mới bắt đầu tới mùa mưa mà giờ mực nước hồ đã xuống thấp hơn ngưỡng tràn gần 3,5 m. Với đà nắng hạn thế này cộng thêm việc người trồng cà phê mạnh ai nấy bơm nước tưới vô tội vạ thì chẳng mấy chốc hồ trơ đáy”.

Cách đó không xa, hàng chục hộ trồng cà phê quanh khu vực hồ Buôn Dơn (Quảng Phú, Krông Nô) cũng cạnh tranh nhau nguồn nước tưới.

Anh Nguyễn Mẫn cho biết: “Đợt tưới cà phê này là lần thứ 3, tuy nhiên với tình hình diễn biến nắng hạn hiện nay, dự kiến gia đình tôi phải tưới thêm ít nhất hai đợt nữa.

Nhưng mấy tháng nay trời không hề có mưa, do đó không có nguồn nước khe suối bổ sung thêm vào hồ nên hồ chứa cạn kiệt quá nhanh. Mực nước trong hồ đã xuống dưới 2 m ngưỡng tràn và chỉ còn xuống thêm 1,5 m nữa là sẽ ở mức nước chết. Chúng tôi phải tranh thủ tưới đợt này, chứ đợt tưới lần sau chắc gì còn nước mà tưới".

Không chỉ các hộ dân trồng cà phê phụ thuộc nguồn nước từ ao hồ, sông suối mà các hộ dân vốn lâu nay chủ động nguồn nước từ các giếng khoan ngầm sâu hàng vài chục m cũng lâm cảnh cạn kiệt nước tưới nghiêm trọng.

Gia đình ông Lê Khắc Nhu ở phường Nghĩa Thành (TX Gia Nghĩa) hơn một tháng nay phải khốn đốn vì hai cái giếng khoan ngầm phục vụ tưới tiêu cho gần 2 ha cà phê trong vườn trở nên kiệt nước.

Ông Nhu cho biết: “Thời điểm này những năm trước, nguồn nước trong giếng chưa bị cạn thì tôi bơm hút tưới tràn thoải mái, còn năm nay khi tưới được 60% diện tích đã đứt nước, phải tắt máy chờ nước có lại. Cứ đà này, các đợt tưới sau có lẽ tưới ba, bốn giờ lại nghỉ”.

Theo ông Nhu, tình hình hạn hán có chiều hướng căng thẳng hơn qua từng năm. Ngoài ra, việc thiếu nước còn một phần do bà con. “Bao năm qua, bà con ta cứ thấy trời hạn là đổ xô, tranh nhau bơm nước tưới vô tội vạ, không có sự thống nhất chung về thời gian và quy trình, mạnh ai nấy tưới thì làm sao mà không cạn kiệt nguồn nước. Kể cả nguồn nước giếng khoan ngầm, nhiều hộ trong xã luôn lặp lại cách làm là khi thấy nước giếng cạn kiệt thì đổ xô đi thuê máy để khoan giếng.

Do những người được thuê khoan giếng chủ yếu hoạt động tự phát, lại không am hiểu kết cấu địa tầng, độ sâu mực nước ngầm tại khu vực nên nhiều gia đình khoan đến 2 – 3 mũi vẫn không gặp nước. Một số hộ khoan đến 150 – 190 m mới đến túi nước ngầm khiến cho nguồn nước của các giếng đào gần đó ngày một cạn kiệt, do bị đứt mạch nước mặt…”, ông Nhu bức xúc.

Để giảm thiệt hại do hạn hán gây ra, ngành nông nghiệp tỉnh Đăk Nông đã ban hành nhiều giải pháp thiết thực. Theo đó, biện pháp hiệu quả nhất là nông dân cần áp dụng tưới tiết kiệm và thực hiện kỹ thuật canh tác tích cực như thiết lập lại hệ thống đai rừng, cây che bóng để cây sinh trưởng, phát triển ổn định. Quan trọng hơn, bà con nông dân chỉ nên cung cấp đủ nhu cầu nước tưới cho cây cà phê là khoảng 300 – 400 lít nước/gốc. 

Điều này không những giúp hạn chế lãng phí nước mà còn giữ ổn định độ phì nhiêu của đất, phân bón do không bị nước cuốn theo chất dinh dưỡng thấm xuống tầng đất sâu.

Ông Đỗ Tuấn Cường, Giám đốc Cty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Đăk Nông, Chi nhánh Krông Nô cho biết: “Để chuẩn bị chống hạn cho vụ đông xuân, ngay từ đầu vụ, chi nhánh đã triển khai các hoạt động như nạo vét, khơi thông dòng chảy trên 8 hồ chứa và 20 km tuyến kênh mương, đảm bảo cho công tác điều tiết nước tưới, hạn chế thất thoát. 10 trạm bơm, 5 máy bơm dã chiến đã sẵn sàng phục vụ công tác chống hạn cục bộ và trên diện rộng”.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Làng rau má bên bờ sông Mã

THANH HÓA Lão nông Lương Trọng Thắng gắn bó với nghề trồng rau má gần nửa thế kỷ nay. Mọi sự trong gia đình lão đều nhờ cây rau má mà nên.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất