| Hotline: 0983.970.780

Căng thẳng sôi sục hai thập niên giữa Mỹ và Venezuela

Thứ Năm 24/01/2019 , 13:51 (GMT+7)

Caracas cáo buộc Washington kích động âm mưu đảo chính trong khi Mỹ nhiều lần áp lệnh trừng phạt với giới lãnh đạo Venezuela.

Hugo Chavez, tổng thống Venezuela năm 1999 - 2013. Ảnh: Reuters.

Quan hệ giữa Mỹ và Venezuela trở thành tâm điểm chú ý trong tuần này sau khi Washington ủng hộ việc lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido ngày 23/1 tuyên bố mình là tổng thống lâm thời. Mỹ gọi Tổng thống Nicolas Maduro là "lãnh đạo bất hợp pháp". Trong khi đó, Maduro cho rằng phe đối lập tìm cách đảo chính với sự hỗ trợ của Mỹ.

Căng thẳng giữa hai quốc gia đã sôi sục từ khi người tiền nhiệm của Maduro là Hugo Chavez nắm quyền năm 1999 - 2013. Chavez năm 2001 khởi động một chương trình quốc hữu hóa các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, từ dầu mỏ, nông sản, ngân hàng cho đến bán buôn. Động thái này gây ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp Mỹ như tập đoàn năng lượng ConocoPhilipps và tập đoàn dầu khí Exxonmobil, theo AFP.

Năm 2002, Caracas phá một âm mưu đảo chính, Chavez cáo buộc tổng thống Mỹ George W. Bush ủng hộ cuộc nổi loạn và mô tả ông là một "con quỷ". Ông cũng thường xuyên tuyên bố sẽ "hạ knock-out" Washington.

Trong khi đó, Mỹ chỉ trích các liên hệ của Chavez với Iraq và Libya và tình bạn của ông với Chủ tịch Cuba Fidel Castro (Mỹ cuối năm 2014 mới bình thường hóa quan hệ với Cuba).

Trên chương trình truyền hình hàng tuần Xin chào Tổng thống, Chavez năm 2006 gọi Bush là "kẻ hèn nhát", "kẻ giết người", "thủ phạm diệt chủng" và "gã nát rượu". Cũng vào năm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld so sánh Chavez với trùm phát xít Adolf Hitler.

Năm 2008, Bush cáo buộc Chavez đã phung phí tài sản dầu mỏ của Venezuela để thúc đẩy "lập trường thù địch với Mỹ", khiến người dân phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực.

Mỹ đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt với Venezuela. Năm 2006, Mỹ cấm bán vũ khí và vật liệu quân sự cho Venezuela với lý do họ thiếu hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Hai bên không bố trí đại sứ tại thủ đô của nhau kể từ năm 2010.

Quan hệ hai nước không cải thiện sau khi Nicolas Maduro trở thành tổng thống Venezuela năm 2013. Washington năm 2015 áp đặt trừng phạt với những quan chức Venezuela bị cáo buộc vi phạm nhân quyền trong các hoạt động chống lại phe đối lập. Đáp trả, Venezuela mua quảng cáo trên trang New York Times để nói với người dân Mỹ rằng Venezuela không phải là mối đe dọa và yêu cầu tổng thống Barack Obama bãi bỏ các lệnh trừng phạt.

Nicolas Maduro trong một cuộc họp tại thủ đô Venezuela tháng 11/2016. Ảnh: Reuters.

Năm 2017, Washington áp đặt trừng phạt đối với cá nhân Maduro - bước đi hiếm hoi chống lại một nguyên thủ quốc gia - với chỉ trích rằng ông thâu tóm quá nhiều quyền lực với việc thành lập hội đồng lập hiến mới có quyền tối cao đối với tất cả các nhánh trong chính phủ.

Mỹ cũng trừng phạt một số thành viên hội đồng lập hiến và các quan chức họ cho là cố gắng duy trì "chế độ độc tài của Maduro". Caracas nói rằng các lệnh trừng phạt gây ra tình trạng thiếu lương thực và thuốc nghiêm trọng.

Venezuela thường xuyên cáo buộc Mỹ ủng hộ các âm mưu đảo chính. Tháng 8/2017, Tổng thống Trump càng làm Venezuela thêm nghi ngờ khi nói với các phóng viên: "Chúng tôi có nhiều lựa chọn với Venezuela, bao gồm cả phương án quân sự nếu cần thiết".

Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez ngày 22/1 cáo buộc người đồng nhiệm Mỹ Mike Pence "công khai kêu gọi đảo chính", sau khi ông ủng hộ cuộc biểu tình của phe đối lập và gọi Maduro là "nhà độc tài không chính đáng".

Mặc dù liên tục đấu khẩu gay gắt, Mỹ vẫn là khách hàng mua dầu lớn nhất của Venezuela, nước kiếm 96% doanh thu từ dầu mỏ.

Họ đã bán khoảng 1/3 lượng dầu xuất khẩu cho Mỹ vào năm 2017. CITGO, công ty con của doanh nghiệp dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA có nhà máy lọc dầu, đường ống và trạm dịch vụ tại Mỹ.

Nếu Mỹ phát lệnh cấm vận dầu mỏ với Venezuela, đó sẽ là đòn giáng kinh tế nặng nề đối với nước này. Giới chuyên gia cho rằng Washington không làm vậy vì động thái đó sẽ khiến kinh tế Venezuela sụp đổ, gây ra khủng hoảng nhân đạo khiến Mỹ bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.

Với việc Mỹ ngày 23/1 ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido trở thành tổng thống lâm thời, căng thẳng giữa Washington và chính quyền Maduro càng thêm sâu sắc. Maduro thông báo cắt quan hệ với Mỹ và yêu cầu phái đoàn ngoại giao Mỹ rời khỏi nước này nhưng Washington không đồng ý.

Giới chuyên gia cho rằng có khả năng phe đối lập Venezuela sẽ điều hành một chính phủ song song được nước ngoài công nhận nhưng không có sự kiểm soát đối với các chức năng của nhà nước.

Eric Farnsworth, Phó chủ tịch Hội đồng các quốc gia châu Mỹ, cho rằng động thái công nhận chóng vánh của Trump có thể dẫn đến những biến động lớn trong chính trường Venezuela. Tuy nhiên, Maduro ít khả năng chấp nhận ra đi như lời kêu gọi của Washington.

"Maduro sẽ không thể khoanh tay ngồi yên trước biến cố này, ông ấy sẽ phải hành động theo cách nào đó", Farnsworth dự báo.

(vnexpress.net)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bùng nổ thị trường thú cưng và chăm sóc thú cưng

Lần đầu tiên Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của 12 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm